Là thương hiệu Nhật Bản có lịch sử hơn 140 năm tuổi, Toshiba hiện ngập trong nợ nần, lục đục nội bộ, đối mặt với án phạt và đứng trước nguy cơ phải bán mình.
"Dr Thanh chứa dị vật, Tân Hiệp Phát không thể vô can"
- Cập nhật : 22/12/2015
(Doanh nghiep)
LS Phạm Công Út cho rằng, việc Tân Hiệp Phát “đổ lỗi” cho đại lý trong bảo quản gây ra sự cố lên men của hơn 79 chai Dr Thanh tại Cà Mau là đang “né” tránh nhiệm.
“Đổ lỗi” cho đại lý, Tân Hiệp Phát phải chứng minh
Suốt mấy năm qua, sản phẩm Dr Thanh của Tân Hiệp Phát liên tục bị phát hiện lỗi “dị vật lạ” như nước bị lên men, sủi bọt, lợn cợn ở bên trong.
Năm 2011, đã có hàng nghìn chai Dr Thanh bị “tố” không đảm bảo chất lượng dù còn nguyên đai, nguyên kiện.
Mới đây, tại TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cơ quan chức năng phát hiện tổng cộng đến 79 chai Dr Thanh có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, tại quán cà phê là 7 chai, còn ở tiệm tạp hóa là 72 chai Dr Thanh có chứa chất lợn cợn, có chai như chứa men giấm…
Điều đáng nói là: Trong hầu hết các sự cố liên quan tới “dị vật lạ” lợn cợn bên trong chai nước như trên, đại diện của Tân Hiệp Phát thường loại bỏ nguyên nhân từ quá trình sản xuất.
Câu trả lời của Tân Hiệp Phát luôn xoay quanh nguyên nhân của khâu bảo quản và trách nhiệm thuộc về đại lý.
Trao đổi với chúng tôi, LS Phạm Công Út – Trưởng VP LS Phạm Nghiêm (Đoàn LS Tp.HCM) – người có kinh nghiệm 20 năm trong vai trò thẩm phán, cho rằng: “Đây thực chất là cách né tránh trách nhiệm của họ hay né lỗi do họ”.
“Anh có vô can không khi sản phẩm này còn hạn sử dụng? Anh đổ thừa cho môi trường và các vấn đề khác nhưng anh không thể nói miệng được. Quy trình bảo quản, cần lưu ý gì (như phải để ở nhiệt độ bao nhiêu, ảnh hưởng như thế nào) phải có trong diện cảnh báo.
Nếu không cảnh báo, đó hoàn toàn là lỗi tại anh. Anh phải chịu trách nhiệm” – LS Út nhấn mạnh.
Thêm vào đó, theo LS Út: Tân Hiệp Phát muốn “đổ lỗi” cho đại lý, Tân Hiệp Phát phải chứng minh.
“Khi khách hàng mang chai tới, họ nói đây là chứng cứ - chai nước đang có “vật thể lạ”, Tân Hiệp Phát khi thừa nhận: “Đây là sản phẩm của tôi”, mặc nhiên Tân Hiệp Phát đã có lỗi rồi.
Còn Tân Hiệp Phát nói ngược lại: Đại lý đã làm không tốt trong khâu bảo quản, Tân Hiệp Phát phải chứng minh quy trình với bên đại lý.
Nếu doanh nghiệp này chỉ nói miệng, kết luận suông “tại đại lý” mà không chứng minh được là điều khó chấp nhận” – LS Út nói.
Theo LS Út: Việc kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối với người tiêu dùng.
Bộ luật hình sự đã có những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu gây hậu quả, thiệt hại - hành vi nguy hiểm cho xã hội có thể bị khởi tố.
Tuy nhiên, đối với Tân Hiệp Phát, “hành vi nguy hiểm” ở đây, ta thấy chưa có trường hợp nào bị ngộ độc, gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do lỗi của sản phẩm gây ra.
Vì vậy, bộ luật hình sự có thể loại trừ, không được áp dụng trong tình huống này.
Ngoài bộ luật hình sự còn có các bộ luật khác, liên quan tới mảng hành chính, quản lý Nhà nước như quản lý an toàn thực phẩm hoặc các tổ chức hội đoàn như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bộ luật dân sự liên quan tới vấn đề mua bán – sản phẩm.
Mặc dù vậy, tại Việt Nam, hệ thống pháp lý này chưa hoàn thiện, quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại, ảnh hưởng do chất lượng sản phẩm không đảm bảo.
Sản phẩm lỗi, Tân Hiệp Phát không thể “vô can”
Đối chiếu vào luật dân sự, để xác định “lỗi” của nhà sản xuất Tân Hiệp Phát, theo LS Út cần xem xét 4 điều kiện:
Thứ nhất, cần xem xét hành vi, quy trình sản xuất có đảm bảo an toàn theo chất lượng đã đăng ký hay không.
Tân Hiệp Phát loại bỏ nguyên nhân gây ra “vật thể lạ” từ lỗi của nhà sản xuất, vậy Tân Hiệp Phát phải chứng minh chất lượng an toàn, tốt, hương liệu, nguồn nước và các nguyên liệu hình thành khác đều đảm bảo an toàn…
Muốn chứng minh điều đó: Họ không có “hành vi” tức là được cấp giấy phép.
LS Phạm Công Út – Trưởng VP LS Phạm Nghiêm (Đoàn LS Tp.HCM) – người có kinh nghiệm 20 năm trong vai trò thẩm phán.
Thứ hai, cần xem xét hậu quả. Hậu quả ở đây là trong chai nước Dr Thanh của Tân Hiệp Phát có “vật thể lạ” ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, hậu quả gây hại sức khỏe người dùng như thế nào chưa được làm rõ.
Tuy vậy, theo LS Út: Vẫn có thể chứng minh được là trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp này đã để lại rất nhiều sản phẩm có lỗi ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
“Để nói lỗi của nhà sản xuất phải thông qua giám định. Giám định các “vật thể lạ” này từ khâu sản xuất hay sau sản xuất hoặc nằm ngoài thời gian hạn sử dụng.
Và các giám định này phải thực hiện khi sản phẩm còn nguyên đai, nguyên kiện không bị tác động bởi bên ngoài sau khi sản phẩm được đóng nắp” – LS Út lưu ý.
Trước đó, ngay khi nhận được thông tin sản phẩm có hiện tượng bợn giấm tập trung tại cùng một địa điểm tại Cà Mau, Tân Hiệp Phát đã tiến hành rà soát hồ sơ quản lý sản xuất và quản lý chất lượng của lô hàng, kiểm tra mẫu lưu sản phẩm cùng lô.
Tân Hiệp Phát thông báo: Kết quả cho thấy quá trình sản xuất bình thường, mẫu lưu đạt chuẩn, ngoại quan đạt, kiểm tra hóa lí đạt, vi sinh đạt, từ đó doanh nghiệp này loại bỏ nguyên nhân từ khâu sản xuất.
Tuy nhiên, LS Út cho rằng: Cho dù có mẫu lưu đi chăng nữa, Tân Hiệp Phát vẫn phải kiểm tra các vật chứng thông qua kết quả giám định. Bởi giám định nhằm mục đích chứng minh: “vật thể lạ” này không phải bị tác động từ bên ngoài.
“Lúc đó kết quả giám định mới là câu trả lời chứ không phải mẫu lưu là câu trả lời” – LS Út nhấn mạnh.
Thứ ba, phải xem xét mối liên hệ nhân – quả giữa hành vi và hậu quả, tức là mối liên hệ giữa khâu sản xuất tạo ra sản phẩm lỗi.
Ví dụ: Tân Hiệp Phát sản xuất ra sản phẩm này nhưng lỗi xuất hiện sau thời điểm hạn chuẩn hoặc lỗi này do tác động từ bên ngoài thì nó không có mối liên hệ giữa việc sản xuất của công ty và lỗi sự cố.
Thứ tư, người khiếu nại hoặc khởi kiện phải chứng minh được yếu tố lỗi của nhà sản xuất.
“Khi Tân Hiệp Phát biết dây truyền sản xuất của họ bị nhiều lần như vậy mà không khắc phục, họ vẫn tiếp tục sản xuất theo quy trình đó tức là họ có lỗi. Trong pháp lý, điều này thể hiện lỗi cố ý về mặt ý thức chủ quan.
Hơn nữa, sản phẩm này không bị tác động từ phía ngoài hay do chủ đích nào khác của đối thủ, Tân Hiệp Phát đã chấp nhận đây là sản phẩm của họ.
Nếu rũ bỏ trách nhiệm, Tân Hiệp Phát sẽ vấp phải phản ứng gay gắt vì trong một thời gian dài các sản phẩm tiêu dùng khác không bị hiện tượng tương tự” – LS Út nói.
Theo LS Út: Tân Hiệp Phát cần phải chịu trách nhiệm nếu khách hàng kiện hay đòi bồi thường.
Nhưng LS Út lưu ý: Đòi bồi thường hay đàm phán phải thông qua Hội bảo vệ người tiêu dùng. Người phát hiện sản phẩm lỗi không nên tự ý chủ động gây sức ép với bên Tân Hiệp Phát.
“Việt Nam không giống như nước ngoài, sản phẩm lỗi với người nước ngoài rất hệ trọng, luật pháp bảo vệ người dân rất nghiêm ngặt.
Ở Việt Nam, luật pháp chưa hoàn thiện để bảo vệ người tiêu dùng, vì vậy, nếu khách hàng tự ý thương thảo sẽ rơi vào tình huống giống vụ “con ruồi 500 triệu”.
Do đó, tôi khuyên: Người tiêu dùng khi gặp sự cố cần thông qua Hội bảo vệ người tiêu dùng và báo chí – Với cách này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà sản xuất mà thiệt hại này thì không bao giờ có điểm dừng” – LS Út kết luận.
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Phát
LS. Đặng Văn Cường
Khi lưu thông trên thị trường, Tân Hiệp Phát phát hiện ra sản phẩm Dr Thanh bị lỗi thì phải triệu hồi về hoặc thiêu hủy cũng giống như sản phẩm ô tô vậy. Còn nội bộ công ty sẽ phải rút kinh nghiệm.