Các kênh marketing truyền thống như truyền hình, tổ chức sự kiện... tiếp tục chứng tỏ tầm quan trọng, song xu hướng chính của sự dịch chuyển vẫn là tiếp thị số (digital marketing).
Cảnh báo trốn thuế bằng M&A
- Cập nhật : 26/12/2015
(Tin Kinh Te)
Theo số liệu mới được Công ty dữ liệu tài chính Dealogic (Mỹ) công bố, năm 2015 đã ghi nhận hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động nhất trên toàn cầu từ trước đến nay.
Giá trị các thương vụ M&A được thông báo kể từ đầu năm đến nay đã lên đến 4.304 tỷ USD (kỷ lục cũ của năm 2007 là 4.296 tỷ USD). Đồng thời, hoạt động M&A bùng nổ cũng đem lại những khoản tiền khổng lồ cho các ngân hàng đầu tư từ dịch vụ tư vấn, với tổng giá trị lên đến 21 tỷ USD chỉ trong một năm qua.
Cũng theo nghiên cứu của Dealogic, trong năm 2015 có 9 thương vụ có giá trị từ 50 tỷ USD trở lên và 58 thương vụ có giá trị từ 10 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý là thương vụ Royal Dutch Shell mua lại BG Group, hứa hẹn trở thành thỏa thuận dầu khí xuyên biên giới lớn nhất trong lịch sử với giá trị khoảng 72 tỷ USD.
Theo thỏa thuận, Hutchison Whampoa cùng với Cheung Kong Holdings hình thành công ty viễn thông lớn nhất trong lịch sử… Với xu hướng này, giới chuyên môn cho rằng các thương vụ M&A còn tiếp tục diễn ra ở quy mô lớn trong năm 2016.
Lý do là thông tin từ các công ty tài chính như: Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley và Bank of America Merill Lynch cho biết, họ đã tư vấn cho các thương vụ M&A trị giá 1.000 tỷ USD, đánh dấu đỉnh cao mới nhất trong thị trường này.
Giá trị M&A toàn cầu tăng vọt trong năm 2015 hiện có phần đóng góp quan trọng của các thương vụ giữa công ty thực phẩm và đồ uống Mỹ Kraft Foods Group và H.J.HeinzCo. (trị giá 54,7 tỷ USD). Bên cạnh đó, y tế và công nghệ cũng là hai ngành đứng đầu về M&A. Đơn cử, tháng 11 vừa qua, hãng dược phẩm Pfizer đã bỏ ra gần 160 tỷ USD để mua lại Allergan.
Trước xu hướng M&A bùng nổ, Wall Street Journal nhận định rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang vững vàng hơn. Các hoạt động mua bán cổ phần diễn ra mạnh mẽ nhờ việc dễ dàng huy động được nguồn vốn hơn khi lãi suất cho vay trên toàn cầu thấp, trong lúc giới đầu tư và cổ đông hy vọng sẽ hối thúc các DN sử dụng hiệu quả nguồn vốn sẵn có trong tay.
Tương tự, Deloitte cũng tính toán rằng, các công ty chia tiền mặt cho các cổ đông lên tới 1,5 ngàn -1,9 ngàn tỷ USD. Còn giới lãnh đạo DN khi công bố sẽ M&A cũng hứa hẹn sẽ tạo thêm giá trị trong năm nay tương đương với GDP của Canada hay Brazil, hoặc hơn 205 USD cho mỗi người trên thế giới…
Về lý thuyết, lợi ích của việc M&A là có thực. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành đã lên tiếng cảnh báo, tốc độ M&A như hiện nay là không ổn và không bền vững. Trong đó, câu chuyện trốn thuế được nhắc tới như một căn bệnh trầm kha luôn song hành. Điển hình như vụ Pflizer mua lại Allergan theo một số chuyên gia, là có dấu hiệu “trốn thuế”.
Không nói đâu xa, câu chuyện trốn thuế liên quan đến M&A cũng đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây không lâu, khi mà Metro đổi chủ. Câu chuyện Metro Việt Nam liên tục báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn mở rộng thị trường, với doanh thu hàng trăm triệu USD cho thấy tình trạng chuyển giá của các DN nước ngoài tại Việt Nam đã đến mức báo động. Theo ThS. Bùi Ngọc Sơn, nguyên nhân của tình trạng này là do quản lý yếu kém, thực thi luật chưa nghiêm, đâu đó có tình trạng tham nhũng...
Thực ra, vấn đề M&A để trốn thuế là phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới. Bởi M&A giúp các công ty tiết kiệm được một phần thuế, nên họ làm điều này với một công ty đang ở trong tình trạng thua lỗ. Quá trình chuyển lỗ này chính là việc một công ty làm ăn thua lỗ được sáp nhập với một công ty đang kinh doanh có lãi.
Khi đó, sẽ có một khoản chi phí khổng lồ từ công ty đang kinh doanh thua lỗ được chuyển sang công ty kinh doanh có lãi nhằm cân bằng các chi phí hợp lý của công ty mua. Đây là công thức 2 + (- 2) = 0. (Không phải đóng thuế).
Hiện tại, luật pháp một số nước trên thế giới như Anh, Mỹ cho phép công ty mua được khấu trừ khoản lỗ vào lợi nhuận của công ty hợp nhất. Từ đó công ty sẽ được một khoản lợi nhuận về thuế mà nếu làm khác đi sẽ không thể kiếm được. Tuy nhiên, các nhà làm luật ở các nước này đang tìm cách ngăn chặn việc này.
Thế nên, đây cũng là lời cảnh báo cho một số quốc gia như Việt Nam, phải hết sức thận trọng. Đồng thời, các chuyên gia cũng dự báo, không sớm thì muộn hoạt động này sẽ lắng xuống. Thêm vào đó, sau nhiều năm liên tục M&A, không ít ngành hàng sẽ không còn nhiều cơ hội bùng nổ với quy mô lớn như hiện tại. Và cũng không có bất kỳ điều gì đảm bảo chắc chắn tất cả các thương vụ đã công bố sẽ sớm được tiến hành. Nhà đầu tư cần phải cẩn trọng trước những lời tuyên bố M&A để tránh kỳ vọng rồi thua lỗ.
Hoàng Long
Thời báo Ngân hàng