Bắt đầu được giao dịch mạnh từ 2 năm trước đây, Lithium ngày càng trở nên đắt giá trong mắt nhà đầu tư. Chỉ trong vòng 10 tháng qua, giá kim loại này đã tăng gấp 3 lần lên 20.000 USD/tấn do lo ngại thiếu cung trên thị trường.
Hãng điện thoại Pháp, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam để tận dụng TPP?
- Cập nhật : 07/11/2015
(Kinh te)
Thông tin Việt Nam kết thúc đàm phán TPP thúc đẩy nhiều hãng điện thoại như Archos (Pháp), Compal (Đài Loan) … xúc tiến kế hoạch mở rộng thị trường và đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh các "đại gia" như Samsung, Microsoft đã đầu tư sản xuất và chiếm lĩnh thị trường điện thoại Việt Nam từ nhiều năm nay, thông tin Việt Nam kết thúc đàm phán TPP cũng thúc đẩy nhiều hãng điện thoại như Archos (Pháp), Compal (Đài Loan)… xúc tiến kế hoạch mở rộng thị trường và đầu tư vào Việt Nam.
Hãng điện thoại Pháp tiến vào Việt Nam
Hãng điện thoại Archos (Pháp) cùng nhà phân phối Công ty CP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) vừa tổ chức ra mắt 7 dòng sản phẩm điện thoại Archos tại thị trường Việt Nam.
Nhắm vào phân khúc bình dân, mức giá bán lẻ các dòng smartphone của Archos chỉ từ gần 2-6 triệu đồng, ngoài ra còn có dòng điện thoại phổ thông với mức giá 590.00 đồng
Archos là công ty điện tử đa quốc gia được thành lập vào năm 1988 bởi Henri Croshas, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ như máy tính bảng, smart phone, các thiết bị truyền thông di động và các thiết bị lưu trữ dữ liệu di động. Ngoài ra, hãng này còn sản xuất các thiết bị kỹ thuật số và laptop.
Trao đổi bên lề buổi ra mắt sản phẩm, ông Frederic Balay – Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành phụ trách khu vực Bắc Mỹ của Archos đánh giá Việt Nam là thị trường lớn với nhu cầu tiêu dùng điện thoại không ngừng gia tăng qua mỗi năm. Cùng với đó, khi Việt Nam là thành viên chính thức của TPP thì thị trường sẽ được mở rộng ra hàng tỉ người và 40% GDP toàn cầu, những ưu đãi hấp dẫn về thuế quan cho hàng hóa xuất xứ nội khối.
Trả lời câu hỏi về địa điểm sản xuất các dòng sản phẩm của Archos hiện nay, ông Frederic Balay cho biết các dòng sản phẩm này được thiết kế bởi đội ngũ kỹ sư tại Pháp và nhà máy Archos tại Trung Quốc đang đảm nhận việc sản xuất. Tuy nhiên ông Frederic Balay tiết lộ rằng hãng đang có những kế hoạch dài hạn tại thị trường Việt Nam.
“Sản xuất điện thoại Pháp tại Việt Nam, tại sao không?”, ông Frederic Balay hào hứng nói và cho biết thêm Archos đến Việt Nam với chiến lược tìm kiếm phân khúc khách hàng riêng cho mình mà không chú trọng việc tranh giành thị phần với các đối thủ khác như Samsung, Microsoft hay HTC.
Người Đài Loan trở lại
Bên cạnh dự định sản xuất điện thoại Pháp tại Việt Nam của Archos, vào cuối tháng 9 vừa qua, một hãng sản xuất điện thoại lớn là Compal (Đài Loan - Trung Quốc) cũng xác nhận đã quyết định quay lại Vĩnh Phúc để tiếp tục đầu tư vào Dự án sản xuất điện thoại di động thông minh đang dở dang vào cuối năm 2007.
Khi đó, Compal được cấp chứng nhận đầu tư 500 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay tại tỉnh Vĩnh Phúc. Compal khi ấy còn đặt mục tiêu đến năm 2013 dự kiến công suất tại nhà máy này sẽ chiếm 50% tổng công suất của công ty này trên toàn cầu.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nhà máy của Compal tại Vĩnh Phúc không thể khai trương như dự kiến ban đầu là vào năm 2009, mà đi vào hoạt động từ đầu năm 2011 và chỉ hoạt động trong thời gian ngắn với khoảng 200 công nhân, sản xuất cầm chừng, rồi dừng hẳn. Sau đó Compal đã mang máy móc đi khỏi nhà máy này và để nhà xưởng trống không.
Theo Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc, ông Vincent Lee, Phó Tổng giám đốc xưởng Compal tại Việt Nam cho biết: Hai tháng gần đây, Compal đang khẩn trương sửa chữa lại hệ thống nhà xưởng; lắp đặt thiết bị, dây chuyền máy móc; làm việc với một số địa phương trong, ngoài tỉnh để tuyển dụng lao động và chuẩn bị đón những khách hàng hàng đầu thế giới đến thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất điện thoại di động thông minh tại Vĩnh Phúc.
Lãnh đạo Vĩnh Phúc đề nghị Compal rút ngắn thời gian thương thảo với các đối tác, sớm công bố danh mục sản phẩm sẽ sản xuất, làm cơ sở để từ nay đến hết năm 2015, tỉnh có thể điều chỉnh lại giấy chứng nhận đầu tư đã ký và hoàn tất các thủ tục, cơ chế, chính sách hỗ trợ dự án theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, điện thoại “made in” Việt Nam được xuất khẩu đến 36 quốc gia ở khắp cả 5 châu lục trên thế giới. Trong đó, châu Âu và châu Á là 2 thị trường quan trọng nhất với 14 quốc gia, vùng lãnh thổ/châu lục có nhập khẩu điện thoại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại từ đầu năm đến ngày 15/9 ước đạt 21,588 tỉ USD tăng 34,6% so với cùng kì 2014.