Cuộc chiến tranh giành sự thống trị trong ngành thương mại điện tử ở Đông Nam Á mới chỉ bắt đầu.
Ba công ty Trung Quốc đang còng lưng gánh nợ
- Cập nhật : 20/07/2017
Đây là ba doanh nghiệp lớn có đầu tư lẫn nhau và là ví dụ điển hình cho thấy vấn đề nợ dâng cao của Trung Quốc.
Theo CNBC, dù tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2017 của Trung Quốc vượt kỳ vọng của giới chuyên gia kinh tế, nhiều sự biến tài chính gần đây như trục trặc kiểm toán và bội chi vẫn đang tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Chuyên gia kinh tế Todd Lee thuộc IHS Markit cho hay: “Thị trường Trung Quốc lao dốc hồi đầu tuần dù tăng trưởng quý 2/2017 khá vững nhờ chính sách giảm thiểu rủi ro khu vực tài chính của chính phủ”.
Dưới đây là cụ thể ba doanh nghiệp đang còng lưng gánh nợ cho nhau Dalian Wanda, Sunac và LeEco - những cái tên lớn có quan hệ phức tạp với nhau. Vấn đề từ ba hãng này có thể tác động lên nhiều công ty khác.
Dalian Wanda
Tỉ phú Vương Kiện Lâm, nhà sáng lập tập đoàn Dalian Wanda, có nhiều giấc mơ lớn như xây dựng doanh nghiệp giải trí và bất động sản toàn cầu. Ông được chú ý với việc tậu hãng phim Legendary Entertainment và chuỗi rạp phim AMC Entertainment khi chính phủ Trung Quốc còn hăng hái khuyến khích doanh nghiệp nhà mua sắm công ty ngoại. Những thương vụ trên đẩy mạnh danh mục đầu tư của Dalian Wanda, vốn gồm nhiều công viên giải trí theo chủ đề và khách sạn ở Trung Quốc.
Dù vậy, dòng vốn thoái quá lớn khiến Bắc Kinh phải thắt chặt các thương vụ ở nước ngoài. Thỏa thuận mua hãng Dick Clark của Wanda gặp trở ngại. Thông tin mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang xem xét các khoản vay của tập đoàn này trong nỗ lực giải quyết rủi ro nợ.
Tuần trước, có lẽ để thoát cảnh bị kiểm soát gắt gao hơn, Wanda bán một loạt tài sản công viên giải trí chủ đề và khách sạn cho tập đoàn Sunac với giá 9,3 tỉ USD. Song điểm bất thường của thỏa thuận là Wanda cho Sunac vay gần một nửa tổng doanh thu để chốt thỏa thuận. Sunac cũng nhận toàn bộ các khoản vay có liên quan đến các tài sản này, song cả hai doanh nghiệp đều không xác nhận mức độ đòn bẩy.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global vừa đưa hai công ty của Wanda là Wanda Commercial và Wanda HK vào bảng theo dõi đánh giá tiêu cực hậu thỏa thuận bán tài sản cho Sunac. Cổ phiếu hãng AMC Entertainment cũng thuộc tập đoàn Wanda giảm 10% ở New York hôm 17.7.
Sunac
Sunac vừa thâu tóm nhiều tài sản của Wanda. Đây là động thái cho thấy xu hướng kéo dài sự sống cho các hãng gặp khó của doanh nghiệp này. Việc này phổ biến đến mức ở Trung Quốc, có một câu nói đùa: Sau vòng gọi vốn công ty điển hình, sẽ có vòng gọi tài trợ từ ông Sun Hongbin - người sáng lập hãng Sunac. Nhiều nghi vấn đang được đặt ra về mức độ rủi ro mà Sunac nắm giữ.
Sau khi thỏa thuận với Wanda được công bố, cả hai hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch và S&P đều cảnh báo về Sunac. Fitch cho hay họ sẽ hạ bậc Sunac xuống mức BB, đưa đánh giá doanh nghiệp về tiêu cực vì thỏa thuận gây sức ép lên đòn bẩy của Sunac trong 12 tháng tới. S&P cũng lưu ý thỏa thuận 2,2 tỉ USD của Sunac vào hãng công nghệ đang cạn tiền LeEco hồi đầu năm nay. Cổ phiếu công ty giảm hơn 9% ở Hồng Kông.
LeEco
Dù là hãng công nghệ Đại lục từng được ưu ái và phát triển nhanh, LeEco hoạt động không theo logic kinh doanh cơ bản khi vung tiền quá mức và không bổ sung vốn. Tuần trước, tài sản 180 triệu USD của hãng và nhà sáng lập hãng Jia Yueting bị đóng băng. Báo giới Trung Quốc cho hay lương bổng một số nhân viên bị giữ lại.
Đầu tuần này, hãng tổ chức một cuộc họp cổ đông bất thường và dự kiến bổ nhiệm chủ tịch mới. Nhiều tin đồn cho rằng gương mặt mới sẽ là nhà sáng lập Sun của hãng Sunac. Chủ nợ liên tục phản đối LeEco, công ty vung 2 tỉ USD tậu hãng sản xuất truyền hình Mỹ Vizio năm ngoái dù liên tục sa thải nhân viên và nỗ lực giảm chi phí. Mọi chuyện tồi tệ hơn khi ông Jia phải tự giảm lương xuống còn 15 cent.
Cổ phiếu hãng LeShi của LeEco hạ 15% ở Thâm Quyến từ đầu năm đến giữa tháng 4 - thời điểm cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch. Trong vòng tròn quan hệ đầu tư phức tạp, LeSports cũng của LeEco đổ 130 triệu USD vào vòng gọi vốn do Wanda dẫn đầu.
Thu Thảo
Theo Báo Thanh Niên