Peter Andrew Buffett (SN 1958) được biết đến như một nhạc sỹ thành danh kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng. Là con trai thứ hai của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, khi mới 19 tuổi, Peter nhận được số tiền thừa kế… 90.000 USD từ khối tài sản hàng chục tỷ USD của người cha.
Phan Kim Đôn: Tiếp tục cuộc hành trình Internet
- Cập nhật : 24/08/2015
(Doanh nhan)
Phan Kim Đôn, chàng Việt kiều tốt nghiệp Đại học Yale (Mỹ) và góp phần đưa đại gia thương mại điện tử Rocket Internet (Zalora, Lazada, FoodPanda…) về Việt Nam, đã tiếp tục cuộc hành trình internet ở quê hương với một công ty khởi nghiệp của riêng mình.
Nếu như Lazada đang dần thống trị thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, thì Zalora (thời trang) hay FoodPanda (thực phẩm) cũng đều đạt được những bước tiến đáng chú ý và thu hút thành công hàng trăm triệu USD vốn đầu tư. Đơn cử, báo cáo Thương mại Điện tử 2014 do Bộ Công Thương công bố mới đây cho thấy Lazada và Zalora đang lần lượt đứng ở vị trí thứ nhất và ba trong tốp các sàn thương mại điện tử chiếm thị phần doanh thu cao nhất.
Thế nhưng với Phan Kim Đôn, làm thuê cho công ty lớn vẫn không thể sánh bằng cảm giác được tự mình khởi nghiệp. Tháng 4/2013, Đôn quyết định ra riêng và sáng lập Taembe.com, website thương mại điện tử chuyên kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé.
“Tôi chọn nhóm các bà mẹ vì đây là đối tượng khách hàng đầy tiềm năng. Hơn 65% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi và mỗi năm có đến 1,5 triệu em bé được sinh ra đời. Quan trọng hơn, khi kinh tế khó khăn, chúng ta sẽ cắt giảm mua sắm thời trang hay ăn uống chứ không bao giờ bớt chi tiền để chăm sóc con mình”, Đôn lý giải cho ý tưởng của anh.
Thực tế, thị trường các sản phẩm dành cho mẹ và bé mà Đôn tham gia cũng đã thu hút không ít tay chơi internet máu mặt, điển hình như Beyeu.com vốn được quỹ IDG Ventures Vietnam đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh đó còn là sự hiện diện của các hệ thống siêu thị chuyên phục vụ bà mẹ và trẻ em như Kids World (Vingroup) hay Con Cưng, chuỗi bán lẻ đã phát triển 66 chi nhánh trên cả nước.
Theo công ty nghiên cứu Intage Vietnam, thị trường sản phẩm/dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam hiện có quy mô khoảng 2,5 tỉ USD mỗi năm và có tiềm năng đạt đến con số 5 tỉ USD trong tương lai gần. Chắc chắn, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt nhất là đối với một công ty khởi nghiệp ít vốn như Taembe.com của Phan Kim Đôn.
Hiểu rõ những bất lợi, Đôn nghĩ ra chiến lược cạnh tranh phù hợp với lợi thế của Công ty. Lấy tên là Taembe.com, Đôn chọn bỉm tã làm dòng sản phẩm kinh doanh chủ lực và đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ bỉm tã trực tuyến tốt nhất.
“Qua quan sát, tôi thấy các bà mẹ khi đi mua bỉm tã ở các điểm bán lẻ thường rất chật vật vì bao bì của loại sản phẩm này khá to. Đối với bỉm tã, mua hàng trực tuyến sẽ phù hợp hơn vì người mua ít có nhu cầu xem hàng trước mà lại được giao tận nơi. Đặt tên Taembe.com cũng thuận lợi cho việc quảng cáo từ khóa trên Google”, Đôn chia sẻ.
Theo người sáng lập Taembe.com, bán lẻ có tỉ suất lợi nhuận thấp nên phải bù lại bằng quy mô doanh số. Và để đạt được quy mô lớn thì bắt buộc phải đầu tư cho khâu dịch vụ khách hàng.
“Chúng tôi thường xuyên đặt hàng từ các đơn vị khác để kiểm tra chất lượng dịch vụ của họ, rồi lấy đó làm tiêu chuẩn để Taembe.com cố gắng làm tốt hơn. Taembe.com cũng ứng dụng công nghệ tự động kiểm tra giá bỉm tã trên website của các đơn vị khác để đảm bảo rằng giá của mình là hấp dẫn nhất”, Đôn cho hay.
Tài chính còn khá hạn chế nên Taembe.com hiện vẫn chỉ tập trung khai thác thị trường tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Và dù có sử dụng dịch vụ giao hàng bên ngoài, nhưng cả Đôn lẫn các thành viên trong Công ty vẫn tự đi giao hàng mỗi khi lượng đơn hàng đổ về quá nhiều. Theo anh, tiết kiệm chi phí để đầu tư vào những khoản thật sự cần thiết là cách để Taembe.com tồn tại trong giai đoạn đầu.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc cho Rocket Internet, Phan Kim Đôn đang từng bước xây dựng Taembe.com trở thành một mô hình kinh doanh tiềm năng. Trong vòng một năm trở lại đây, Taembe.com đã thuyết phục được 10 đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp từ Mỹ, châu Âu và Singapore chấp nhận rót vốn giai đoạn ươm mầm (seed funding) cho Công ty. Trong năm 2015, Đôn còn kỳ vọng sẽ hoàn tất vòng gọi vốn Series A với sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm. Thông thường, giá trị Series A tại Việt Nam vào khoảng 1-3 triệu USD.
Về mặt thị trường, theo người sáng lập Taembe.com, hiện Công ty đã là đối tác bán lẻ trực tuyến tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm của nhà sản xuất Pampers (Mỹ) tại Việt Nam. Cũng nhờ mối quan hệ này mà hồi tháng 12 vừa qua, Pampers và Taembe.com đã bắt tay nhau cùng thực hiện chương trình tặng quà Giáng sinh cho trẻ em ở 4 mái ấm và trung tâm trẻ mồ côi tại TP.HCM.
Tỏ ra hào hứng với những kế hoạch mới, nhưng Phan Kim Đôn vẫn cảm nhận được không ít thử thách mà công ty khởi nghiệp của anh phải vượt qua. Bên cạnh những khó khăn chung của môi trường thương mại điện tử, vấn đề thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực công nghệ chính là điều mà Đôn phải nghĩ đến trong quá trình phát triển Taembe.com.
“Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp từ những môi trường giáo dục danh tiếng tại Việt Nam vẫn chưa nhận ra rằng internet chính là cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp. Tại sao không thử sức ở những môi trường năng động và phát triển không ngừng như internet? Theo tôi, nếu muốn tạo sự thay đổi mang tính đột phá, không đâu tốt hơn môi trường của các công ty khởi nghiệp công nghệ”, Đôn khẳng định.