Vì sao một doanh nghiệp chuyên về sữa lại đổ vốn đầu tư vào cà phê?
Quỹ đầu tư mạo hiểm: Đón "sóng" startup
- Cập nhật : 25/09/2015
(Tin kinh te)
Phong trào khởi nghiệp (startup) và việc hình thành các cộng đồng startup đang mang đến một luồng sinh khí mới cho các nhà đầu tư. Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước cũng được hình thành để đón sóng từ cộng đồng này.
Hàng loạt khoản vốn đầu tư mới, đầu tư tăng thêm từ nhà đầu tư ngoại đang hướng đến các công ty khởi nghiệp trong nước.
Ngày 3/2/2015, cộng đồng startup trong nước đón nhận tin "khủng" khi một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất của Đức là Hubert Burda Media phát đi thông cáo: Đầu tư vào Cốc Cốc - một thương hiệu vốn được xem là "Google của Việt Nam".
Tuy chưa thể so sánh với Singapore (quốc gia có cộng đồng startup phát triển và thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ 10 trong số 20 thành phố dẫn đầu thế giới về sự phát triển của hệ sinh thái startup) hay Malaysia, Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn đều đặn thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm (ventures capital) của các nhà đầu tư nước ngoài, đáng chú ý là các dòng vốn từ Nhật Bản.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng đại diện Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures, Inc (Nhật Bản), phụ trách thị trường Việt Nam và Thái Lan, nhìn nhận, cộng đồng startup Việt Nam chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Rất nhiều nhà đầu tư thiên thần (angel investor), quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư giai đoạn ươm mầm (seed-funding) hoặc vòng đầu tư sớm (Series A) đang tích cực tham gia vào thị trường để tìm kiếm các cơ hội.
Có thể nói, CyberAgent Ventures (CAV) cùng với một số quỹ mạo hiểm khác như Golden Gate Ventures, SBI Holdings... là đại diện cho làn sóng thứ hai của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào thị trường Việt Nam (làn sóng đầu tiên là IDG Ventures Capital và DFJ VinaCapital, xuất hiện từ trước năm 2007).
Hiện nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm khá quan tâm đến thương mại điện tử (theo hình thức B2C, C2C. Trong B2C có 3 mảng là B2C marketplace (nơi có thể tự mở cửa hàng kinh doanh, rao vặt...) như Vatgia, Chodientu, Lamido...; Retail B2C (bán lẻ trực tuyến) như Tiki, Lazada và Vertical B2C như Thegioididong, Zalora.
Với mảng B2C marketplace, CAV đã đầu tư vào Vatgia còn với Retail B2C (General) thì đã có Tiki.
Trong số 7 thương vụ đầu tư lớn của các nhà đầu tư Nhật vào những công ty khởi nghiệp của Việt Nam trong năm 2014 thì CAV đã chiếm đến 4 khoản.
Là 1 trong 10 quỹ, công ty đầu tư lớn của Nhật Bản, CAV đang tăng cường đầu tư vốn vào khu vực Đông Nam Á, từ 20 triệu USD lên 50 triệu USD trong năm 2015.
Có mặt tại Việt Nam từ cuối năm 2008, CAV đã đầu tư vào 15 công ty (Foody, Tiki, NCT, Vatgia, DKT, Vexere, Baokim, CleverAds, Websosanh, Batdongsan... ) với số vốn giải ngân trung bình từ 700.000 - 1 triệu USD/công ty.
Trong những công ty mà CAV đầu tư có một số công ty nhận vốn lần 2 (Series B) và một số được CAV hỗ trợ ngay từ khi còn tồn tại dưới dạng ý tưởng như trường hợp của Vexere hay Foody. Các công ty mà CAV đầu tư đều sử dụng internet và mobile làm nền tảng kinh doanh.
Theo đại diện của CAV tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, CAV đã giải ngân thêm (đầu tư vòng 2) vào các công ty như Vexere và Websosanh, đồng thời đang trong quá trình làm thủ tục giải ngân thêm 2 dự án mới.
Cũng trong năm nay, CAV tập trung hỗ trợ các DN nằm trong danh mục đầu tư của quỹ như Foody, CleverAds, Websosanh, Vexere.
Nếu có tìm kiếm, CAV sẽ hướng đến các DN làm Vertical B2C mà cụ thể là các trang web đặt phòng khách sạn, vé máy bay trực tiếp quản lý đơn hàng.
Hiện nay, khi các thiết bị thông minh (smartphone) ngày một phổ biến thì C2C (từ khách hàng đến khách hàng) rất tiềm năng và CAV đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào mảng này.
Bên cạnh việc đầu tư, ông Dũng cho biết, CAV đã thành công khi thoái vốn khỏi Công ty Truyền thông VMG và đang trong quá trình thương thảo để thoái vốn một số khoản đầu tư khác.
Không riêng gì CAV, thời gian qua, không ít nhà đầu tư Nhật Bản đã để mắt đến các công ty startup của Việt Nam. Điển hình là trường hợp của SBI Holdings Inc, một trong những tập đoàn đầu tư đa ngành của Nhật Bản.
Kể từ năm 1999 đến tháng 3/2015, SBI Group đã đầu tư vào 1.043 công ty ở Nhật và trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Tháng 9/2014, cùng với hai đồng hương khác là Econtext ASIA Ltd và BEENOS Inc., SBI đã đầu tư và nắm giữ 33% cổ phần của Công ty CP Sen Đỏ, đơn vị sở hữu trang TMĐT Sendo.vn và 123mua.vn.
Trước đó, năm 2013, một tập đoàn khác của Nhật là Sumitomo cũng đã đầu tư vào Tiki.vn với tỷ lệ sở hữu lên đến 30%.
Không chỉ các DN Nhật, hiện cộng đồng startup đang hút nguồn vốn từ DN của nhiều nước khác.
Một chuyên gia đầu tư phụ trách tìm kiếm các dự án startup của quỹ đầu tư Anh tại Việt Nam, chia sẻ, hiện nay, dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ phương Tây bắt đầu tỏa đi thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Ngay như Tập đoàn AIA lâu nay chỉ tập trung khai thác bảo hiểm nhân thọ nay cũng tuyên bố tìm kiếm và hỗ trợ các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chăm sóc sức khỏe.
AIA kết hợp với Nest (một tổ chức đầu tư và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có trụ sở tại Hong Kong) tổ chức chương trình "AIA Accelerator" - một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp có sức hấp dẫn lớn tại châu Á.
Tại Việt Nam, "AIA Accelerator" đang trong giai đoạn "rao gọi" và nhận hồ sơ tham gia của các DN khởi nghiệp, những startup. Các ý tưởng khởi nghiệp khi được chọn sẽ được các lãnh đạo DN và doanh nhân hàng đầu của Hồng Kông hỗ trợ cách tiếp thị, truyền thông, kêu gọi vốn đầu tư...
Và những dự án khả thi sẽ không loại trừ khả năng sẽ được Tập đoàn AIA đầu tư. "AIA luôn tìm kiếm những con người đam mê với các ý tưởng sáng tạo, những người sẽ cùng AIA chia sẻ tầm nhìn mang tính cách mạng trên thị trường năng động này", Tổng giám đốc AIA Việt Nam Wayne Besant chia sẻ.