tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc đạt thặng dư 600 triệu USD/năm

  • Cập nhật : 18/09/2015

(Thuong mai)

Ông Tô Xuân Phúc, Đại diện tổ chức Forest Trends cho biết như vậy tại hội thảo “Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc 2012-2014” diễn ra sáng nay 15/9.

 

Báo cáo tại hội thảo, ông Tô Xuân Phúc cho hay, Trung Quốc hiện đang là thị trường quan trọng đối với mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam. 

Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Trung Quốc đạt khoảng 845,1 triệu USD, chiếm 6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Riêng 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt trên 425 triệu USD; cao thứ 2 (sau sắn) trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Các sản phẩm chính mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ, vơ nia và đồ gỗ. Trong giai đoạn 2012-2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu của 5 mặt hàng này chiếm 95% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc

Ở chiều ngược lại, năm 2014, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng nhỏ, chỉ 227,9 triệu USD tương đương 0,5% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu (43,87 tỷ USD) của Việt Nam từ quốc gia này.

Trong giai đoạn 2012-2014, tổng lượng gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,2-1,4 triệu m3 gỗ quy tròn.

Nhìn chung, giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ Trung Quốc theo xu hướng tăng trưởng đều, khoảng 6,5%/năm trong giai đoạn 2012-2014. 

Các mặt hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm gỗ nguyên liệu và nhóm đồ gỗ, đặc biệt là gỗ dán, ván sợi, vơ nia, gỗ xẻ và đỗ gỗ. 

Ông Phúc khẳng định, trong quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại. Nhưng đối với ngành gỗ, Việt Nam vẫn đạt mức cân bằng thặng dư, với mức thặng dư khoảng 600 triệu USD/năm. 

"Mặt hàng gỗ đã góp phần quan trọng cho Việt Nam nhằm giảm mức độ thâm hụt kinh niên trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc", ông Phúc khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, thương mại các mặt hàng gỗ giữa 2 quốc gia, đặc biệt trong khâu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã và đang bộc lộ một số hạn chế cơ bản của ngành gỗ Việt Nam.

Thứ nhất, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc là sản phẩm thô, có giá trị gia tăng thấp. Nói cách khác, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Trung Quốc hiện nay thực chất vẫn là bán nguyên liệu thô, với hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra bởi lao động tay nghề cao và công nghệ trong các sản phẩm này hầu như không tồn tại trong sản phẩm.

Thứ hai, mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ  hiện Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc hầu hết có  nguồn gốc từ các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông và là các loại gỗ quý hiếm. Việc Việt Nam nhập khẩu các loại gỗ này từ các nước thuộc Tiểu vùng thực sự đã biến Việt Nam thành quốc gia trung chuyển. 

Thứ ba, giá xuất khẩu được các doanh nghiệp khai báo với cơ quan Hải quan Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức giá gỗ nguyên liệu đầu vào thông thường cho thấy các hành vi nhằm giảm hoặt trốn thuế xuất khẩu. Các hành vi này không những gây thất thu cho ngân sách quốc gia mà còn gây ra tình trạng méo mó thị trường. 

Trong thời gian gần đây, biến động trong mối quan hệ giữa hai quốc gia và thay đổi trong chính sách phát triển của Trung Quốc  đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với các mặt hàng gỗ, bao gồm cả các mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng chưa đủ cơ sở để có thể khẳng định rằng cầu các mặt hàng này tại Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong dài hạn. Các mặt hàng gỗ của Việt Nam vẫn có tiềm năng duy trì và thậm chí mở rộng thị trường tại quốc gia đông dân nhất trên thế giới này.

“Thoát Trung là điều không thể, bởi đây là thị trường khổng lồ, cực kỳ quan trọng cho nhiều doanh nghiệp khác nhau, chúng ta không nên bàn đến chuyện thoát Trung mà làm cách nào để khai thác thị trường này tốt hơn”, ông Tô Xuân Phúc nói.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục