Lần đầu tiên một công ty Yoga của Việt Nam xuất khẩu nhân lực sang Nhật dưới dạng chuyên viên với mức thu nhập tương đương nhân viên văn phòng ở đây.
Tái diễn “cuộc chiến” giá cước vận tải toàn cầu
- Cập nhật : 16/12/2017
Năm 2017 là năm khởi sắc của ngành vận tải container toàn cầu sau năm 2016 đầy giông tố. Tuy nhiên, ngành này có thể lại đối mặt với những thời khắc khó khăn trong vài năm tới.
Hãng tàu container lớn nhất thế giới Maersk cho biết giá cước vận tải hàng hóa quốc tế đang đảo chiều sau khi tăng gần một năm qua, đã làm dấy lên lo ngại về quá trình phục hồi thương mại toàn cầu.
Khi giá cước vận tải đảo chiều
Các nhà phân tích lo ngại, sự dư thừa nguồn cung của ngành vận tải container vẫn chưa được giải quyết và cuộc chiến giá cước vận tải sẽ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, giá cước vận tải đã bắt đầu giảm. Cụ thể, mức giá cước vận tải từ Thượng Hải đến Los Angeles hiện là 1.078 USD/TEU, so với 2.211 USD/TEU vào tháng 1 năm nay.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định, lần này giá cước vận tải có thể không giảm xuống mức thấp kỷ lục như đầu năm 2016.
"Chúng tôi kỳ vọng các yếu tố hỗ trợ tăng giá cước trong năm 2017 sẽ tiếp tục trong năm 2018, như sự tăng trưởng trở lại về khối lượng hàng hóa giao dịch và giá nhiên liệu cao hơn”, ông Nilesh Tiwary, chuyên gia phân tích tại Drewry Maritime Financial Research, cho biết.
Vai trò quan trọng với toàn cầu hóa
Ông Victor Wai, chuyên gia phân tích cảng biển của Drewry, cho biết, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới đã khiến hoạt động kinh doanh vận tải biển quốc tế tại các nước khu vực ASEAN như Thái Lan, Việt Nam, Philippines... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các quốc gia này chưa có hệ thống vận tải chuyên nghiệp, thiếu kinh phí để nâng cấp, bảo dưỡng, thường gặp nhiều đối tác thiếu uy tín, ... Vì vậy, chất lượng vận tải và số lượng tàu chạy quốc tế của các quốc gia này ngày càng giảm.
"Đây cũng là thách thức cho các nước khi giá vận tải quốc tế sụt giảm. Nếu không có sự điều chỉnh, các doanh nghiệp nội địa sẽ hứng chịu những hậu quả xấu và có khả năng dẫn đến tình trạng thua lỗ khi không thể cạnh trang với các hãng vận tải nước ngoài, nhất là khi quốc gia đó tham gia vào các hiệp định thương mại toàn cầu", ông Wai cảnh báo.
Ngành vận tải có thể không tạo ra toàn cầu hóa nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của ngành này vào mức độ hội nhập kinh tế và thương mại ngày nay. Về cơ bản, toàn cầu hóa không thể tồn tại nếu không có vận tải. Tất cả việc thuê ngoài, sử dụng nguồn lực ở nước ngoài cho các hoạt động sản xuất lớn ở các nền kinh tế đang phát triển đều trở nên khả thi hơn nhờ có vận tải.
Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng như sở hữu đường bờ biển trải dài và vị thế địa lý chiến lược, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thu hút các nguồn lực để đầu tư cho vận tải hàng hóa, đồng thời chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng các cảng biển, đội tàu vận tải biển nội địa. Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý chưa phù hợp để giảm các chi phí không cần thiết, giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp