Cơn sốt taxi gọi khách bằng điện thoại di động Uber chưa nguôi, thị trường Việt Nam lại xuất hiện thêm một dịch vụ độc và lạ: bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại hay còn được gọi là "đoán bệnh qua điện thoại".
Hàng giả “bủa vây” người dùng
- Cập nhật : 07/01/2016
(Tieu dung)
Thị trường Tết Bính Thân đang vào cao điểm, nhiều cơ sở kinh doanh hám lợi không ngần ngại đưa cả hàng giả, hàng kém chất lượng vào bán
Hàng dỏm, hàng nhái đa phần là thực phẩm, bánh kẹo, rau quả, quần áo, giày dép, mỹ phẩm... đang tràn ngập thị trường TP HCM.
Hàng trăm ngàn sản phẩm bị thu giữ
Từ cuối tháng 10-2015 đến nay, hàng loạt vụ làm hàng giả đã bị lực lượng chức năng TP HCM phát hiện. Hàng ngàn sản phẩm vi phạm, trị giá nhiều tỉ đồng bị tiêu hủy cho thấy hàng giả, hàng nhái đang ở mức báo động.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, cho biết: “Để kiểm soát dần thị trường Tết, chi cục đã huy động toàn bộ 29 đội QLTT quận huyện đột kích những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… Qua đó, trong 3 tháng cuối năm rồi, các đội đã phát hiện hơn 90 vụ vi phạm, tạm giữ khoảng 670.000 sản phẩm thời trang kém chất lượng, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Trong đó, phần lớn là đồng hồ, mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo, điện thoại, mỹ phẩm”.
Theo cơ quan QLTT, phần lớn hàng giả, hàng nhái nhập lậu từ Trung Quốc. Riêng quần áo, túi xách, giày dép, các tiểu thương còn đặt gia công từ các cơ sở sản xuất hàng giả trong nước.
Ngày 30-12-2015, khi kiểm tra cơ sở gia công của bà Trần Thị Ngọc Hà (khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12), đội QLTT 12B phát hiện nhiều sản phẩm may mặc giả các thương hiệu nổi tiếng. Lúc kiểm tra, cơ sở có hơn 30 nhân công đang may và gắn các nhãn hiệu Tommy, Polo, Calvin Klein, Versace… lên áo thun và sơ mi. Do cơ sở không chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 50.000 sản phẩm may mặc giả và hàng tấn nguyên phụ liệu.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 cũng phát hiện cơ sở sản xuất túi xách giả nhãn hiệu Kipling tại khu phố 6, phường Tân Thuận do Nguyễn Thái Hà làm chủ. Lực lượng chức năng thu giữ gần 1.200 túi xách giả cùng nhiều nguyên phụ liệu. Khi kiểm tra, Công ty TNHH May Hân Hạnh (phường 12, quận Gò Vấp) do vợ chồng Ngô Thị Thúy Phượng và Nguyễn Ngọc Hân làm chủ, Chi cục QLTT thu giữ hơn 15.000 áo thun giả nhãn hiệu Lacoste… Qua khai nhận của những người liên quan, sản phẩm giả tiêu thụ mạnh trong những ngày cận Tết nhờ giá quá rẻ, có loại chỉ bằng 1/50 so với hàng thật.
Số trường hợp vi phạm nêu trên chỉ là điển hình trong hàng loạt vụ mà lực lượng chức năng phát hiện trong vài tháng gần đây.
Những ngày này, chợ Bình Tây (quận 6) luôn nhộn nhịp tiểu thương từ các nơi đến nhận hàng bán Tết. Nhiều mặt hàng không có thông tin về sản phẩm, nguồn gốc và hạn sử dụng được bán sỉ cho tiểu thương các tỉnh.
Chỉ tay về quầy mứt, bà Phượng, chủ sạp Kim Phượng (chợ Bình Tây), đon đả mời: “Anh lấy bao nhiêu, chúng tôi cung ứng đầy đủ. Hàng Thái và hàng Đà Lạt giá sỉ 80.000-95.000 đồng/kg, tùy loại”. Khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc, bà Phượng liền gắt giọng: “Ăn không chết liền đâu mà sợ. Anh bán hàng lâu chưa mà thắc mắc kiểu đó”.
Để tìm hiểu hàng tiêu dùng, chúng tôi ghé chợ Hạnh Thông Tây, (đường Quang Trung, quận Gò Vấp). Chị Nhung, chủ một sạp, cho biết: “Dầu ăn rẻ và chất lượng lắm, bán sỉ chỉ có 35.000 đồng/lít, bột nêm canh các loại giá chưa tới 50.000 đồng/kg”. Các loại sản phẩm này được đựng trong những can 10-20 lít nhưng không có nhãn mác.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội QLTT 12B, cảnh báo: “Tình trạng vi phạm nhãn hàng hóa hiện rất phổ biến. Nguy hiểm nhất là việc hàng đã hết hạn sử dụng nhưng người bán đóng gói sang bao bì khác thì sản phẩm cũ được “hóa kiếp” thành mới mà người tiêu dùng không thể nhận biết”.
Đội lốt khuyến mãi
Tại các chợ bán lẻ, quần áo và túi xách giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán tràn ngập. Phần lớn cửa hàng treo bảng giảm giá 30%-55% để thu hút khách.
Ông Hùng cho biết do người tiêu dùng thích hàng giảm giá, nhiều cửa hàng lợi dụng chiêu khuyến mãi để bán hàng giả, hàng nhái. Nếu không tỉnh táo, người mua rất dễ bị sập bẫy bởi những kẻ làm ăn bất chính. “Nhiều hàng may mặc có thương hiệu như Việt Tiến, May Nhà Bè, Khatoco, Áo Len Bá Thiên… có giá trên dưới vài triệu đồng/sản phẩm. Trong khi các điểm khuyến mãi bán sản phẩm cùng loại từ 150.000 - 300.000 đồng thì chắc chắn là hàng giả. Dù cơ quan chức năng xử phạt rất nặng hành vi bán hàng giả, hàng nhái nhưng do lợi nhuận quá cao nên nhiều kẻ bất chấp” - ông Hùng nhận định.
Trên các tuyến đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng (quận 3), Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo (quận 1)… bày bán hàng may mặc, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Lacoste, Nike, Tommy, Adidas, Puma... nhưng giá bán dao động 70.000-300.000 đồng/sản phẩm, thấp hơn rất nhiều so với hàng thật.
Chị Lê Ngọc Hậu (quận Gò Vấp) thuật lại: “Cách đây chưa lâu, tôi cùng nhóm bạn góp tiền mua bộ mỹ phẩm gồm kem dưỡng da, phấn nền, son môi… để mừng sinh nhật người bạn. Gói sản phẩm có giá gốc 1,3 triệu đồng nhưng cửa hàng giảm còn 980.000 đồng. Khi mua về, bóc ra mới tá hỏa là mua phải hàng giả, đem đến cửa hàng trả lại nhưng không được. Từ đó, chúng tôi không ghé lại cửa hàng này”.
Vận động người dân tố giác
Thành đoàn TP HCM vừa đề nghị các cơ sở đoàn phát động đoàn viên, thanh niên tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng dỏm. Theo đó, cơ sở đoàn tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, thảo luận nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện, tuyên chiến với hàng giả, hàng nhái. Vận động người dân tố giác các đối tượng có hành vi tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; không sử sụng hàng không rõ xuất xứ, không tiếp tay sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.