tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vụ xúc xích Vietfoods: QLTT cung cấp thông tin không đúng luật

  • Cập nhật : 31/05/2016

(tin kinh te)

Theo luật, việc kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc bí mật khi chưa có kết luận chính thức.

vu xuc xich vietfoods: qltt cung cap thong tin khong dung luat

Vụ xúc xích Vietfoods: QLTT cung cấp thông tin không đúng luật


“Ước tính tới nay chúng tôi bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng vì Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Chi cục QLTT TP Hà Nội) đưa thông tin cho báo chí rằng sản phẩm của chúng tôi chứa chất cấm, chất gây ung thư” - ông Lưu Minh Sang, chủ Cơ sở chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods, Bình Dương) bức xúc thốt lên khi trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.

Thiệt hại quá nặng nề

Theo ông Sang, Vietfoods đã phải ngưng sản xuất hơn một tháng qua. Nếu như trước, trung bình mỗi tháng Vietfoods xuất ra thị trường gần 100 tấn sản phẩm thì từ khi xảy ra sự cố, trên 100 công nhân phải nghỉ việc, hàng trong kho không tiêu thụ được, hàng hóa bị các đại lý trả về vì người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm. Vì không có kho lớn để chứa nên hàng chục tấn sản phẩm trả về từ các đại lý đều hư hỏng, phải bán làm thức ăn cho cá. “Thậm chí có những khách hàng nợ cả tỉ lấy lý do xúc xích có chất gây ung thư nên không chịu thanh toán tiền hàng” - ông Sang chua chát và kể tiếp: “Thời điểm này cơ sở bắt đầu cho công nhân sản xuất trở lại nhưng sản lượng đưa ra thị trường chỉ bằng 1/10 do hệ thống phân phối, niềm tin của người tiêu dùng chưa thể phục hồi”.

Theo ông Sang, sau khi có kết luận của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định sản phẩm Vietfoods an toàn cho người sử dụng, chiều 23-5, Chi cục QLTT TP Hà Nội đã ra quyết định trả lô hàng 2,2 tấn xúc xích bị tạm giữ, niêm phong mà Vietfoods bán cho Công ty TNHH Hùng Anh (Hà Nội). Tuy nhiên, sau hơn một tháng bị tạm giữ, phần lớn sản phẩm trong lô hàng này đã hết và gần hết hạn sử dụng.

Cũng theo ông Sang, dù quyết định trả tang vật tạm giữ của Chi cục QLTT TP Hà Nội nêu rõ lý do “doanh nghiệp không có hành vi vi phạm hành chính...” nhưng đến nay cơ quan này vẫn chưa hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính đối với Vietfoods. “Lúc vừa kiểm tra, QLTT vội vàng công bố sản phẩm của chúng tôi có chất cấm, chất gây ung thư trên báo chí gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây thiệt hại nặng nề cho chúng tôi. Nhưng khi có kết luận chính thức, họ trả hàng không một lời xin lỗi và còn cho rằng đã làm đúng quy trình” - ông Sang bức xúc.

Ông Sang cho biết đã gửi đơn yêu cầu Chi cục QLTT TP Hà Nội hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính đối với Vietfoods, yêu cầu đội trưởng Đội QLTT số 14 phải có trách nhiệm xin lỗi, đính chính thông tin trên các phương tiện truyền thông. “Nếu QLTT TP Hà Nội cũng như cán bộ làm sai không thừa nhận sai phạm, chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa” - ông Sang khẳng định.

Báo chí dẫn lời không chính xác?

Trong khi đó, trả lời PV Pháp Luật TP.HCM ngày 30-5, ông Hoàng Đại Nghĩa (Đội trưởng Đội QLTT số 14, đơn vị trực tiếp giữ lô hàng 2,2 tấn hotdog, xúc xích của Vietfoods) vẫn cho rằng khi tạm giữ lô hàng, lực lượng QLTT “đã nghiên cứu kỹ và có đủ cơ sở”.

Theo ông Nghĩa, theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế), bốn mẫu sản phẩm trong lô hàng trên chứa chất natri nitrat 251. Đây là chất giữ màu, chất bảo quản, nếu sử dụng trong thực phẩm chế biến qua nhiệt như rán, nướng thì sẽ chuyển thành một dạng chất khác có thể là tác nhân gây ra ung thư.

“Tôi khẳng định không nói Vietfoods sản xuất hàng hóa gây ung thư mà chỉ nói chất natri nitrat 251 có thể là tác nhân gây ung thư như là một cảnh báo đến người tiêu dùng. Nhiều tờ báo đã dẫn lời của tôi nói lô hàng Vietfoods gây ung thư là chưa chính xác” - ông Nghĩa phân bua.

Làm thay công việc của đoàn kiểm tra liên ngành?

Từ vụ việc trên, một vấn đề pháp lý cần đặt ra: Theo quy định hiện hành, cơ quan QLTT có quyền kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, công bố thông tin về chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường?

Trao đổi, nhiều chuyên gia cho biết: Theo Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thì ba ngành y tế, NN&PTNT, công thương đều có quyền kiểm tra chất lượng thực phẩm lưu thông ngoài thị trường trong phạm vi quản lý. Như vậy, cơ quan QLTT (ngành công thương) cũng có quyền kiểm tra sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, với việc lấy mẫu xét nghiệm, theo Thông tư 14/2011 của Bộ Y tế, yêu cầu bắt buộc là người lấy mẫu phải là thành viên của đoàn thanh tra, kiểm tra. Trên thực tế việc lấy mẫu xét nghiệm và công bố tên cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sai phạm thường là công việc của đoàn kiểm tra liên ngành (gồm ba ngành y tế, công thương, NN&PTNT).

Ông Phan Hoàn Kiếm (Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM) khẳng định: QLTT TP.HCM không có chức năng lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm, cũng như không có chức năng công bố tên cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sai phạm. “QLTT chỉ kiểm tra hóa đơn, chứng từ hàng hóa lưu thông ngoài thị trường. Đối với thực phẩm, nếu nghi ngờ chất lượng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì QLTT báo cáo cho Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm TP để nơi đây tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra này có trách nhiệm lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm và công bố nếu có sai phạm” - ông Kiếm nói.

Ông Nguyễn Thành Danh (Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương) cũng cho biết việc QLTT đơn phương lấy mẫu sản phẩm xét nghiệm chất lượng cũng như công bố tên cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sai phạm là chưa đúng chức năng mà cần có sự phối hợp liên ngành cùng sự tham vấn chuyên môn của đơn vị phụ trách. Ông Danh cũng cho biết thêm là sau thông tin nghi ngờ Vietfoods sử dụng chất cấm, Bình Dương đã lập đoàn liên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất của Vietfoods. Kết luận sau khi kiểm tra khẳng định Vietfoods không có vi phạm.

Như vậy, việc Đội QLTT số 14 đơn phương công bố thông tin sản phẩm xúc xích của Vietfoods có chứa chất cấm, chất gây ung thư và việc QLTT TP Hà Hội đơn phương lấy mẫu sản phẩm của Vietfoods đi xét nghiệm mà không báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm lập đoàn kiểm tra liên ngành là “có vấn đề”.

Vi phạm trong công bố thông tin

Một vấn đề khác cũng cần đặt ra: Quy định hiện hành về việc công bố thông tin thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm ra sao?

Luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Khoản 4 Điều 68 Luật An toàn thực phẩm quy định việc kiểm tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm nguyên tắc bí mật khi chưa có kết luận chính thức. Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nếu vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Nội dung công bố gồm hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả... Như vậy, có thể hiểu việc công bố thông tin chỉ được thực hiện khi đã xác định có hành vi vi phạm, quyết định xử phạt và hình thức xử phạt. Áp vào vụ việc của Vietfoods, việc đội trưởng Đội QLTT số 14 công bố thông tin sản phẩm của Vietfoods có chứa chất cấm, chất gây ung thư với báo chí khi vừa mới kiểm tra, chưa có kết luận, chưa có quyết định xử phạt là trái pháp luật.

Vietfoods khởi kiện QLTT TP Hà Nội, được không?

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM, đại diện pháp lý của Vietfoods) cho biết đang chờ quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục QLTT TP Hà Nội, nếu không thỏa mãn, Vietfoods sẽ khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa tuyên bố hành vi kiểm tra, tạm giữ, cung cấp thông tin của đội trưởng Đội QLTT số 14 là sai và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), Vietfoods có đủ cơ sở pháp lý khởi kiện hành chính và yêu cầu bồi thường. “Thực tế cho thấy chỉ việc cung cấp thông tin trái pháp luật, sai sự thật đã gây thiệt hại lớn với Vietfoods về vật chất và về mặt uy tín, thương hiệu. Việc yêu cầu xin lỗi công khai của công ty sẽ được tòa xem xét trong quan hệ đòi bồi thường thiệt hại, không nên tách ra” - TS Đại nhận xét.

Tóm tắt vụ việc

• Trưa 20-4, Đội QLTT số 14 Chi cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra kho của Công ty TNHH Hùng Anh và ra quyết định tạm giữ hơn 2,2 tấn sản phẩm hotdog, xúc xích của Vietfoods với lý do hàng hóa có dấu hiệu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định. Ngay trong khi kiểm đếm hàng hóa, đội trưởng Đội QLTT số 14 đã cung cấp thông tin cho báo chí ngay tại hiện trường rằng sản phẩm xúc xích của Vietfoods có chứa chất cấm, chất gây ung thư.

• Sau đó, Chi cục QLTT TP Hà Nội lấy mẫu bốn sản phẩm trong lô hàng đưa đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, kết quả 100% mẫu có chứa chất natri nitrat 251 (89-100 mg/kg). Đội QLTT số 14 tiếp tục công bố với báo chí sản phẩm xúc xích của Vietfoods sử dụng chất cấm gây ung thư không được Bộ Y tế cho phép (theo vi bằng mà Vietfoods lập và cung cấp thì có gần 500 bài báo đăng thông tin sản phẩm Vietfoods chứa chất cấm, chất gây ung thư).

• Ngày 23-5, Cục An toàn thực phẩm họp hội đồng khoa học để xem xét việc sử dụng và hàm lượng natri nitrat 251 trong sản phẩm xúc xích Vietfoods, kết luận natri nitrat 251 không phải là chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo tiêu chuẩn Codex,natri nitrat 251 là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với phomat ủ chín hoàn toàn, kể cả bề mặt với hàm lượng không quá 35 mg/kg. Cũng theo Codex, hàm lượng được áp dụng cho thực phẩm là không quá 300 mg/kg. Do đó, hàm lượng natri nitrat 251 được phát hiện trong sản phẩm Vietfoods là an toàn cho người tiêu dùng.
 

 


Theo PLO.VN

 

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục