Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) dẫn số liệu từ hải quan cho biết xuất khẩu cá ngừ của VN sang Trung Quốc trong ba tháng đầu năm nay đạt gần 7 triệu USD.
Xuất khẩu gạo: Chưa vội mừng vì giá tăng cao
- Cập nhật : 18/04/2016
(Tin kinh te)
Giá xuất khẩu gạo tăng cao gần gấp đôi so với cùng kỳ khiến DN xuất khẩu “vét” kho để xuất hàng đi.
Nông dân và nhà xuất khẩu mừng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 3 đang có xu hướng “đảo chiều”, tăng nhanh so với 2 tháng đầu năm 2016. Cụ thể, tại An Giang, lúa tươi IR50404 tăng 450 đ/kg, từ 4.550 đ/kg lên 5.000 đ/kg; lúa OM 2717 tăng từ 4.700 đ/kg lên 4.950 đ/kg.
Tương tự, tại một số tỉnh thành khác như Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 tăng từ 4.650 đ/kg lên 4.800 đ/kg; lúa khô tăng cao, lên tới 600 đ/kg. Tại Bạc Liêu, lúa tươi từ 4.600 – 5.000 đ/kg lên 4.800 – 5.200 đ/kg.
Đặc biệt, lúa tài nguyên đang “hút hàng”, nhu cầu tiêu thụ cao đẩy mức giá từ 6.000 lên 6.500 đ/kg; lúa khô loại này từ 5.400 đ/kg lên 6.000 đ/kg. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường tăng từ 5.400 đ/kg lên 5.500 đ/kg, lúa dài tăng từ 5.600 đ/kg lên 5.900 đ/kg...
Ông Trần Thế Nhơn, nông dân trồng lúa tại huyện Cần Đước (Long An) cho biết, sở dĩ giá lúa tăng trong tháng qua chủ yếu do các thương lái và DN xuất khẩu đẩy mạnh thu mua lúa phục vụ xuất khẩu. Hiện, phần lớn các hộ nông dân đã bán lúa ra gần hết do mức giá đã cao hơn hẳn so với tháng trước, việc xuống giống không đồng loạt trước đó khiến cho đến vụ thu hoạch rộ, lượng lúa hàng hóa bị thiếu hụt nhiều.
Các thương lái cũng như đầu mối thu gom của các nhà máy, công ty xuất khẩu gạo, cả tháng nay tất bật ngược xuôi để mua hàng sao cho đủ chỉ tiêu, sản lượng đã đề ra. Thậm chí, một số công ty đã phải chủ động lên kế hoạch, đề xuất tăng giá thu mua từ 200 – 600đ/ kg/ (tùy loại gạo) so với dự kiến để “hút” đủ lượng hàng về.
Theo ông Trương Văn Nhứt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Satra Tiền Giang, do nhu cầu về lượng hàng của một số đối tác nhập khẩu từ Trung Quốc, Philippines, Malaysia tăng nhanh, nên hầu hết các công ty xuất khẩu gần như đã “vét” sạch kho để xuất cho đủ theo đơn hàng đã ký sẵn.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2016 ước đạt 629 nghìn tấn với giá trị 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái thì không chỉ sản lượng tăng 41,6%, mà về giá trị cũng tăng 40,8%.
Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ giá xuất khẩu tăng vì hết quý I/2016 là thời điểm Việt Nam phải dồn lực “tất toán” hết toàn bộ khối lượng hàng hóa xuất đi Indonesia, do hồi đầu quý IV/2015, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng lớn sang quốc gia này
Mất lợi thế cạnh tranh về giá
Hiện, Indonesia đang vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2016 với thị phần đạt 31,42%. Trung Quốc, đứng vị trí thứ 2 với 17,15%.
Ngoài ra, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Philippines tăng hơn 11 lần về khối lượng và giá trị, đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 13,75%); Malaysia tăng 51,49% về khối lượng và 49,27% về giá trị; Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 42,27% về số lượng và 23,85% về giá trị.
Tuy nhiên, một thực tế đang được các chuyên gia đưa ra cảnh báo, giá tăng đột biến như vậy chưa hẳn đã mừng, bởi giá bán rẻ từ trước đến nay vẫn luôn được coi là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, nếu mất đi điều này, nguy cơ về sự chuyển dịch các đơn hàng sang quốc gia khác rất có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT CTCP Gentraco (Cần Thơ) cho rằng, với mức giá bán cao như hiện tại thì cả người sản xuất và DN xuất khẩu gạo đều có lợi. Nhưng chúng ta phải nhìn vào một thực tế, tại nhiều thị trường hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, thậm chí phải “núp bóng” dưới tên của những DN nước bạn để xuất hàng đi, nên khi chúng ta đẩy giá tăng vọt lúc khan hiếm nguồn cung, đến khi thị trường dư hàng thì sẽ rất khó khăn cho tiêu thụ.
Với giá bán như hiện tại, giá gạo của Việt Nam đã cao hơn của Thái Lan từ 10 – 15 USD/tấn, trong khi đó thương hiệu gạo Thái Lan đã được định vị rất tốt trên thị trường gạo thế giới.
Hơn nữa, với một trong những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc, thì phần lớn các DN của quốc gia này thường mua gạo xuất thô của Việt Nam với mức giá rẻ, sau đó gia công, đánh bóng lại, cung ứng đến tay người tiêu dùng dưới thương hiệu các DN Trung Quốc, nên yếu tố giá rẻ bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, khi giá tăng họ có thể xem xét đến việc tìm nguồn cung mới.
Bàn về vấn đề này, một chuyên gia phân tích, dù việc tăng giá gạo thời gian gần đây xuất phát từ yếu tố đầu cơ hay nhu cầu thật của thị trường, thì quan trọng nhất vẫn là Việt Nam cần có chiến lược bền vững và lâu dài đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực này.
Giá trị, lợi nhuận của sản phẩm lúa gạo phải được xây dựng trên nền tảng không ngừng đẩy mạnh năng suất bằng tiến bộ khoa học công nghệ, cũng như nâng cao giá trị gia tăng, lấy uy tín, thương hiệu làm căn bản chứ không thể trông chờ, mong đợi vào sự lên xuống, trồi sụt may rủi của thị trường .
Tuyết Thanh
(Thời báo Ngân hàng)