Tân Sơn Nhất được trang web xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports đánh giá là xuống cấp hạ tầng và có cáo buộc về tham nhũng.
Giá trị 50 thương hiệu số 1 Việt Nam mới bằng nửa giá trị 1 thương hiệu của Malaysia
- Cập nhật : 16/10/2015
(Tin kinh te)
Giá trị thương hiệu Vinamilk + FPT + Viettel + Thế Giới Di Động + .... chưa bằng nửa giá trị một thương hiệu của Malaysia.
Theo công bố của Brand Finance, hầu hết thương hiệu đắt giá tại Việt Nam đều là những thương hiệu rất thông dụng, được nhiều người biết tới như Vinamilk, Viettel, Mobifone, FPT, Vietcombank,...
Những tên tuổi đắt giá nhất thuộc về nhóm ngành tiêu dùng, viễn thông, ngân hàng, bất động sản. Vinamilk, thống trị ngành sữa Việt Nam được định giá trên 1,1 tỉ USD, vượt qua rất xa so với thương hiệu xếp thứ 2 là Viettel (580 triệu USD).
Mặc dù vậy, đây không phải là thông tin vui của Vinamilk vì năm ngoái, thương hiệu này được định giá tới 1,5 tỉ USD. Chỉ trong vòng 1 năm, thương hiệu này đã bị mất giá tới 400 triệu USD.
Yếu tố nào quyết định giá trị một thương hiệu? Theo ban tổ chức, giá trị thương hiệu nằm trong các yếu tố vô hình của các công ty. Đáng tiếc là tại Việt Nam, phần yếu tố này đang bị xem nhẹ. Các yếu tố vô hình mới chỉ đóng góp 38% trong tổng giá trị một doanh nghiệp Việt Nam, trong khi tỉ lệ này trung bình trên thế giới là 53%.
Chẳng hạn với Vinamilk, tỷ lệ này chỉ ở mức 23%. Một số ngành hàng tiêu dùng có độ nhận biết cao cũng có tỉ lệ tốt hơn, như Vinacafe, tỉ lệ giá trị vô hình trên tổng giá trị công ty đạt 36%.
Ngược lại là nhóm ngành sản xuất. Thép Hòa Phát, một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành thép Việt Nam, giá trị thương hiệu không đáng kể khi chỉ đáng 5% trên tổng giá trị doanh nghiệp.
“Nếu tỷ lệ này cao, chính thương hiệu đã tạo nên doanh số cho doanh nghiệp. Nếu tỷ lệ này thấp, cần xem lại tiền cho quảng bá thương hiệu đang đầu tư thế nào”, ông Samir Dixit - Giám đốc Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Brand Finance, cho biết.
Tổng giá trị thương hiệu toàn cầu là 7.000 tỷ đô, tăng 11%. So với tỷ lệ quốc tế, đáng lẽ Việt Nam phải tăng mạnh hơn vì mô hình kinh tế ở mức thấp, nhưng tổng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam là 67,3 tỷ USD – không tăng trưởng. Chưa kể đến giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam sụt giảm tới 18%, từ 172 tỷ USD năm 2014 xuống còn 139,5 tỷ USD năm 2015.
“Điều này có nghĩa chúng ta không cạnh tranh được với các thương hiệu toàn cầu. Khi thương hiệu toàn cầu vào Việt Nam, việc giữ miếng bánh thị phần của doanh nghiệp Việt sẽ khó khăn hơn nhiều”, ông Samir nói.
Ông Samir dẫn chứng, tổng giá trị thương hiệu của Top 50 ở Việt Nam là 5,5 tỷ USD. “Một thương hiệu như Petronas của Malaysia đã gần gấp đôi con số này”.
Điều này cho thấy rằng các doanh nghiệp nội địa cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu – tài sản vô hình quan trọng nhất để tạo ra những giá trị lớn cho bản thân doanh nghiệp đó, cũng như cho các bên liên quan như nhà đầu tư, đối tác, khách hàng hay công chúng nói chung.
“Khả năng quản trị thương hiệu kém của các doanh nghiệp là một trong những trở ngại lớn nhất khiến các doanh nghiệp không tận dụng được những lợi thế mà tài sản thương hiệu của họ có thể mang lại”, ông Samir nói.
Theo Bảo Bảo