Ngày nay, bên cạnh chỉ số thông minh IQ thì EQ hay còn gọi là trí tuệ cảm xúc ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong việc giúp bạn thăng tiến và thành công trong công việc. Trong quá trình tuyển dụng, các công ty luôn chú ý quan sát và tìm kiếm những ứng viên có trí tuệ cảm xúc cao.
Việt Thắng đổi chủ, chưa đổi vận
- Cập nhật : 05/04/2018
Việt Thắng lại tiếp tục đổi chủ lần nữa. Sự lận đận của Việt Thắng cho thấy thực trạng của ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Việt Thắng lại tiếp tục đổi chủ lần nữa. Sự lận đận của Việt Thắng cho thấy thực trạng của ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Từng là một công ty thức ăn chăn nuôi làm ăn hiệu quả, Việt Thắng về với Công ty Thủy sản Hùng Vương với hy vọng tăng trưởng tốt hơn. Nhưng chỉ sau vài năm bên đối tác mới, Việt Thắng lại tiếp tục đổi chủ lần nữa. Sự lận đận của Việt Thắng cho thấy thực trạng của ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Sức hút của một công ty thua lỗ
Vừa qua, Công ty VinEco đã mua lại 60% cổ phần của Việt Thắng từ tay Hùng Vương. Mặc dù Việt Thắng đang thua lỗ nhưng lý do gì khiến cho VinEco chấp nhận mua lại công ty này?
Hãy quay trở lại năm 2002. Đó là thời điểm Việt Thắng vừa thành lập đã có ngay khách hàng vì lúc đó cá tra đang tạo cơn sốt trên thị trường xuất khẩu. Năm năm sau, Việt Thắng đã có 3 nhà máy chế biến, đạt doanh thu thuần 914,89 tỉ đồng với lợi nhuận sau thuế đạt 48,4 tỉ đồng.
Việt Thắng phát triển quá nhanh nhưng lại gặp ngay cuộc khủng hoảng kinh tế, cộng thêm sự đầu tư ồ ạt của các công ty thức ăn gia súc nước ngoài nên bắt đầu chững lại. Năm 2008, dù doanh thu thuần đạt 1.171,74 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ vỏn vẹn 1,04 tỉ đồng. Ngay lúc đó, Việt Thắng đã bán 20% cổ phần cho Hùng Vương. Một năm sau, sản lượng tiêu thụ và doanh thu thuần của Việt Thắng đã tăng 40% so với năm 2008.
Từ đó, Việt Thắng dần trở lại và bắt đầu chiếm thị phần lớn ở phân khúc thức ăn thủy sản. Năm 2013, một mình Việt Thắng đã đóng góp 159 tỉ đồng trong tổng lợi nhuận 500 tỉ đồng của Hùng Vương, dù công ty mẹ này có đến 8 công ty con. Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Quang Hiền, Tổng Giám đốc Việt Thắng, đã chia sẻ với NCĐT: “Việt Thắng là công ty có thị phần lớn nhất nhì hiện nay, chiếm khoảng 25% thị trường thức ăn thủy sản nói chung”.
Ở giai đoạn 2014-2015, Việt Thắng chiếm 14% thị phần ở phân khúc thức ăn cá tra trong số hơn 40 công ty sản xuất thức ăn cho cá da trơn. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch của Hùng Vương, từng rất tự hào vì có được Việt Thắng giúp Hùng Vương khép kín chuỗi sản xuất cá tra.
Nhưng Việt Thắng lại một lần nữa lận đận sau hơn 1 năm hủy niêm yết và trở thành công ty con khi Thủy sản Hùng Vương sở hữu trên 90%. Tính đến cuối năm 2017, số nợ phải trả của Việt Thắng là 2.456 tỉ đồng, chiếm gần 77% tổng tài sản và cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu là 839 tỉ đồng.
Nguyên nhân là năm 2015 Việt Thắng dùng khoản vay ngân hàng để mở rộng nhà máy Lai Vung với 2 dây chuyền sản xuất thức ăn cá công suất 120.000 tấn/năm/dây chuyền, nâng tổng công suất lên trên 700.000 tấn/năm. Cộng thêm khoản đầu tư sang lĩnh vực chăn nuôi gia súc, khi công ty này đầu tư trại heo giống cụ kỵ tại An Giang, đầu tư trại heo giống ông bà với 2.500 con nái tại Bình Định, xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín bằng việc đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn gia súc gia cầm ở Long An với công suất 500.000 tấn/năm. Hầu hết nguồn vốn là tiền đi vay.
Trước đó, Hùng Vương cũng đã phải bán nhiều công ty con để giảm nợ như Công ty Địa ốc An Lạc, Thực phẩm Sao Ta. Bán thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, Hùng Vương giảm bớt được số nợ và khoản lỗ trên báo cáo tài chính hợp nhất do Việt Thắng đang là công ty vay nợ nhiều nhất trong hệ thống của Hùng Vương, đồng thời cũng là một trong những công ty thua lỗ nặng nề nhất.
Doanh nghiệp ngoại đang áp đảo
Đầu tư chưa được bao lâu thì Việt Thắng gặp phải nhiều khó khăn vì ngành chăn nuôi heo rớt giá thê thảm. Tập đoàn C.P của Thái Lan cũng bị thua lỗ bởi cơn bão giá heo.
Còn thị trường thức ăn gia súc đang dần rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy.
Cuối tháng 1.2018, Tập đoàn Haid (Singapore) đã đầu tư 15 triệu USD để xây dựng nhà máy rộng 3,5ha, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại thức ăn gia súc, gia cầm, thức ăn thủy sản với sản lượng 500.000 tấn/năm tại tỉnh Hải Dương. Tập đoàn này hiện có 6 nhà máy ở Việt Nam.
Trước đó, Japfa Comfeed Việt Nam cũng đầu tư hơn 135 tỉ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất tại Bình Định. Hiện Japfa đã có 5 nhà máy thức ăn chăn nuôi, cùng hàng chục trang trại nuôi lợn, gà đang hoạt động theo mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín.
Còn Tập đoàn CJ của Hàn Quốc cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 6 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 448 tỉ đồng. Công ty Cargill Việt Nam (thuộc Tập đoàn Cargill, Mỹ) cũng đã liên tục xây dựng nhà máy mới, hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam... Tập đoàn C.P Thái Lan có mặt tại Việt Nam gần 20 năm, dù chỉ có 4 nhà máy tại Việt Nam nhưng đã chiếm 25% thị phần.
Thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam rất lớn và vẫn còn tiềm năng. Hiện tại, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là khoảng 16 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 6 tỉ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể lên đến 25-26 triệu tấn/năm với trị giá hàng chục tỉ USD.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính mạnh, nhiều kinh nghiệm, có chiến lược khá bài bản trong việc xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường. Trước sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp trong nước ngày càng teo tóp dần.
Một số doanh nghiệp lớn trong nước có lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại như Massan, Greenfeed... thì lại không nhiều và cũng gặp nhiều khó khăn. Mới đây, cuối tháng 11.2017, một công ty trong nước là Sao Mai Group đưa vào hoạt động nhà máy Sao Mai Super Feed tại Đồng Tháp, công suất 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 800 tỉ đồng, nhưng cũng khó làm thay đổi cục diện.
Mặc dù doanh nghiệp Việt nổi trội hơn hẳn khi số lượng gấp đôi doanh nghiệp ngoại, nhưng xét về công suất và thị phần thì doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm thị phần rất nhỏ. Có thể thấy rõ qua công suất sản xuất. Công suất sản xuất của doanh nghiệp Việt khoảng 12.465 tấn/năm, doanh nghiệp ngoại có công suất trên 15.700 tấn/năm, chiếm 60-65% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất.
Hãy quay trở lại câu chuyện đổi chủ của Việt Thắng. Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các doanh nghiệp ngoại, khi về với đối tác mới, liệu những chặng đường kế tiếp của Việt Thắng có sáng sủa hơn?.
Minh Anh
Theo nhipcaudautu.vn