Dù đã điều động thêm nhiều xe từ các tỉnh về nhưng hầu hết các công ty dịch vụ cho thuê xe du lịch tại TPHCM đều “quá tải” trong dịp lễ Quốc Khánh. Do nhu cầu khách năm nay tăng cao nên giá cho thuê xe cũng tăng lên khoảng 30% so với kỳ lễ năm ngoái.
Giá sữa giảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua đắt
- Cập nhật : 21/06/2017
Sau hơn hai tháng thực hiện kê khai giá, hầu hết giá bán buôn mặt hàng sữa cho trẻ em của các doanh nghiệp đã giảm từ 3-22%.
Tuy nhiên, tại nhiều cửa hàng bán lẻ, giá sữa vẫn không giảm, người tiêu dùng phải mua sữa với giá cao.
Vậy làm sao để kiểm soát giá sữa đảm bảo người tiêu dùng được mua với giá sữa không cao hơn 15% so với giá bán buôn.
Qua khảo sát trên thị trường sữa trẻ em của Hà Nội cho thấy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Friesland Campina Việt Nam công bố mức giá bán buôn mới giảm từ 4-22% so với mức giá cũ.
Theo bảng đăng ký giá bán buôn mới của công ty ngày 17/4, sản phẩm Dutch Baby mau lớn có giá 2.077.200 đồng/thùng 12 hộp 900gr (tương đương 173.100 đồng/hộp), giảm 578.400 đồng/thùng so với giá cũ.
Sản phẩm Dutch Baby tập đi giá 2.169.600 đồng/thùng 12 hộp 900gr (tương đương 180.800 đồng/hộp), giảm 422.400 đồng/thùng. Sản phẩm Dutch Baby tò mò 1.656.000 đồng/thùng 6 hộp 1.500gr (tương đương 276.000 đồng/hộp), giảm 60.900 đồng/thùng...
Nếu cộng thêm 15% theo cách tính của doanh nghiệp thì mức giá bán lẻ của hộp Dutch Baby mau lớn loại 900gr là 199.065 đồng/hộp, hộp Dutch Baby tập đi loại 900gr giá 207.920 đồng/hộp, hộp Dutch Baby tò mò loại 1.500gr giá 317.400 đồng/hộp...
Trong khi đó, giá bán lẻ trên thị trường của sản phẩm Dutch Baby mau lớn loại 900gr vẫn là 240.000 đồng/hộp, sản phẩm Dutch Baby tập đi 900gr là 233.000 đồng/hộp, sản phẩm Dutch Baby tò mò 1.500gr là 338.900 đồng/hộp... Tất cả đều cao hơn giá bán lẻ quy định từ 21.400 đến 40.900 đồng/hộp.
Trong khi các siêu thị lớn ở Hà Nội đã thực hiện giảm giá sữa đúng thời hạn thì nhiều cửa hàng bán lẻ vẫn giữ nguyên mức giá cũ.
Biện minh cho việc giá bán lẻ sữa không giảm, một số đại lý tại phố Hàng Buồm, Lò Đúc, Ngô Thì Nhậm viện lý do, vì thời gian áp dụng giá bán mới cách đây gần 2 tháng nên không thể nhớ hết giá cũ.
Chia sẻ lo ngại về giá sữa, chị Nguyễn Hồng Minh ở Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bày tỏ, lâu nay, kể cả khi có quy định các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn không chịu giảm giá ngay, nhưng hễ giá bán buôn nhích một chút là họ tăng giá luôn.
Vì vậy, gia đình chị thường mua sữa tại các siêu thị lớn vì giá niêm yết rõ ràng, được điều chỉnh nghiêm túc theo đúng quy định.
Để giảm giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, mới đây Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, áp dụng đến hết tháng 3.
Cơ chế quản lý giá sữa theo hướng bỏ áp trần, chuyển từ đăng ký giá sang kê khai giá đang được Bộ Công Thương gấp rút xây dựng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ áp trần sẽ giúp giá sữa trở nên cạnh tranh, người tiêu dùng được hưởng lợi khi mua sữa với mức giá phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giá sữa tại Việt Nam thời gian qua ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nếu bỏ áp trần giá sữa, giá mặt hàng này có thể tăng cao, thậm chí xảy ra tình trạng “loạn” giá.
Song theo chuyên gia kinh tế phó giáo sư, tiến sỹ Ngô Trí Long, tình trạng này không bắt nguồn từ việc áp hay bỏ giá trần mà do khâu quản lý còn yếu kém. Bỏ trần giá sữa là việc cần làm, đáng lẽ nên làm từ lâu, bởi việc này khiên cưỡng, đi ngược quy luật của thị trường.
Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế, mỗi doanh nghiệp lại có nguồn cung nguyên liệu, sữa có công thức thành phần khác nhau, nên việc áp chung một mức giá trần là bất hợp lý.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra với các ngành chức năng là liệu cơ quan quản lý có kiểm soát được giá bán lẻ tối đa khi thị trường có hàng triệu tổng đại lý, đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ phân phối mặt hàng sữa? Và người tiêu dùng có được hưởng lợi từ quy định kê khai giá sữa khi mà thông tin thay đổi giá đến với người tiêu dùng dường như còn hạn chế?
Theo Sở Công Thương Hà Nội, “chìa khóa” để quản lý giá các sản phẩm sữa là doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng; thiết lập các tiêu chuẩn an toàn, rõ ràng, chặt chẽ và công tác thanh tra, kiểm tra cần sát sao hơn.
Theo dự thảo quy định mới, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất quản lý hệ thống phân phối của mình và kiểm soát giá trong mạng lưới, đồng thời nhà nước sẽ kiểm tra nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như bảo đảm việc kiểm soát theo chuỗi để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý.
Điểm mới lần này là quản lý giá sữa theo chuỗi phân phối, nhà nước và người tiêu dùng giám sát khâu cuối cùng là giá bán lẻ. Do đó, từ trung tâm thương mại, siêu thị đến cửa hàng bán lẻ đều có thể được giám sát, công khai.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương tăng cường kiểm tra, nếu việc bán lẻ thực hiện không đúng quy định, cơ quan quản lý sẽ xử lý theo đúng quy định.
Để giải quyết thực trạng giá bán buôn đăng ký giảm, nhưng giá bán lẻ vẫn "đứng yên," rất cần sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan quản lý. Đây là một cách hữu hiệu để góp phần bảo đảm các cửa hàng bán lẻ tuân thủ quy định, để người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ thị trường sữa công khai, minh bạch
(Theo VietnamPlus)