Lãnh đạo một ngân hàng thương mại vừa ra ngoài lập công ty riêng chuyên mua bán nợ xấu cho biết: “Chúng tôi đi mua nợ xấu các ngân hàng, nhưng họ ngại bán. Họ sợ trách nhiệm, vì bán là cụ thể hóa lỗ hoặc mất giá tài sản”.
Khi nhà khổng lồ kiếm tiền ở Việt Nam
- Cập nhật : 07/11/2015
(Kinh doanh)
Hiện có vài chục triệu người Việt Nam đang sử dụng các dịch vụ do hai nhà công nghệ lớn của thế giới là Google và Facebook cung cấp. Tuy nhiên, hai người khổng lồ này chỉ kiếm tiền trực tiếp được từ một lượng rất nhỏ người sử dụng khi họ lựa chọn các dịch vụ phải trả phí. Những nguồn thu lớn hơn đều đến từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung như quảng cáo, trò chơi trực tuyến.
Tại một cuộc hội thảo về việc doanh nghiệp sử dụng các công cụ tiện ích trên mạng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức gần đây ở Hà Nội, khi vị đại diện của Google đặt câu hỏi, có hàng trăm người tham gia cho biết họ thường xuyên sử dụng công cụ tìm kiếm (search) của Google hoặc thư điện tử Gmail. Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty quảng cáo thông minh CleverAds – nhà đại lý bán lẻ quảng cáo được Facebook ủy quyền (authorized reseller) ở Việt Nam, cũng cho biết đã có 24,5 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội này tại thị trường trong nước, theo số liệu tính đến tháng 8-2014.
Lẽ dĩ nhiên, những người sử dụng Google Search, Gmail hay Facebook kể trên đều không phải mất một khoản phí nào.
Nhiều kênh để hái ra tiền
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho biết Google và Facebook là trường hợp điển hình của những công ty công nghệ thu lợi gián tiếp ở thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp này cho phép người tiêu dùng sử dụng mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm, thư điện tử (e-mail) miễn phí và họ kiếm lợi nhuận từ mảng quảng cáo hoặc một số dịch vụ, công cụ tiện ích khác trong hệ sinh thái các sản phẩm mà họ phát triển. Trong hệ sinh thái của các công ty công nghệ này, giữa các sản phẩm và dịch vụ luôn có sự bổ trợ cho nhau.
Phần lớn người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam đang tận dụng các dịch vụ miễn phí của hai doanh nghiệp kể trên. Đối với các sản phẩm có tính phí, các cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng chúng thông qua trang web của Google và Facebook, thanh toán chi phí bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế. Nếu muốn thuận tiện hơn, người sử dụng có thể liên lạc trực tiếp với các đại lý quảng cáo mà hai nhà công nghệ này đã thiết lập ở Việt Nam.
Mặc dù các vị đại diện của Google và Facebook đều không tiết lộ doanh thu ở thị trường hơn 90 triệu dân này, song theo ước tính của giới chuyên gia trong ngành quảng cáo, Google vẫn chiếm lĩnh toàn bộ thị trường quảng cáo từ khóa tìm kiếm ở Việt Nam. Trong năm 2012, ước tính doanh thu quảng cáo của Google tại thị trường này vào khoảng 25 triệu đô la Mỹ, và con số này đã tăng lên đến 40 triệu đô la vào năm ngoái.
Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, ông Nguyễn Khánh Trình của CleverAds, cũng là một trong những đối tác quảng cáo của Google ở Việt Nam, cho biết doanh thu của công ty vào năm ngoái là khoảng 6 triệu đô la Mỹ, tăng 160% so với năm 2012. Trong đó, 70-80% doanh thu của CleverAds đến từ hoạt động đại lý quảng cáo cho Google. Tính đến hết năm 2011, Việt Nam là thị trường có doanh thu cao thứ ba của Google, chỉ sau Singapore và Thái Lan.
Ông Trình cho rằng sự khó khăn của nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo của các tờ báo giấy. Song, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu về một công cụ quảng cáo có hiệu quả và ít tốn kém hơn, do đó, mảng quảng cáo trên công cụ tìm kiếm lại có cơ hội để tăng doanh thu. Khác với loại hình quảng cáo trên báo in (kể cả truyền hình) hay quảng cáo hiển thị điện tử (trên báo điện tử, cổng thông tin, trang tin điện tử…), loại hình quảng cáo từ khóa tìm kiếm có ưu điểm là giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng tiềm năng và họ chỉ phải trả tiền theo số lượt truy cập (click), tùy thuộc vào mức độ quan trọng và tính phổ biến của từ khóa, chi phí trên thị trường hiện nay là từ 300 đồng đến 3.000 đồng cho mỗi click.
Trong khi đó, tại cuộc hội thảo về đề tài phát triển ngành trò chơi trực tuyến ở Việt Nam 2014 (OGDC 2014) diễn ra vào tháng 7 vừa qua, các diễn giả ngoài việc nói về những cơ hội, tiềm năng, kinh nghiệm về việc nghiên cứu, phát triển, vận hành và phát hành trò chơi trực tuyến trên thiết bị di động cũng đã có buổi trao đổi về cách thức sử dụng sản phẩm của Google một cách hữu hiệu trong việc phát triển trò chơi trực tuyến và cách phát hành, kiếm tiền từ đó.
Ông Vineet Tanwar, một nhà quản lý đối tác chiến lược trong lĩnh vực lập trình trò chơi (game) của Google tại khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand, đã chia sẻ với những người đam mê lĩnh vực này về các xu hướng chơi game mới trên toàn thế giới cũng như cách giúp các nhà sản xuất xây dựng, phát triển, phân tích và kiếm tiền từ trò chơi của họ thông qua các sản phẩm của Google. Bên cạnh đó, ông Phát Hoàng, nhà quản lý các giải pháp như Google AdSense, AdMob và Double Click, cũng đã thảo luận với những người tham dự cuộc hội thảo về cách thức phân khúc, phân tích thị trường và kiếm tiền từ cơ sở dữ liệu của người sử dụng dựa trên các giải pháp lưu hành tiền tệ của Google.
Băn khoăn câu chuyện có hay không trốn thuế
Hiện nay, cả Facebook và Google đều không thành lập công ty ở Việt Nam mà chỉ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Đã có thời điểm, có nhiều ý kiến cho rằng việc không mở công ty ở Việt Nam là cách thức mà các nhà khổng lồ này lựa chọn để trốn thuế, mặc dù vẫn có thể thu lợi nhuận cao từ thị trường này. Đứng trên lập trường của doanh nghiệp bị chỉ trích, ông Taj Meadows, Giám đốc truyền thông của Google ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết tập đoàn luôn tuân thủ theo các quy định về thuế ở tất cả các quốc gia sở tại.
Còn theo ông Nguyễn Khánh Trình, Google có đặt trụ sở tại Ireland và giữa Việt Nam và Ireland đã có ký kết bản hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Do đó, Google và cả CleverAds sẽ không phải đóng các loại thuế liên quan đến nhà thầu ở Việt Nam.
Ngay sau đó, tại một cuộc hội thảo về thuế trong giao dịch thương mại điện tử qua biên giới, các vị đại diện của các cơ quan quản lý chuyên ngành cho rằng những doanh nghiệp như Google và Facebook không trốn thuế tại Việt Nam mà nghĩa vụ nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam thuộc về đại lý quảng cáo, bán lẻ của các doanh nghiệp đó ở thị trường này.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng ban Ban Cải cách hiện đại hóa của Tổng cục Thuế, cho rằng trong trường hợp Google được miễn thuế theo bản hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì các doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, bởi Google vẫn là một đối tượng chịu thuế ở Việt Nam. Sau đó, doanh nghiệp này cần gửi các tài liệu chứng minh mình thuộc diện được miễn giảm theo bản hiệp định kể trên để được hoàn trả thuế.
Hiện tại, theo ông Nguyễn Khánh Trình, các đại lý ủy quyền của Google ở Việt Nam như CleverAds đều có nghĩa vụ phải kê khai và được áp mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5% và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 5%. Tuy nhiên, các khoản phí này sẽ được hoàn trả trong thời gian sắp tới.
Trên thực tế, có tới 80% doanh thu từ dịch vụ quảng cáo của Google hiện nay đến từ việc các doanh nghiệp khách hàng kết nối trực tiếp với công ty thông qua trang web của Google để đặt dịch vụ và thanh toán qua thẻ tín dụng. Phần còn lại (20%) đến từ các đối tác quảng cáo mà Google đã thiết lập ở thị trường trong nước. Trong trường hợp này, cơ quan thuế không thể thu được thuế mặc dù khoản doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến phát sinh từ Việt Nam.
Theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp trong ngành, Việt Nam hiện tại chưa cần thiết phải tìm cách đánh thuế bằng được các doanh nghiệp lớn như Google và Facebook và sốt ruột khi nhìn thấy lợi nhuận đang chảy vào túi họ. Thay vào đó, các nhà quản lý chuyên ngành cần nhìn nhận một lợi ích vô hình, đó là việc ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được sử dụng miễn phí nhiều công cụ tiện ích của các nhà công nghệ này.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)