Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép về Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019 đạt 4,67 triệu tấn, tương đương 3,13 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng 3,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Mexico – đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latinh
- Cập nhật : 11/05/2019
Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Mỹ Latinh, và ngược lại, Việt Nam hiện đang là thị trường lớn thứ tám của Mexico ở Châu Á. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2018, và Việt Nam xuất siêu sang nước này.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mexico đạt 2.24 tỷ USD, giảm 4.24% so với cùng kỳ năm 2017. Sang năm 2019, tính đến hết tháng 3 năm 2019, kim ngạch này đạt 496,94 triệu USD, tăng 7,99% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng chính như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, hàng thủy sản, …
Theo số liệu từ TCHQ, kết thúc quý 1/2019 nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng lớn 35,2% đạt 175,3 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ giảm 10,32%. Đứng thứ hai về kim ngạch là mặt hàng giày dép đạt 61,57 triệu USD, tăng 18,97% và hàng thủy sản tăng 36,1% đạt 38,31 triệu USD…
Đáng chú ý, trong quý đầu năm 2019, Mexico tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng sản phẩm từ chất dẻo và phương tiện vận tải phụ tùng, đều có tốc độ tăng trên 50%, trong đó sản phẩm từ chất dẻo tăng vượt trội 68,90% tuy chỉ đạt có trên 5 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 54,28% đạt 26,51 triệu USD. Ngoài ra, hai mặt hàng gỗ sản phẩm gỗ, túi xách ví vali mũ và ô dù cũng tăng mạnh, tăng lần lượt 40,55% và 48,39% đạt tương ứng 3,25 triệu USD; 3,24 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, Mexico giảm mạnh nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, giảm 67,18% về lượng và 70,47% trị giá chỉ với 3,3 nghìn tấn, trị giá 5,12 triệu USD với giá bình quân 1551,13 USD/tấn, giảm 10,03% so với cùng kỳ.
Thống kê hàng hóa xuất khẩu sang Mexico quý 1/2019
Mặt hàng | Quý 1/2019 | +/- so với quý 1/2018 (%)* | ||
Lượng (Tấn) | Trị giá (USD) | Lượng | Trị giá | |
Tổng |
| 496.944.892 |
| 7,99 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện |
| 175.300.082 |
| -10,32 |
Giày dép các loại |
| 61.574.299 |
| 18,97 |
Hàng thủy sản |
| 38.317.703 |
| 36,10 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác |
| 45.343.307 |
| 45,81 |
Phương tiện vận tải và phụ tùng |
| 26.512.746 |
| 54,28 |
Hàng dệt, may |
| 22.705.120 |
| 23,79 |
Điện thoại các loại và linh kiện |
| 15.651.879 |
| -9,73 |
Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận |
| 8.080.661 |
| 10,52 |
Cà phê | 3.305 | 5.126.485 | -67,18 | -70,47 |
Sản phẩm từ chất dẻo |
| 5.013.482 |
| 68,90 |
Gỗ và sản phẩm gỗ |
| 3.250.679 |
| 40,55 |
Túi xách, ví,vali, mũ và ô dù |
| 3.240.122 |
| 48,39 |
Cao su | 1.069 | 1.243.758 | 79,66 | 38,43 |
(*Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)
Tận dụng lợi thế từ CPTPP khi xuất khẩu sang Mexico, với lộ trình giảm thuế từ 17-18% xuống 0% trong vòng 3 năm sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BCT quy định về xuất khẩu dệt may sang Mexico theo Hiệp định CPTPP. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20 tháng 6 năm 2019.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, việc ban hành Thông tư nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong CPTPP và 2 thư song phương giữa Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam về xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này theo CPTPP.
Thông tư bao gồm 5 Chương với 12 Điều, quy định ưu đãi thuế theo hạn ngạch thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico theo CPTPP, nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan và giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico theo CPTPP.
Để thực việc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may theo CPTPP, việc cấp Chứng thư xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico theo CPTPP được quy định tại Điều 6 dự thảo Thông tư.
Cụ thể, cấp Chứng thư xuất khẩu tự động cho thương nhân theo phương thức trừ lùi lượng hạn ngạch thuế quan trên hệ thống điện tử và theo nguyên tắc thương nhân nộp hồ sơ trước được cấp trước, thương nhân nộp hồ sơ sau được cấp sau, cho đến khi hạn ngạch thuế quan được cấp hết.
Mặt khác, cấp Chứng thư xuất khẩu khi thương nhân đã xuất khẩu lô hàng. Theo cơ chế này thương nhân phải thường xuyên theo dõi cấp hạn ngạch thuế quan trên hệ thống điện tử để nộp hồ sơ đăng ký cấp Chứng thư xuất khẩu.
Ngoài ra, Thông tư quy định thương nhân xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico theo CPTPP (bao gồm cả thương nhân xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan và cả thương nhân xuất khẩu không theo hạn ngạch thuế quan) phải đăng ký thông tin với Bộ Công Thương để thực hiện cơ chế giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Mexico theo CPTPP.
Theo Vinanet.vn