Giám đốc điều hành Hublot Ricardo Guadalupe đánh giá rất cao thị trường Đông Nam Á và xem Việt Nam như điểm đến quan trọng.
Doanh nghiệp lớn đua 'giành phần' trên bàn ăn người Việt
- Cập nhật : 19/06/2017
Nhu cầu dài hạn của thị trường là lý do khiến các ông lớn bỏ hàng nghìn tỷ đồng làm thực phẩm, dù dự báo 2017 là năm khó khăn.
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vừa tổ chức, Tập đoàn Kido (Mã CK: KDC) đã chia sẻ dòng sản phẩm mới - tương ớt, sẽ được công ty đưa ra thị trường vào tháng 8, bên cạnh các thương hiệu chủ lực về dầu ăn và hàng lạnh.
Kể từ sau khi chuyển nhượng toàn bộ mảng bánh kẹo trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Mondelēz International vào tháng 8 năm ngoái, Kido đã đẩy nhanh chiến lược đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm và gia vị thông qua việc đầu tư vào ngành hàng mới và thâu tóm hàng loạt công ty.
Trước đó trong năm 2016, PAN Group - một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực cũng quyết định thoái vốn tại hai công ty con để tập trung nguồn lực cho 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và thực phẩm. Chỉ trong hơn một năm, PAN đã liên tục gia tăng sở hữu tại Thủy sản Bến Tre (ABT), Chế biến thực phẩm Long An (LAF) và Bibica (BBC), đồng thời thành lập PAN Food với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để thực hiện tham vọng này.Trong khi đó, nhiều tập đoàn lớn như Masan, Vingroup, FPT, Hòa Phát hay Thaco..., dù hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi ít có sự liên quan, nhưng cũng không giấu tham vọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm.
Xu hướng đẩy mạnh đầu tư trở lại vào lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, cùng với làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp nội của nhiều tập đoàn nước ngoài, đã phần nào cho thấy tiềm năng của thị trường này tại Việt Nam.
Quy mô chi tiêu của người tiêu dùng Việt xoay quanh "bàn ăn" ước tính tăng trưởng với tốc độ 2 chữ số trong những năm gần đây. Theo số liệu của Stoxplus, chi tiêu trung bình của người Việt cho thực phẩm hằng tháng đã tăng từ 28,1 USD năm 2011 lên 61,3 USD vào năm 2015.
Trong khi các mặt hàng lạnh được Kido phát triển qua công ty con là Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) kể từ cách đây 15 năm và đã có được chỗ đứng trên thị trường, thì mảng thực phẩm khô là chiến lược mới chỉ xuất hiện trong 2 năm gần đây.
Với nguồn lực sau khi thoái vốn khỏi mảng bánh kẹo, Kido đã tập trung thâu tóm nhiều doanh nghiệp với định hướng kinh doanh mới. Chỉ trong năm 2016 và đầu năm 2017, Kido đã nắm quyền chi phối tại 2 doanh nghiệp dầu ăn lớn là Dầu thực vật Tường An và Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết sẽ hoàn tất thủ tục mua lại 50% vốn Công ty Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food) với tham vọng đặt chân vào lĩnh vực thực phẩm.
Còn Masan Consumer - công ty con của Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN), vốn được biết đến với chuỗi cung ứng thịt, các sản phẩm gia vị, hàng tiêu dùng nhanh đã đặt mục tiêu "lấy" 2-3 USD mỗi tháng từ mỗi người tiêu dùng trong 3 năm tới.
"Năm 2009, người tiêu dùng trả 0,2 USD mỗi tháng cho các sản phẩm của Masan Consumer, nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 0,7 USD. Còn đến 2020, Masan đặt mục tiêu người tiêu dùng trả 2-3 USD, tương đương với quy mô từ 2-3 tỷ USD", Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang chia sẻ tại phiên họp thường niên 2017.
Tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) ước tính, tổng quy mô tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình Việt Nam năm 2015 đạt gần 128 tỷ USD. Trong đó, riêng chi tiêu cho thực phẩm - đồ uống - thuốc lá đạt 55,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43,3%. Số tiền chi cho hoạt động này bằng tổng của 4 lĩnh vực nhà ở - vật liệu xây dựng, giải trí - giáo dục, giao thông - viễn thông và y tế cộng lại.
Đây cũng là lý do khi thị trường thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn gặp khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi mặc dù nhận định năm nay sẽ là năm khó khăn nhất trong lịch sử, nhưng vẫn đưa ra kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Như Dabaco, kế hoạch lợi nhuận năm 2017 giảm gần 30% do khó khăn từ thị trường, nhưng công ty vẫn đặt mục tiêu đầu tư 9 dự án trong 2 năm tới với tổng quy mô 2.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thực phẩm đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Phiên họp thường niên của Vissan mới tổ chức cũng đề xuất chủ trương tái khởi động dự án gần 1.600 tỷ đồng xây dựng cụm chế biến thực phẩm Vissan tại Long An, văn phòng điều hành và các kho trung chuyển tại khu công nghiệp Tân Tạo. Kế hoạch đã được Vissan đề ra từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa thể thực hiện.
Đầu tháng 3/2017, Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ - công ty con của ĐTK Việt Nam cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất trứng với quy mô đầu tư 800 tỷ đồng, công suất đạt 175 triệu trứng mỗi năm. Bản thân ĐTK Việt Nam năm 2016 cũng thành lập Công ty Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm ĐTK nhằm đẩy mạnh lĩnh vực chế biến thực phẩm - "Food" trong mô hình 3F (Feed - Farm - Food).
Trong nhiều lý do để doanh nghiệp trở lại với "bàn ăn" của người Việt, một phần còn đến từ sự bành trướng của các nhà đầu tư nước ngoài, khi hàng loạt thương vụ thâu tóm đã được thực hiện trong thời gian gần đây. Sự lo ngại để thị trường nội địa rơi vào tay nhà đầu tư ngoại cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư.
Đầu năm 2017, thương vụ thâu tóm Xúc xích Đức Việt - một thương hiệu thực phẩm quen thuộc với người tiêu dùng Việt đã lộ diện sau nhiều đồn đoán từ cuối năm 2016. Tập đoàn thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) đã chi ra khoảng 32 triệu USD, tương đương 770 tỷ đồng để sở hữu doanh nghiệp này.
Việc thâu tóm cũng là động thái mở đầu cho nhà sản xuất thực phẩm của Hàn Quốc với quy mô 200.000 tấn mỗi năm, tham gia trực tiếp vào thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Cuối tháng 5/2017, CJ Cheiljedang Corporation, thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) cũng cho biết đã hoàn tất thâu tóm Công ty cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Cầu Tre - doanh nghiệp chế biến nguyên liệu thủy hải sản, nông sản và tiến hành đổi tên công ty thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre.
Cũng chính CJ một năm về trước, cạnh tranh cùng với Massan đã đưa phiên chào bán cổ phần lần đầu (IPO) của Vissan trở thành một phiên đấu giá căng thẳng nhất khi đẩy mức giá trúng thầu bình quân lên gấp gần 5 lần giá khởi điểm.
Minh Sơn
Theo Vnexpress