Dưới thời CEO Art Peck, Gap vẫn là một nhãn hàng hấp dẫn, nhưng sẽ phải tìm cách tạo nên sự khác biệt trong một thị trường đã quá đông đúc.
Sabeco “trốn” niêm yết do lo ngại bị thôn tính?
- Cập nhật : 28/05/2016
(tin kinh te)
Không phủ nhận vấn đề phải liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, thậm chí có thể bị thôn tính là vấn đề sống còn trong hội nhập của Sabeco.
Cổ phần 8 năm nhưng chưa lên sàn
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đầu tháng 5 đã gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị bán hết vốn tại Sabeco và Habeco (Tổng công ty nước giải khát Hà Nội) để thu về khoảng 3 tỷ USD.
Lý do, Sabeco và Habeco đã thực hiện việc cổ phần hóa 8 năm nay nhưng chưa thực hiện việc niêm yết trên sàn chứng khoán theo chủ trương của Nhà nước dù đã bị thúc giục nhiều lần.
Hiện vốn Nhà nước tại Sabeco chiếm tới gần 90% cổ phần và 82% cổ phần tại Habeco.
Đến nay, Sabeco đã thay 2 đời Chủ tịch HĐQT nhưng việc lên sàn vẫn chỉ là lời hứa.
Theo ông Võ Thanh Hà, việc niêm yết trên sàn chứng khoán ban lãnh đạo Sabeco cũng muốn lên sàn sớm, nhưng phải cân nhắc nhiều vấn đề, vì hoạt động của Sabeco tương đối đặc thù. Vì vậy việc chọn thời điểm niêm yết để làm sao công ty có lợi nhất.
“Chúng tôi hiểu việc niêm yết trên sàn chứng khoán là điều rất muốn nhưng Tổng công ty không quyết định được vì liên quan đến nhiều yếu tố. Về thoái vốn, nhiều năm qua Tổng công ty đã gửi công văn xin được thoái vốn nhưng vấn đề là thoái vốn cho ai, như thế nào… cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích lâu dài, đảm bảo lợi ích của Nhà nước”, ông Hà nói.
Mới đây, Sabeco và Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ phương án bán cổ phần, theo đó, Nhà nước sẽ bán 53% cổ phần một lần duy nhất, giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp này từ gần 90% xuống còn khoảng 36%.
Nếu Nhà nước thoái vốn tại Sabeco chắc chắn nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn nhảy vào, trong đó năm 2014 tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch hãng bia Thaibev lớn nhất Thái Lan đã từng đánh tiếng mua 53% cổ phần của Sabeco nhưng không thành.
Tiếp tục trong năm 2015, Thaibev lại ngỏ ý chi khoảng 1 tỷ USD để mua 40% cổ phần của Sabeco, với mức giá là 80.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 60% so với mức giá giao dịch trên thị trường OTC khoảng 40.000-50.000 đồng/cổ phiếu.
Bán hết vốn, có nên?
Thị trường nước giải khát là mảnh đất quá màu mỡ, mỗi năm đem lại cho Sabeco tới 3.000 – 4.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 5 năm trở lại đây.
Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận của Sabeco không đều, có những năm lợi nhuận trước thuế tăng 60% (năm 2010), có những năm lợi nhuận lại giảm (2011 giảm 16% và 2013 giảm 6%), nhưng tính bình quân trong 5 năm trở lại đây mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng 15% - 20%.
Ông Võ Thanh Hà cho biết, năm 2015, Bia Sài Gòn đã vươn lên vị trí thứ 17 tròn các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm các nhà sản xuất bia hàng đầu Đông Nam Á.
Hiện Sabeco chiếm thị phần tới 43% tại thị trường bia Việt Nam. Habeco chiếm khoảng 20% thị phần.
Do vậy, việc giữ thị phần bia nội là cái đích quan trọng của Sabeco trong thời gian tới khi hội nhập kinh tế khu vực và thế giới sẽ khiến thị phần bia của công ty giảm mạnh, thậm chí có thể bị thôn tính bởi các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là sự xâm nhập thị trường của thương hiệu nổi tiếng AB Inbev với lợi thế về thương hiệu và tiềm lực tài chính.
Một điểm yếu của Sabeco là chưa có sản phẩm bia cao cấp khi phân khúc này ngày càng gia tăng, khi thu nhập của người dân tăng và độ tuổi uống bia trẻ hóa. Thời gian tới, Sabeco sẽ đa dạng hóa sản phẩm và đánh vào tất cả các phân khúc của thị trường bia.
Ngoài ra, Sabeco cũng tìm giải pháp tăng doanh thu từ việc gia tăng xuất khẩu bia đang ở mức chỉ 48 tỷ đồng hiện nay, nhằm “đánh chiếm thị phần” bia các nước trong khu vực dù rất khó khăn.
Do đó, vấn đề giữ lại thương hiệu bia nội với truyền thống 140 năm của Sabeco là vấn đề cần quan tâm.
Sabeco sẽ thực hiện phát triển theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm của công ty để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, cũng như tung các sản phẩm bia ở nhiều phân khúc nhằm khẳng định vị thế và thương hiệu Bia Sài Gòn trong ngành đồ uống.
HOÀNG ANH
Theo Bizlive