tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Chúng tôi đi mua nợ xấu, nhưng họ ngại bán”

  • Cập nhật : 08/11/2015

(Tai chinh)

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại vừa ra ngoài lập công ty riêng chuyên mua bán nợ xấu cho biết: “Chúng tôi đi mua nợ xấu các ngân hàng, nhưng họ ngại bán. Họ sợ trách nhiệm, vì bán là cụ thể hóa lỗ hoặc mất giá tài sản

 

Sau ba năm, nợ xấu từ 17,21% giảm xuống dưới 3%. Từ diễn đàn Quốc hội và một số hội thảo gần đây, có ý kiến cho rằng, nợ xấu chưa được xử lý triệt để. Nhìn lại, lâu nay nhiều góc nhìn vẫn tập trung vào các con số, xử lý kiểu tiền tươi thóc thật, mà ít để ý đến cách ứng xử với nợ xấu.

Ngược về thời điểm này ba năm trước, bối cảnh và sự hoảng hốt tràn ngập trên báo khiến yêu cầu xử lý nợ xấu trở nên nóng bỏng. Nhưng, đến nay nhìn lại thì thấy, dường như nợ xấu là món chỉ phù hợp khi ăn nguội.

Đã mở bung ra rồi

Xử lý nợ xấu không chỉ nằm ở con số. Một phần nằm ở chính sách, và căn cơ hơn. Trong bối cảnh nóng bỏng đó, một chính sách lớn cũng đã từng phải quạt qua thổi lại cho nguội bớt đi.

Đó là Thông tư 02. Tưởng như nghịch lý, thông tư này ra đời chỉ làm nợ xấu bung ra chứ đầu phải giảm được đi. Nhưng nó căn cơ, vì chính thức thiết lập vùng nhận diện nợ xấu một cách chính xác hơn, bớt che giấu và lẩn khuất so với trước.

Nói cách khác, Thông tư 02 là một biện pháp xử lý nợ xấu “ngược”, không giảm về mặt số học mà giảm sự chây ì ý chí đối diện với nợ xấu. Theo cơ chế của thông tư này, nợ xấu được mở bung ra, nhận diện ở mức độ hai con số mà không còn “nói dối” nhau nữa.

Nhưng, trong bối cảnh trên, nợ xấu chỉ phù hợp khi ăn nguội, nên Thông tư 02 đã phải quạt qua thổi lại tới 3 lần: hoãn từ 1/6/2013, 1/6/2014 rồi chuyển sang năm 2015.

Phải cho nó nguội, vì tại cuộc họp chiều ngày 20/12/2013, nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đều thống nhất quan điểm: nếu nhất nhất “ăn nóng”, áp ngay Thông tư 02 thì sẽ có những ngân hàng đổ vỡ; nếu vậy, hệ thống và nền kinh tế càng rối ren.

Thổi cho nguội là quyết định lựa chọn. Rồi đến nay Thông tư 02 cũng đã được đi vào thực tế với giá trị của một giải pháp xử lý nợ xấu một cách căn cơ, sau khi từng bước mềm hóa rủi ro đổ vỡ trong hệ thống.

Đồ cổ nợ xấu

Tháng 9/2012, đề án xử lý nợ xấu buộc phải nhận diện rõ mức độ nợ xấu. Con số ban đầu báo cáo trong phòng kín là 17,21%. Cái cách đưa con số này ra công chúng cũng là một sự thổi nguội, vì công bố ngay có thể tạo hiệu ứng hoảng hốt, càng rối để có thể xử lý các vấn đề khác nữa ngoài nợ xấu.

Nhưng, trong phòng kín lại có mặt nhiều người. Ở đó, có những yêu cầu phải xử lý được ngay nợ xấu. Khi mở rộng ra diễn đàn đại chúng, yêu cầu xử lý nợ xấu lại càng nóng bỏng hơn.

Có những món chỉ phù hợp khi ăn nguội. Nếu vì áp lực, vì yêu cầu phải xử lý được ngay và nhanh nợ xấu, trong khi không có nguồn lực ngân sách hỗ trợ, chắc chắn không thể làm được mà còn gây hệ lụy.

Nỗi sợ trách nhiệm là một phần, thất thoát tài sản mới đáng kể hơn. Lãnh đạo chuyên trách Ngân hàng Nhà nước cũng từng nói, nếu bán tống bán tháo tài sản để giảm được ngay nợ xấu, xơi ngay món nóng đó, thì được điểm thành tích nhưng sẽ làm thất thoát tài sản của ngân hàng, doanh nghiệp và của Nhà nước.

Thay vào đó, việc bốc nợ xấu qua một bên bằng VAMC, tập trung dồn trích lập dự phòng và thu hồi nợ bằng cách thông thường, xử lý các vấn đề liên quan khác để hệ thống bớt nóng, bớt rủi ro đổ vỡ rồi tính kế lâu dài là lựa chọn gần như duy nhất.

Tại một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cũng nói vui ở góc nhìn trên: “Xin lỗi chị em mà nói vui thì nợ xấu và các bà vợ là những món đồ cổ. Các bà vợ là nợ xấu đặc biệt, vì càng lâu ngày càng xuống giá. Còn nợ xấu như đồ cổ càng để lâu càng được giá”.

Ông Hưởng dẫn giải thêm bên lề hội thảo trên, nợ xấu để từ khi nó phát nóng cuối 2011 đầu 2012 cũng có một phần lý do: nếu xử lý ngay tài sản thì phải bán rẻ, nếu để được chờ kinh tế phục hồi thì nó sẽ được giá hơn, điển hình như những tài sản là bất động sản với thực tế ba năm qua.

Trạng thái mới, khó khăn cũ

Tại cuộc trò chuyện mới đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, cũng nhìn nhận: nếu ba năm trước mà dồn ngay việc xác định rõ nợ xấu bằng Thông tư 02, rồi buộc các ngân hàng phải ghi nhận và trích lập, xử lý cho bằng được thì rủi ro an toàn hệ thống là một vấn đề lớn.

Theo ông Nghĩa, khoảng 70% nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản, nên một phần quan trọng phụ thuộc vào sự hồi phục của thị trường này. Ngân hàng Nhà nước đã có định hướng hỗ trợ bằng vốn mồi vào các phân khúc hạng trung, nhà ở xã hội…, như gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xử lý nợ xấu.

“Tất nhiên, đó là vốn mồi. Khi thị trường bất động sản thu hút được các dòng vốn khác trong nền kinh tế, có hướng phục hồi tốt hơn, chúng tôi cần cảnh báo nguồn tín dụng chảy vào đây”, ông Nghĩa nói.

Đến nay, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, sức khỏe các ngân hàng nói chung cũng khá lên sau khi được khoan sức trong xử lý nợ xấu, hệ thống chuyển sang trạng thái mới và yêu cầu mới.

Đến 30/9/2015, nhiều ngân hàng đã giảm nợ xấu về dưới 3%, yêu cầu bắt buộc bán lại nợ xấu cho VAMC bớt ràng buộc. Chất lượng xử lý tiếp theo nằm ở cụ thể mỗi ngân hàng, ở VAMC, xử lý một cách thực chất hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC, nói tại hội thảo đầu tháng này rằng, bây giờ các ngân hàng không phải buộc bán lại nợ xấu nữa, các giao dịch trở nên thị trường hơn; việc xử lý và hoạt động của tổ chức này cũng phải thị trường hơn.

Từ năm 2016, VAMC phải tập trung xử lý nợ, thay vì chủ yếu đi mua lại hai năm qua. Đó là hướng đi chính, dù còn nhiều khó khăn về cơ chế, Việt Nam vẫn chưa có thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa.

Cũng như các ngân hàng thương mại, việc xử lý nợ xấu một cách thực chất hơn, ngoài thu hồi và chờ đợi khả năng khách hàng trả nợ, phụ thuộc vào xử lý tài sản đảm bảo.

Trong khi với cơ chế và các khuôn khổ pháp lý hiện nay, theo chuyên gia Trần Du Lịch, nếu quyền chủ nợ không được rà soát lại vào bảo đảm, khách hàng không hợp tác, thì có khi mất cả 5 năm cũng không bán, không xử lý được.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục