Nhóm hàng dệt may luôn đứng đầu về kim ngạch trong số các loại hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản, đạt trên 1,7 tỷ USD.
Cá hồi vượt tôm giành thị phần lớn nhất trong thương mại hải sản toàn cầu
- Cập nhật : 14/02/2016
(Tin kinh te)
Cá hồi - loài hải sản được sử dụng phổ biến ở các nhà hàng và có thể ăn sống dưới dạng sushi hoặc xông khói - đã vượt tôm trở thành loại hải sản được giao dịch nhiều nhất trên thế giới nhờ xu hướng tiêu thụ ngày càng phổ biến trên toàn cầu, mở ra những thị trường mới cho các sản phẩm còn mới mẻ ở nhiều thị trường này.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), năm 2013, lần đầu tiên cá hồi vượt tôm, chiếm 17% tổng trị giá hải sản giao dịch trên toàn cầu. Trong khi đó, thị phần của tôm là 15%. Đến năm 2015, cá hồi tiếp tục vươn lên chiếm khoảng 1/5 tổng mậu dịch hải sản toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của tôm là 16% (theo số liệu sơ bộ của FAO) và xu hướng tăng này vẫn đang tiếp diễn.
Hải sản là loại thực phẩm được giao dịch nhiều nhất nếu tính theo trị giá, và tôm đã chiếm vị trí số 1 trong các loài hải sản giao dịch nhiều nhất suốt nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, những biến động mạnh về sản lượng và giá cả do dịch bệnh đã làm giảm thị phần của tôm trong mậu dịch quốc tế. Theo FAO, nhu cầu gia tăng ngay trên thị trường nội địa của những nước sản xuất cũng góp phần làm giảm xuất khẩu tôm.
“Với cá hồi có thể rất linh hoạt trong việc chế biến – có thể đóng hộp, hun khói và nhiều cách chế biến khác. Tôm thì gặp nhiều vấn đề hơn, nhất là biến động về sản lượng”, chuyên gia hải sản của FAO, ông Audun Lem cho biết.
Trong mấy năm qua, mậu dịch tôm trên thị trường quốc tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt ở Thái Lan, một trong những nước sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.
Sản lượng của Thái Lan đã giảm kể từ 2012 do dịch tôm chết sớm, đẩy giá tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2014. Năm 2015, sản lượng hồi phục lần đầu tiên sau 3 năm, kéo giá giảm khoảng 15-20%.
Nhu cầu cá hồi ngày càng tăng
Những sự thay đổi vị trí trong mậu dịch hải sản xuất phát từ nhu cầu. Ngày càng nhiều người tiêu dùng tăng cường ăn cá thường xuyên bởi những lợi ích về sức khỏe từ thực phẩm này.
Theo số liệu của FAO, tiêu thụ cá trung bình người trên toàn cầu từ 2011 đến 2015 đã tăng từ 18,7 kg lên 20 kg. FAO cho biết mặc dù trị giá mậu dịch hải sản quốc tế giảm xuống khoảng 130 tỷ USD trong năm 2015 so với 144 tỷ USD năm trước đó, khối lượng ước tính vẫn ổn định hoặc có thể tăng nhẹ. Tiêu thụ cá hồi toàn cầu năm qua vào khoảng 2,3 triệu tấn.
Hai thị trường Mỹ và châu Âu là động lực chính thúc đẩy thương mại cá hồi thế giới gia tăng, đặc biệt với cá hồi sản xuất tại Na Uy - nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Xuất khẩu cá hồi Na Uy năm qua tăng lên kỷ lục 47,4 tỷ krone (5,4 tỷ USD), trong đó EU chiếm khoảng 3/4. Xuất khẩu sang châu Á và Mỹ cũng tăng. Tính theo khối lượng, trong năm 2015 Na Uy đã xuất khẩu 793.000 tấn sang EU, tăng 10% so với năm trước đó, xuất khẩu sang Mỹ và châu Á tăng lần lượt 35% và 15% lên 37.657 tấn và 10.226 tấn.
Tuy nhiên, không phải quốc gia sản xuất cá hồi nào cũng hưởng lợi lớn. Tại Chile, nước cung cấp lớn thứ 2 thế giới, chi phí sản xuất tăng liên quan tới việc phải tăng cường sử dụng kháng sinh để kiểm soát dịch bệnh đã khiến các trang trại cá hồi nước này bị thiệt hại lớn.
Giá cá hồi tăng mạnh
Nhu cầu tăng, nội tệ giảm giá và dịch bệnh rận biển đã khiến giá cá hồi Na Uy tăng mạnh lên mức cao kỷ lục 30 năm.
Ở thời điểm hiện tại, giá cá hồi xuất khẩu đạt lên 61,64 krone/kg (2,35 USD/lb), tăng 53% so với tháng 10/2015, và gấp đôi mức 33,60 krone năm 2014. Giá cá hồi trên sàn giao dịch thủy sản Fish Pool ở Bergen hiện cũng lên tới 60,30 krone/kg. Riêng trong tháng 12/2015, giá cá hồi tăng 13% so với tháng trước đó, bởi thời gian các nhà đóng hộp nghỉ lễ và mở cửa trở lại đều rơi hoàn toàn vào tháng 1, khiến cho nguồn cung trở nên khan hiếm.
Dịch ký sinh trùng trên cá hồi đã xảy ra từ năm 2015, và có thể khiến sản lượng giảm 5% trong nửa đầu năm 2016. Gần một nửa sản lượng cá hồi Na Uy được nuôi ở Đại dương, tương đương khoảng 1,2 triệu tấn mỗi năm. Vào tháng 11 năm ngoái, một số khu nuôi thả bị dịch bệnh rận biển – một loài ký sinh trùng bám ngoài da và gặm nhấm cá hồi. Nhằm giải quyết dịch bệnh dịch này, người nuôi cá đã thu hoạch cá sớm hơn thường lệ để dọn dẹp nơi nuôi thả, do vậy kích cỡ cá nhỏ hơn mọi năm. Dịch bệnh đã ảnh hưởng khoảng 30.000 tấn sản lượng, theo đánh giá của Hội đồng Hải sản Na Uy.
“Chúng ta sẽ thấy thị trường cá hồi ở các nước sẽ còn tăng thêm nữa”, nhà phân tích Paul Aandahl thuộc Ủy bán Hải sản Na Uy cho biết. “Trong tương lai người tiêu dùng sẽ phải mua cá hồi với giá đắt hơn trước đây bởi sản lượng dự báo sẽ không tăng, ít nhất trong vòng 2 năm tới”.
Ngành nuôi cá hồi hấp dẫn nhà đầu tư
Kỳ vọng nhu cầu tăng trưởng ổn định đã thu hút thêm nhiều người tham gia vào ngành nuôi thả cá. Năm 2014 Mitsubishi của Nhật đã mua lại hãng sản xuất cá hồi Cermaq của Na Uy với giá 1,4 tỷ USD, và năm 2015 hãng kinh doanh hàng hóa Mỹ Cargill đã mua lại công ty sản xuất thức ăn nuôi cá EWOS của Na Uy với giá 1,5 tỷ USD.
Cargill Inc. và Mitsubishi Corp chiếm khoảng một nửa sản lượng cá hồi thế giới.
Xuất khẩu hải sản Na Uy năm 2015 đạt mức cao kỷ lục lịch sử, và triển vọng nhu cầu cải thiện hơn nữa khích lệ Cargill và Mitsubishi gia tăng đầu tư thêm hàng tỷ USD trong năm 2015, cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường mới trong đó có Nga, Brazil và Trung Quốc – những động lực chính hỗ trợ nhu cầu trong mấy năm qua – chắc chắn sẽ cản đà tăng trưởng của thị trường cá hồi. Theo nhà phân tích hải sản Gorjan Nikolik của Rabobank: “Chúng tôi nhận thấy vấn đề nhu cầu rất nghiêm trọng ở một số nước”, và mặc dù tiêu thụ ở các thị trường EU và Mỹ đã bù đắp một phần mức sụt giảm tăng trưởng ở những thị trường kể trên, song sẽ có những thay đổi trong xu hướng mậu dịch vào các thị trường.
Vân Chi
Theo Trí thức trẻ/FT/CafeF