Số liệu thống kê TCHQ cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm 2018 đã tăng hơn 104% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 2,1 tỷ USD.
Xuất khẩu sang Mỹ ngày càng khó
- Cập nhật : 19/05/2018
Các doanh nghiệp cần phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu đi Mỹ nhằm đem lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa của Việt Nam
Ngày 18-5, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ nhằm cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến chính sách mới của Mỹ giúp định hướng cho doanh nghiệp (DN) xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường Mỹ một cách chuyên nghiệp...
Mỹ tăng bảo hộ, siết hàng nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 13,8 tỉ USD tăng 11,4%. Nếu năm 2001, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa 2 nước chỉ là 1,4 tỉ USD thì kể từ sau khi Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) có hiệu lực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước liên tục tăng mạnh và đạt tới 50,8 tỉ USD vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thách thức lớn đối với DN xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là hệ thống pháp luật của Mỹ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Mỹ lại có những quy định, luật định khác nhau. DN Việt muốn đưa hàng vào thị trường Mỹ, cụ thể là tiểu bang nào phải tìm hiểu luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật liên bang có liên quan. Xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng ngày càng được Mỹ tăng cường áp dụng.
Gần đây, Mỹ đã hoàn tất Nghị trình Chính sách thương mại năm 2018. Tại trụ cột về thực thi chặt chẽ các luật thương mại của Mỹ, nước này sẽ tăng cường áp dụng các chế tài chống bán phá giá, chống trợ cấp; ban hành sắc lệnh áp thuế rất cao đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ các nước trên thế giới. "Những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Khi đó, việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ trở thành bài toán không dễ" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lo ngại.
Tăng cường liên kết để vượt rào cản
Các DN tại diễn đàn cho biết thời gian qua ngày càng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc nâng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với hàng nhập khẩu. Không chỉ các ngành hàng xuất khẩu lớn bị kiện mà các mặt hàng nhỏ cũng nằm trong xu hướng này, từ tôm, cá đến sợi dệt, đinh thép... Bất kỳ một DN nào cũng có thể bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp khi xuất khẩu vào Mỹ.
Trong khi đó, các DN xuất khẩu của Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa, ít kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện thương mại, nên việc đáp ứng các yêu cầu từ phía Mỹ sẽ gặp khó khăn. Chưa kể, chi phí thuê luật sư cho các vụ kiện cao, thời gian khiếu kiện kéo dài dẫn đến nhiều thiệt hại cho DN...
Thủy sản có thể xem là ngành có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với phòng vệ thương mại của thị trường Mỹ. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết từ giai đoạn 2003-2004, khi các mặt hàng thủy sản bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ với doanh số 1-2 tỉ USD, DN trong ngành đã phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá cá tra. Gần đây, các chính sách bảo hộ ngày càng thắt chặt hơn và nguy cơ DN xuất khẩu thủy sản dính các vụ kiện phòng vệ thương mại là rất lớn.
Hiện mỗi năm, Việt Nam xuất khoảng 60.000 tấn tôm qua Mỹ, chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tôm nhập khẩu vào thị trường này, trong khi năng lực của DN Việt có thể gấp đôi mức hiện nay. Một phần vì Việt Nam đang bị xem là nền kinh tế phi trường nên gây bất lợi cho DN xuất khẩu. Do đó, cần sự quan tâm của chính phủ 2 nước để cải thiện điều này. "Theo tôi, câu chuyện kiện phòng vệ của ngành thủy sản là nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dùng. Và giải pháp lâu dài để vượt qua thách thức trước xu hướng bảo hộ, chính là tăng cường tính hiệu quả của quản lý an toàn thực phẩm để sản phẩm xuất khẩu thật sự an toàn, chất lượng" - ông Trương Đình Hòe nói.
Trong khi đó, với các ngành hàng xuất khẩu khác, để ứng phó, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, lưu ý DN trong quá trình thâm nhập thị trường Mỹ cần tìm hiểu kỹ và có mối quan hệ tốt với đối tác, nhà nhập khẩu để sớm có thông tin. Bởi nếu bị kiện và áp dụng mức thuế cao sẽ thiệt hại rất lớn cho DN xuất khẩu và cả ngành hàng bị kiện. Đồng thời, khi DN bị kiện, việc đầu tiên cần phải hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ, cũng như liên kết, phối hợp với hiệp hội, DN trong ngành và cả cơ quan quản lý là Bộ Công Thương để tìm giải pháp vượt rào cản.
Rất ít sản phẩm cao cấp
Dù Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng theo Bộ Công Thương, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN Việt qua thị trường này chủ yếu là dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người vẫn chiếm tỉ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đặc biệt khó tính này. Do đó, Bộ Công Thương khuyến khích các DN Việt cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu đi Mỹ, để mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam.
THÁI PHƯƠNG
Theo Nld.com.vn