tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu

  • Cập nhật : 03/08/2016

Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu nông sản, được thị trường nước ngoài đánh giá cao nhưng 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị thấp.

Một trong những nguyên nhân là do nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thấy rõ được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà đầu tư vào nông nghiệp bởi phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, vốn, tích tụ đất đai đều kém.

Chưa quan tâm đúng mức

Hiện tại, việc xây dựng thương hiệu nông sản của Việt Nam mới dừng ở mức khuyến khích. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập.

Doanh nghiệp thì hầu như chỉ mạnh ai nấy làm còn nói đến xây dựng thương hiệu ngành, khu vực thì đều khó có sự đồng thuận, hợp tác.

Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát… Khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường… cũng là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Theo đánh giá của Brand Finance - Công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu có trụ sở tại Anh, hai năm qua, giá trị thương hiệu của Việt Nam giảm tới 19%, so với năm 2014 được định giá là 172 tỷ đô la Mỹ, thì năm 2015 chỉ còn 140 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam chỉ xếp hạng trên Campuchia về thương hiệu.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, quy mô sản xuất ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có nhiều thương hiệu trên thị trường, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, vấn đề an toàn thực phẩm còn là nỗi lo của người tiêu dùng…

Đây là những hạn chế, cũng là thách thức đối với nền nông nghiệp Hà Nội trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, Hội có 50ha nhãn chín muộn đạt chuẩn VietGAP.

Năm 2015, nhãn chín muộn Hoài Đức dự kiến xuất khẩu sang Mỹ, song do chưa có thương hiệu và không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu nên vẫn “giậm chân tại chỗ”. Việc xây dựng thương hiệu nông sản chưa được người nông dân chú ý mà chỉ mới quan tâm tới sản xuất.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại như hiện nay, cần phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là thương hiệu các mặt hàng nông sản.

Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đảm bảo các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.

Thương hiệu quốc gia gắn với chỉ dẫn địa lý

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản, phát triển hệ thống phân phối ở các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau để đầu tư khoa học - công nghệ từng bước hạn chế xuất khẩu thô, chuyển dần sang chế biến tinh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

Bà Bùi Thị Thanh Hà, Chủ cơ sở rau an toàn ở Thường Tín (Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để mua sắm máy móc, trang thiết bị đầu tư khoa học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm…

Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu, Đại học Thương Mại, với nhóm hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu thì hầu hết đều xuất khẩu thông qua một số nhà nhập khẩu của nước ngoài hoặc một số đầu mối.

Trên thị trường nước ngoài, người ta chỉ biết đến đó là sản phẩm của Việt Nam, người ta không biết đến sản phẩm đó do doanh nghiệp nào cung ứng ra thị trường gây ra không ít bất lợi.

Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản của Việt Nam rất cần phải có một đầu mối chung, đó chính là khai thác được thế mạnh của thương hiệu quốc gia gắn với các chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những định hướng mà rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã làm.

Trong thời gian tới, trong khuôn khổ của chương trình thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương có dành sự hỗ trợ rất cụ thể cho các doanh nghiệp riêng trong lĩnh vực nông thủy sản để hỗ trợ cho quá trình tiếp cận thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với việc xây dựng và quảng bá thương hiệu của chính các sản phẩm đó.

Bộ cũng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản. Riêng với nông sản, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có giá trị hết sức to lớn.

Đây là một đặc thù giúp cho các sản phẩm của Việt Nam khẳng định được thương hiệu của mình, được ghi nhận, được nhận biết và khẳng định được mình tại thị trường trong nước và thế giới.

Nguồn: Bnews.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục