tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

M2 và cuộc 'xoay sở' trên bản đồ thời trang Việt

  • Cập nhật : 18/12/2017

Trước sự đổ bộ của các hãng thời trang ngoại, thời trang M2 cũng như các hãng thời trang nội đứng trước thách thức lớn về việc cạnh tranh, mở rộng kinh doanh và giá thành sản phẩm.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Với dân số trên 90 triệu người, thị trường thời trang Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân 15-20%/năm. Các doanh nghiệp nội lại mải mê gia công, xuất khẩu (kim ngạch năm 2016 đạt hơn 23 tỷ USD). Thị trường tiêu thụ trong nước với mức 4,5 tỷ USD/năm được cho là màu mỡ nhưng không nhiều doanh nghiệp tham gia, là miếng bánh ngon để hàng thời trang ngoại lần lượt chiếm giữ.

Theo tính toán của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị trường tiêu thụ hàng dệt may Việt Nam dù ở mức 4,5 tỷ USD nhưng năng lực sản xuất của ngành đã rất lớn. Thị trường nội địa không thấm gì so với kim ngạch xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp nội khó giảm xuất khẩu để quay về.

Cuộc đổ bộ của các hãng thời trang "đình đám"

Hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% thị trường với đủ các phân khúc từ cao cấp đến tầm trung, bình dân, 40% còn lại thuộc về các thương hiệu nội.

Nhiều thương hiệu đã và đang tiếp tục đến Việt Nam bằng nhiều hình thức. Nếu H&M mở cửa tại Việt Nam đầu tháng tháng 9 sau 2 năm rầm rộ chuẩn bị, thì Old Navy lặng lẽ đặt cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM trong tháng 6, thông qua IPP, nhà phân phối hàng hiệu đã mang nhiều thương hiệu có tiếng vào Việt Nam.

Trước đó, vào đầu năm, Sơn Kim Fashion cũng ký hợp tác đưa nhãn hàng Dickies (Mỹ) vào Việt Nam và trở thành nhà phân phối độc quyền. Sơn Kim cho biết cửa hàng đầu tiên sẽ hình thành trong năm nay, 5 năm tiếp theo sẽ mở 30 cửa hàng trên toàn quốc.

Công ty Cổ phần Maison cũng công bố liên tiếp đưa các nhãn hàng thời trang quốc tế phân khúc trung và cao cấp vào thị trường Việt Nam. Đến nay, Maison đã phân phối 21 nhãn hàng như Christian Louboutin, Karen Millen, Max&Co, Max Mara, NYS… và sở hữu 44 cửa hàng tại Việt Nam.

Uniqlo của Nhật Bản cũng đang ráo riết tuyển dụng nhân sự chuẩn bị ra mắt hai cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM năm nay. Còn Forever 21 dự kiến có mặt tại Việt Nam vào năm 2018...

Với Zara, sau cửa hàng ở TP.HCM, đã mở cửa hàng tiếp theo tại Hà Nội vào đầu tháng 11 vừa qua. H&M không tiết lộ thời điểm mở cửa hàng tiếp theo, nhưng khẳng định mở hàng loạt cửa hàng lớn nhỏ tại Việt Nam trong 2 năm tiếp theo.

Cuộc "xoay sở" của thời trang M2

Xuất phát điểm là một của hàng nhỏ năm 2001 và đơn thuần theo xu hướng thị trường là "Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm thời trang". Sau hai tháng vận hành, ông Nguyễn Hải Đường - Giám đốc Công ty Cổ phần M2 Việt Nam tìm ra một hướng đi riêng và quyết định đặt tên lại cho cửa hàng là M2. Ông mạnh dạn thay đổi từ hình ảnh cửa hàng đến chất lượng sản phẩm, tập trung vào kinh doanh mặt hàng thời trang khá đặc thù - hàng xuất khẩu dư.

"M2 có nhiều ý nghĩa lắm. Liên tưởng dễ nhất thì M2 là may mặc – cái nghề của tôi. Nhưng M2 trước nhất theo tôi là "mét vuông". Lí do là bởi bản thân tôi đã mất rất nhiều công sức để đi tìm mặt bằng cửa hàng M2 đầu tiên. Làm trong ngành bán lẻ, ai cũng biết cửa hàng đầu tiên luôn quan trọng. Đây được xem là viên gạch tạo nền móng công việc kinh doanh sau này, thành hay bại cũng đi lên từ đây. Do đó, cái tên M2 luôn gợi nhớ tôi đến những mét vuông đầu tiên mà mình phấn đấu", ông Nguyễn Hải Đường cho biết.

Đến năm 2010, song song với các hoạt động ủy thác xuất khẩu và tổng đại lý bán buôn, M2 bắt đầu có những bước đi vượt bậc với hệ thống cửa hàng được mở rộng cả về quy mô và chất lượng.

Không còn là cửa hàng diện tích nhỏ, M2 phát triển lên thành mô hình kinh doanh với siêu thị thời trang, diện tích khoảng 1.000 m2, tọa lạc tại 2B Phạm Ngọc Thạch (Hà Nội) với hướng kinh doanh là bán hàng hợp mốt, đa dạng chủng loại, mẫu mã và không quá tập trung vào một dòng sản phẩm nhất định. 

Ý nghĩa của chiến lược này theo ông Đường giải thích, đó là khi tìm tới M2, mọi tầng lớp khách hàng đều được phục vụ chu đáo. Khách hàng dù là nam hay nữ, béo hay gầy, già hay trẻ đều có thể mua đồ ở cửa hàng của ông. Tức là M2 hướng tới việc đa dạng hóa tập khách hàng. 

Song trước áp lực khi cơn bão thời trang ngoại đổ bộ vào Việt Nam, M2 đứng trước bài toán phải gia tăng số lượng các cửa hàng, trung tâm quy mô lớn tại các thành phố lớn trong và ngoài nước. Cùng với đó là sức ép về giá bán, sản phẩm, dịch vụ và xu hướng thời trang.

Chia sẻ về quãng thời gian đưa M2 từ một cửa hàng 25 m2 nằm trên đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội, trở thành một chuỗi bán lẻ thời trang với 17 trung tâm lớn như hiện nay, vị doanh nhân sinh năm 1974 cho biết: mặt bằng là yếu tố tiên quyết để đi tới thành công. Bởi ngoài góc độ thời trang, M2 cũng chính là mô hình kinh doanh điểm bán.

Để có được những mặt bằng lớn – trung bình khoảng 1000 m2 trở lên như hiện tại, chiến lược của ông Đường là đi từ trung tâm ra cửa ngõ. Nghĩa là M2 ban đầu sẽ lấy các quận nội đô làm trọng điểm, sau đó đến trung tâm của các quận mới, và sau cùng là chọn những điểm cửa ngõ Hà Nội - ráp ranh ngoại ô và trung tâm thành phố.

Bên cạnh đó, sau những lần "thất bại", ông Đường cũng đúc rút lại kinh nghiệm, khâu chuẩn bị trong ngành may mặc là đặc biệt quan trọng. Quan trọng ở chỗ, kinh doanh quần áo là phải quan sát xu hướng thời trang, dự đoán đưa ra phải sát với thực tế, và luôn phải có những khoản dự phòng trích lập. Có như vậy, dù là thời tiết, hay tình hình kinh tế thay đổi, doanh nghiệp may mặc mới có thể tự mình đứng vững.

Câu chuyện giá thành cũng là bài toán với M2. Nhiều người nghĩ rằng M2 bán hàng thấp cấp. "M2 hướng tới số đông, sản phẩm được bán tại M2 sẽ phục vụ đối tượng cán bộ nhân viên, công nhân viên các nhà máy, sinh viên, kể cả tầng lớp trung lưu. Có người nói, sao quần áo ở M2 rẻ thế, tôi chỉ biết cười. Vì M2 luôn bán hàng đúng giá trị. Khi nhập số lượng nhiều, chúng tôi sẽ có giá tốt hơn", ông Đường thông tin.


Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở về

Bài cùng chuyên mục