Một điều ít ai biết tới là ngoài thương mại, bán lẻ thì hệ thống Nguyễn Kim từ lâu đã tham gia đầu tư khá mạnh vào nhiều lĩnh vực khác như lương thực, dược phẩm…
Dịch vụ giao hàng: Ai đang chạy nhanh hơn?
- Cập nhật : 25/05/2016
(tin kinh te)
Trong năm 2016, thị trường thương mại điện tử sẽ có khoảng 70-80 triệu gói hàng cần được giao nhận, thu hút nhiều doanh nghiệp giao hàng mới vào cuộc chơi.
Tận dụng các nguồn lực rảnh rỗi,nhiều doanh nghiệp giao nhận trong khu vực nội thành đang dấy lên cuộc chiến mà ở đó nút thắt về thời gian giao hàng và thâm dụng vốn đang được xem là yếu tố cạnh trạnh.
Nhiều người trẻ nhập cuộc
Hồi tháng 11/2015, Công ty Sản phẩm di động thông minh đưa ứng dụng ShipS hoạt động ở thị trường Hà Nội. Đây là ứng dụng tận dụng các nguồn lực rỗi như xe ôm, sinh viên làm người giao hàng tự do cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến.
Thông qua hệ thống ShipS, người giao hàng sẽ nhận ra các đơn hàng gần nhất, ứng tiền hàng và đem giao cho người mua để nhận tiền giao nhận. Cách làm này sẽ giải quyết được 2 nút thắt trong lĩnh vực thương mại điện tử là thâm dụng vốn và giao hàng dưới 2 tiếng với chi phí có thể chấp nhận được.
Một điểm thú vị của mô hình này là do người giao hàng đã ứng tiền trước nên họ phải chuyên nghiệp hơn nếu không muốn vừa không có tiền giao hàng vừa phải tốn chi phí chở món hàng về. Ông Nguyễn Tuấn Minh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty, cho biết, dự kiến ShipS sẽ bắt đầu thu phí từ tháng 7 đối với người giao hàng.
Không lâu sau đó, tháng 1/2016, Công ty Dịch vụ Giao nhận Tức thời đưa tính năng kết nối người giao hàng vào ứng dụng AhaMove (công ty con thuộc Công ty Giao hàng nhanh). Mô hình hoạt động tương tự ShipS, chỉ khác là AhaMove thu 30% phí giao nhận đối với các đơn hàng ở TP.HCM và 20% đối với các đơn hàng ở khu vực Hà Nội.
Tháng 6 năm nay, thị trường đón nhận thêm doanh nghiệp mới tham gia là Bagasus Việt Nam với ứng dụng cùng tên. Ông Nguyễn Khánh Hòa, đồng sáng lập Công ty, cho biết, Bagasus cũng sẽ ứng tiền hàng cho doanh nghiệp và giao hàng tức thời. Điểm khác biệt là bên cạnh việc tận dụng các nguồn lực xã hội như ShipS hay AhaMove, Bagasus còn có một đội quân cơ hữu chiếm 10% tổng số người giao hàng để nhận tất cả các đơn hàng phát sinh từ chủ cửa hàng rồi điều phối lại thông qua hệ thống.
Theo ông Hòa, hiện Công ty thu 20% phí giao nhận và mục tiêu của Bagasus là cung cấp dịch vụ giao nhận nhanh, chi phí chấp nhận được cho các sàn thương mại điện tử và các cửa hàng bán lẻ, kể cả những ngành như hoa tươi, thực phẩm tươi sống... Theo ông Trần Hải Triều, Tổng Giám đốc Công ty Phân phối B5, mảng giao nhận thực phẩm tươi sống là thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp giao nhận. Ngoài đòi hỏi về quy trình chính xác, còn đặt ra nhiều yêu cầu về thiết bị bảo quản, kho bãi chuẩn, nhân viên phải được huấn luyện kỹ năng... Hiện nay, nhu cầu giao nhận hàng thực phẩm như Công ty B5 là rất lớn với các đơn hàng từ Mondelez, Kinh Đô, Lộc Trời hay C.P (Thái Lan).
Bắt đầu chạy thử nghiệm hồi tháng 11.2015 ở TP.HCM, Bagasus có khoảng 50 người giao hàng tự do và giao 300 đơn hàng mỗi ngày. Ông Hòa tiết lộ, Bagasus Việt Nam sẽ đón một khoản đầu tư trong thời gian tới để mở rộng hoạt động.
Trước đó, theo dự báo của Công ty Giao hàng nhanh, trong năm 2016, thị trường thương mại điện tử sẽ có khoảng 70-80 triệu gói hàng. Điều này đủ tạo một lực hấp dẫn các đơn vị giao nhận hàng hóa truyền thống lâu đời như VNPost, ViettelPost và cả các doanh nghiệp mới như Grab hay Uber.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ các doanh nghiệp như VNPost, ViettelPost hay LEX (công ty chuyên giao nhận trực thuộc Lazada Việt Nam). Đại diện LEX cho biết, Công ty chỉ tham gia vào mảng giao nhận với quy mô lớn, chưa có ý định tham gia thị trường giao hàng tức thời thông qua người giao hàng tự do.
Đại diện của Grab Bike hay Uber Motor thừa nhận chưa phải là đối thủ trong thị trường giao nhận tức thời vì đây là các ứng dụng được thiết kế để chở người, quy trình vốn đơn giản hơn rất nhiều so với việc giao nhận hàng hóa.
Tuy nhiên, cả Grab và Uber được cho là sẽ sớm tập trung khai thác thị trường giao hàng qua những người giao hàng tự do chậm nhất là từ 6 tháng đến 1 năm tới, vì dịch vụ chở người sẽ gặp khó khăn do cạnh tranh khốc liệt về giá. Bên cạnh đó, dù giao hàng phức tạp hơn nhưng giá trị tạo ra từ chở hàng trên cùng quãng đường lớn hơn rất nhiều so với chở người.
Có thể thấy dù sân chơi vẫn đang trống cho cả 3 đại diện là Ahamove, ShipS và Bagasus, nhưng cảnh báo về khả năng bị nuốt chửng bởi các doanh nghiệp như Uber, Grab hay ViettelPost là có. Trong thị trường này, yếu tố để dẫn đầu là tăng trưởng nhanh, ổn định và thu hút càng nhiều người giao hàng càng tốt. Đây là một thách thức, bởi mô hình tận dụng các nguồn lực trong xã hội có thể giảm gánh nặng về chi phí nhân sự nhưng doanh nghiệp sẽ đối mặt với những rắc rối về việc kiểm soát mất mát trong quá trình giao hàng.
Ai có cơ hội nhiều nhất?
Nếu xét về thương hiệu, thời gian hoạt động và kinh nghiệm vận hành, AhaMove được xếp vào “chiếu trên”. Ông Lương Duy Hoài, Giám đốc Điều hành Giao hàng nhanh, cho biết tính riêng chức năng giao hàng qua người giao hàng tự do, khoảng 600 người đăng ký, mỗi ngày AhaMove có từ 1.300-1.500 yêu cầu giao hàng trên hệ thống. Số lượng thành công xấp xỉ 1.000 đơn hàng với tỉ lệ đánh giá 5 sao trên 90%. Tốc độ tăng trưởng đơn hàng trên AhaMove khoảng 50-60% mỗi tháng.
Theo ông Hoài, cốt lõi của hình thức này là giao nhận hàng hóa với những đặc thù rất riêng biệt của Việt Nam là giao hàng thu tiền. Kéo theo đó là khả năng quản trị, đối soát công nợ, thực hiện cam về quá trình giao hàng... Đây là kinh nghiệm đúc kết từ Giao hàng nhanh trong 4 năm qua.
Lợi điểm thứ 2 của AhaMove, theo ông Hoài, là nhờ vào sự cộng hưởng từ nhóm khách hàng đang sử dụng dịch vụ của công ty mẹ. Khách hàng là doanh nghiệp có xu hướng sử dụng một đầu mối dịch vụ tập trung khả năng kiểm soát tốt hơn.
Về phía Bagasus Việt Nam, dù mới chạy thử nghiệm nhưng việc được các nhà đầu tư “chống lưng” được cho là một điểm cộng trong cuộc chạy đua giành thị phần của doanh nghiệp này.
Xếp “chiếu dưới” không ai khác hơn là ShipS, vì hiện Công ty vẫn chưa nhận được nguồn đầu tư nào. Không như AhaMove hay Bagasus Việt Nam, ShipS vẫn là một ẩn số vì chưa thông báo thu phí người giao hàng hay chủ cửa hàng.
Ông Minh cho biết, Công ty đang tập trung vào giải pháp làm tăng thu nhập của mỗi người giao hàng trên một lần giao hàng. Hiện ShipS đang tập trung phát triển hệ thống tự giới thiệu, với kế hoạch sẽ có tối thiểu 10.000 người giao hàng tại thị trường TP.HCM vào cuối năm nay.
Hệ thống ShipS hiện có khoảng 4.000 người giao hàng tham gia (3.000 ở Hà Nội và 1.000 ở TP.HCM) với khoảng 600 cửa hàng đang sử dụng. Ông chủ ShipS khá hài lòng với con số phát triển vì chưa tiến hành bất kỳ một hoạt động tiếp thị nào.
Không chia sẻ về số lượng đơn hàng phát sinh hằng ngày thông qua hệ thống, nhưng ông Minh cho biết, tỉ lệ trả đơn hàng là 5%. Bên cạnh đó, Công ty có quy trình cảnh báo lừa đảo và chủ cửa hàng được cập nhật thường xuyên trên hệ thống.
“ShipS đã chuẩn bị rất kỹ về bài toán kinh doanh. Là đơn vị chỉ có 5 người điều hành, chúng tôi dễ dàng xoay chuyển theo thị trường. Ngoài ra, ShipS còn là một đơn vị đang góp phần thúc đẩy thị trường giao hàng tự do đi nhanh hơn, mang lại nhiều lợi ích cho khách mua hàng và các chủ cửa hàng”, ông Minh nói.
Một bên được hậu thuẫn từ công ty mẹ, một bên chuẩn bị nhận đầu tư và một bên làm với tâm thế không có gì để mất, xem ra thị trường giao nhận hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi bất ngờ và thú vị.
Theo Nhịp cầu Đầu tư