Xuất khẩu sang thị trường Nam Phi kim ngạch tiếp đà tăng trưởng
- Cập nhật : 21/09/2018
Công nghiệp là nhóm hàng được Nam Phi nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Việt Nam, chiếm tới 75% tỷ trọng. Với vị trí thuận lợi, thị trường Nam Phi đang là cửa ngõ quan trọng hàng hóa Việt Nam tiếp cận với các nước châu Phi khác.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2018 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nam Phi đạt 70,93 triệu USD, tăng 28,81% so với tháng 7/2018 và tăng 5,16% so với tháng 8/2017. Nâng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 lên 518,7 triệu USD, tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước.
Trong rổ hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nam Phi thì nhóm hàng công nghiệp chiếm thị phần lớn 74,9% tỷ trọng, trong đó điện thoại các loại và linh kiện chiếm 41,2% tuy nhiên so với cùng kỳ kim ngạch giảm 10,61% tương ứng với 399,02 triệu USD, tính riêng tháng 8/2018 xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Nam Phi tăng 25,89% đạt 22,1 triệu USD và giảm 30,37% so với tháng 8/2017.
Đứng thứ hai là mặt hàng dép cũng giảm 0,88% với 76,06 triệu USD, nếu tính riêng tháng 8/2018 tăng 10,83% so với tháng 7/2018 và tăng 34,07% so với tháng 8/2017 đạt 13,1 triệu USD.
Cũng cùng với tốc độ suy giảm hai mặt hàng kể trên, xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 14,92% so với cùng kỳ, chỉ với 57,07 triệu USD, nhưng tính riêng tháng 8/2018 tăng 30,88% so với tháng trước đó đạt 11,7 triệu USD và tăng 48,36% so với tháng 8/2017.
Như vậy, 8 tháng đầu năm nay nhóm hàng công nghiệp là những mặt hàng chủ lực được thị trường Nam Phi nhập khẩu nhiều từ Việt Nam, nhưng so với cùng kỳ kim ngạch lại suy giảm và nếu có tăng thì tốc độ cũng chỉ tăng ở mức trung bình như: Phương tiện vận tải và phụ tùng chỉ tăng 0,13%; sản phẩm từ sắt thép tăng 29,51%, duy chỉ có máy móc thiết bị phụ tùng là tăng khá 70,96% đạt 29,4 triệu USD.
Ngược lại với nhóm hàng công nghiệp, các mặt hàng thuộc nhóm hàng nông sản tuy kim ngạch đạt không cao, nhưng so với cùng kỳ lại có tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, mặt hàng cà phê tăng đột biến gấp 4,63 lần về lượng (tức tăng 363,94%) và gấp 3,86 lần về trị giá (tăng gấp 286,48%) tuy chỉ đạt 7,4 nghìn tấn, trị giá 13 triệu USD, giá xuất bình quân 1764,44 USD/tấn, giảm 16,7%. Cùng với mặt hàng cà phê, hạt điều cũng tăng trưởng cả lượng và trị giá, đối với mặt hàng hạt tiêu lượng có tăng nhưng kim ngạch suy giảm bởi giá xuất bình quân giảm 36,98% so với cùng kỳ xuống còn 3796,51 USD/tấn. Tuy nhiên, mặt hàng gạo xuất sang thị trường Nam Phi trong 8 tháng đầu năm 2018 lại giảm khá mạnh, 57,21% về lượng và 43,4% trị giá, tương ứng với 2,1 nghìn tấn 1,2 triệu USD.
Đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng, với vị trí thuận lợi thị trường Nam Phi đang là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam tiếp cận các nước châu Phi khác. Đặc biệt, trong những năm gần đây quốc gia này đã và đang đầu tư hơn 100 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ hơn những năm tới. Bởi vậy, đây cũng được xem là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu sản phẩm xi măng, vật liệu xây dựng sang thị trường này.
Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nam Phi 8T/2018
Mặt hàng | 8T/2018 | +/- so với cùng kỳ 2017 (%)* | ||
Lượng (Tấn) | Trị giá (USD) | Lượng | Trị giá | |
Tổng |
| 518.791.379 |
| 2,43 |
Điện thoại các loại và linh kiện |
| 213.924.397 |
| -10,61 |
Giày dép các loại |
| 76.062.720 |
| -0,88 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện |
| 57.070.584 |
| -14,92 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác |
| 29.484.568 |
| 70,96 |
Hàng dệt, may |
| 18.298.489 |
| 7,93 |
Cà phê | 7.423 | 13.097.446 | 363,94 | 286,48 |
Hạt tiêu | 1.917 | 7.277.912 | 11,52 | -29,72 |
Gỗ và sản phẩm gỗ |
| 7.217.859 |
| 23,56 |
Hạt điều | 705 | 6.911.699 | 29,12 | 32,31 |
Phương tiện vận tải và phụ tùng |
| 4.206.657 |
| 0,13 |
Sản phẩm hóa chất |
| 4.124.224 |
| -4,58 |
Sản phẩm từ sắt thép |
| 3.636.796 |
| 29,51 |
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc |
| 2.272.001 |
| 9,34 |
Gạo | 2.194 | 1.272.086 | -57,21 | -43,4 |
Chất dẻo nguyên liệu | 389 | 515.577 | -30,54 | -24,51 |
(*Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)
Theo Vinanet.vn