Việt Nam nằm trong top 25 điểm đến yêu thích nhất của các nhà sản xuất bia trên thế giới, là quốc gia tiêu thụ bia thứ ba châu Á và nhiều năm đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Lượng tiêu thụ bia tại nước ta tăng khoảng 15%/năm.
'Cá mập' Thái rình mồi ở Việt Nam
- Cập nhật : 02/03/2016
(Tin kinh te)
Các đại gia người Thái liên tục đổ tiền vào các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt, các thương hiệu số một trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mục đích không đơn thuần là đầu tư tài chính tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Cổ đông ngàn tỷ
Sau khi SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) quyết định thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, Vinamilk lập tức trình 4 kiến nghị về phương thức thoái vốn, trong đó có đề xuất không nên chia nhỏ số cổ phần bán mỗi lần thoái vốn, cho phép nâng giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài lên 100%,...
Cổ phiếu VNM liên tục tăng vọt, nhất là sau khi có thông tin DN đồ uống Fraser & Neave (F&N) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi muốn mua lại 45% cổ phần VNM từ SCIC, với mức giá cao hơn khoảng 40% so với thị giá VNM khi đó.
Thông tin này nhanh chóng bị phía F&N bác bỏ. Tuy nhiên, nhiều NĐT không bất ngờ về khả năng này bởi trước đó, tỷ phú người Tháiđã rất quan tâm tới thị trường Việt Nam với thương vụ chào mua Metro Việt Nam (đã mua thành công với giá 655 triệu euro) và đánh tiếng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn).
Cũng từ lâu, F&N đã là cổ đông lớn thứ hai và là cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinamilk. F&N nắm giữ 132,5 triệu cổ phiếu VNM (11%), trị giá khoảng 17 ngàn tỷ (tương đương 760 triệu USD), chỉ đứng sau SCIC (45% cổ phần).
Các quỹ đầu tư của Thái đã thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tómđình đám và gây ấn tượng mạnh khi thu về lợi nhuận không nhỏ. Bên cạnh những thương vụ lớn như SCG bỏ 5 ngàn tỷ thâu tóm Prime Group, Power Buy thuộc tập đoàn Thái Central Group mua 49% cổ phần điện máy Nguyễn Kim, nhiều quỹ đầu tư Thái cũng đang âm thầm gom cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Trong năm 2015, giới đầu tư chứng kiến một quỹ khá mới của Thái Lan, Ton Poh Thai Fund, liên tiếp trở thành cổ đông lớn của các DN tiềm năng. Các quỹ Finansia Syrus Securities hay Chairatchakarn cũng không ngừng đổ vốn vào các DN Việt. Đại gia trong lĩnh vực nhựa Nawaplastic Industries của Thái cũng đang chờ đợi để có thể tăng vốn tại 2 DN sản xuất nhựa hàng đầu Việt Nam là Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP).
'Cá mập' Thái: Nên lo hay mừng
Chỉ trong một thời gian ngắn vài tháng, khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec Coteccons (CTD) của quỹ The Ton Poh gia tăng gấp 2,4 lần lên gần 400 tỷ đồng cùng với khoản tiền cổ tức không nhỏ hơn chục tỷ đồng. Hiện tại, The Ton Poh là cổ đông lớn thứ 2 tại CTD và là cổ đông nước ngoài lớn nhất.
Sự gia tăng chóng mặt về giá của cổ phần Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (SKG) cũng cho thấy dấu ấn đầu tư của The Ton Poh. Quỹ đầu tư này hiện cũng từng nắm giữ hơn 5% cổ phần của DN kinh doanh ô tô Hoàng Huy (HHS).
Trong khoảng 2 năm gần đây, nhiều quỹ đầu tư Thái khá quan tâm tới các cổ phiếu ô tô Việt. Bắt đầu từ năm 2014, quỹ đầu tư Thái Chairatchakarn (Bangkok) Co.,Ltd đã liên tiếp đổ tiền vào mua cổ phần Ô tô Trường Long (HTL) và hiện nắm giữ gần 28% cổ phần của DN này. Cổ phiếu HTL là một hiện tượng hiếm gặp trên TTCK Việt Nam với mức tăng 6 lần trong hơn một năm qua. Số vốn vài chục tỷ của Chairatchakarn cũng đã tăng lên tương ứng bên cạnh khoản cổ tức hàng chục tỷ đồng đã nhận được.
CTCK Thái Finansia Syrus Securities hiện cũng nắm giữ gần 8,2% cổ phần CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico (SVC). Thời điểm Finansia mua vào, cổ phiếu SVC có giá khoảng 20 ngàn đồng, sau này có lúc lên gần 45 ngàn đồng/cp.
Khoản đầu tư của Nawaplastic Industries vào Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) hay F&N vào Vinamilk trong vài năm qua cũng đã mang lại những khoản lợi nhuận lớn cho các NĐT Thái này.
Một câu hỏi đặt ra là, tại sao phần lớn các vụ đầu tư của người Thái đều thành công vang dội? Tại sao mỗi khi người Thái đổ tiền vào, cổ phiếu lại tăng giá rất nhanh và mạnh? Đại diện một CTCK cho rằng, đó là bởi chiến lược đầu tư của các tổ chức của Thái Lan rất bài bản. Họ đầu tư dài hơi và tập trung vào các DN có triển vọng, các DN đầu ngành. Sự tăng trưởng ổn định của Vinamilk với vị thế đầu ngành sữa, của BMP và NTP với vị thế đầu ngành nhựa,... hay sự khởi sắc của DN ngành ô tô cho thấy khẩu vị của các NĐT Thái.
Bên cạnh đó, các DN Thái không thuần thúy đầu tư tài chính. Làn sóng vốn vào các DN ô tô được đánh giá có liên quan tới cam kết Việt Nam mở cửa thị trường cho các nước ASEAN. Sự xuất hiện của Chairatchakarn với tư cách cổ đông của Trường Long có lẽ là hợp lý. Chairatchakarn là DN phân phối lớn nhất của xe tải Hino tại Thái Lan. Đây cũng là dòng sản phẩm mà Trường Long đang phân phối.
Theo ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ, cổ phần hóa và tư nhân hóa là bước đi mà các nền kinh tế phải xử lý khi muốn chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Kỹ năng, công nghệ và trình độ sản xuất cao sẽ được mang tới Việt Nam. Tuy nhiên, nếu làm không tốt quá trình này, sẽ tạo cơ hội cho DN nước ngoài chiếm lấy cổ phần của DNNN lớn của Việt Nam, tận dụng lợi thế lao động giá trẻ để đầu tư, kiếm lời. Thay vì đầu tư trở lại cho nền kinh tế Việt Nam và tạo việc làm cho lao động Việt Nam, họ sẽ chuyển lợi nhuận về nước.
Theo V. Hà
Vietnamnet