Đại gia điện tử Nhật Bản vừa công bố báo cáo tài chính 2014 và điều chỉnh lợi nhuận 6 năm trước, sau scandal gian lận kế toán khiến 3 lãnh đạo phải từ chức.
Suzuki và Volkswagen sẽ “ly hôn”
- Cập nhật : 04/09/2015
(Tin kinh te)
Cuộc “hôn nhân” giữa Suzuki và Volkswagen đã gần đi đến hồi kết vào ngày 30/8 khi Tòa án trọng tài Quốc tế ở London ra phán quyết VW bán lại cổ phần của mình tại Suzuki cho chính công ty này.
Theo tin từ The Wall street Journal, Tòa án Quốc tế đã lệnh cho Volkswagen AG từ bỏ 19% cổ phần nắm giữ tại Suzuki Motor Corp, cho phép nhà sản xuất ô tô Nhật Bản mua lại, cũng như giải thoát sự trói buộc từ mối liên minh hợp tác sau gần 4 năm đấu tranh để đạt được mục tiêu này.
Vào năm 2009, Volkswagen, một trong các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã chi ra 1,9 tỷ đô la để nắm giữ ¼ cổ phần tại Suzuki. Mục đích của hãng xe hơi Đức trong thương vụ này là nhắm đến thị trường xe hơi tiềm năng Ấn Độ, nơi mà Suzuki đã có vị thế vững chắc với dòng xe Maruti Suzuki India chiếm một nửa thị phần, đồng thời tiến tới việc cạnh tranh trực tiếp với đại gia Toyota.
Tuy nhiên, sau 2 năm hợp tác, Suzuki đã nộp đơn lên Tòa án Quốc tế xin chấm dứt liên doanh, vì cho rằng không nhận được sự hợp tác như quy định trong hợp đồng.
Mặc dù, trọng tài cho rằng Suzuki có thể mua lại cổ phần từ Volkswagen, tuy nhiên phán quyết cũng chỉ ra Suzuki có thể phải bồi thường một phần thiệt hại cho các nhà sản xuất xe hơi của Đức vì vi phạm các thỏa thuận liên minh, bởi Suzuki đơn phương muốn chấm dứt hợp đồng.
Dựa vào giá đóng cửa vào ngày thứ Sáu, 28/8, số cổ phần Suzuki mà Volkswagen mua vào năm 2010 với giá 1,9 tỷ đô la sẽ có giá trị thị trường là 3,8 tỷ đô la năm nay.
Trong văn bản gửi lên Tòa án, Suzuki cũng nêu lên những trở ngại mà các công ty hạng hai tại Nhật Bản phải đối đầu, đó là thiếu hụt nguồn lực tài chính và chi phí từ cuộc cạnh tranh với các nhà xản xuất ô tô lớn trong khu vực ngày càng tốn kém.
Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô như Suzuki còn gặp khó khi đối mặt với khoản tăng từ chi phí phát triển để đáp ứng các quy định nhiên liệu tiêu thụ, bên cạnh những mối đe dọa tiềm ẩn từ Google hay Apple khi những đại gia công nghệ này đang sẵn sàng bước vào ngành công nghiệp ô tô.
Nhưng trước mắt, việc chấm dứt mối quan hệ liên minh với Volkswagen là mối quan tâm hàng đầu của Suzuki. Osamu Suzuki - Giám đốc điều hành 85 tuổi của Suzuki nói rằng công ty của ông sẽ không vội tìm kiếm một đối tác mới. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ lại là hãng xe hơi sản xuất độc lập”, ông nói.
Khi quyết định hợp tác, Suzuki hy vọng có thể khai thác và tận dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu cao cấp của Volkswagen, trong khi Volkswagen muốn học tập những chuyên môn từ kinh nghiệm của nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản trong chế tạo những chiếc xe hơi nhỏ và “mượn tay” Suzuki để xâm nhập thị phần tiềm năng Ấn Độ.
Chi nhánh Ấn Độ của Suzuki, Maruti Suzuki, là nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất tại thị trường đang phát triển rất nhanh về nhu cầu xe hơi này.
Tuy nhiên, sự khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp đã nhanh chóng trở thành trở ngại đối với cả hai. Cụ thể, Volkswagen cáo buộc Suzuki vi phạm các thỏa thuận liên minh bằng việc mua động cơ diesel từ Fiat SpA của Ý. Cuối năm 2011, Suzuki nộp đơn lên Trọng tài với mong muốn chấm dứt mối cộng tác từ Volkswagen.
Được biết sau khi có quyết định từ Tòa án, Suzuki dự định sẽ trẻ hóa hàng ngũ điều hành khi Osamu Suzuki sẽ bàn giao các chức danh Chủ tịch và Giám đốc điều hành cho con trai của ông là Toshihiro.