Vinanet -Số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc đã khiến real Brazil giảm 2% xuống mức thấp nhất 12 năm so với USD, khiến giá cà phê Arabica không thể hồi phục được.
Vì sao giá xăng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt?
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Thông tin giá dầu thô thế giới liên tiếp lao dốc, xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi trong khi giá xăng trong nước cũng thực hiện điều chỉnh theo chu kỳ tính giá. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước chỉ nhỏ giọt và không được như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Vậy, lý do tại sao có sự chênh lệnh khá lớn giữa giá xăng trong nước và thế giới?
Dầu lao dốc… xăng giảm nhỏ giọt
Thời gian qua qua, giá dầu thế giới cũng ghi nhận xu hướng giảm trong suốt 8 tuần qua, chuỗi thời gian dài nhất kể từ năm 1986. Giá dầu đã giao dịch dưới 39 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua. Tổng cộng qua các đợt giảm vừa qua, giá dầu đã giảm tới hơn 30%.
Trong khi đó, giá xăng trong nước đã trải qua 4 lần giảm liên tiếp, tuy nhiên, các lần giảm đều chỉ nhỏ giọt vài trăm đồng. Cụ thể, ngày 4/7 giảm 330 đồng/lít; ngày 20/7 giảm 260 đồng/lít; ngày 4/8 giảm 820 đồng/lít và ngày 19/8 vừa qua giảm 770 đồng/lít. Như vậy, tổng cộng qua 4 đợt vừa qua, giá xăng đã giảm 2.180 đồng/lít, tương ứng giảm 10,53% từ mức 20.710 đồng/lít xuống còn 18.530 đồng/lít.
Tương tự, vào gần nửa cuối năm 2014, giá dầu thế giới cũng chứng kiến chuỗi ngày lao dốc mạnh. Từ mức hơn 100 USD/thùng vào cuối tháng 6, giá dầu đã giảm hơn 45,9% xuống còn 55 USD/thùng vào cuối năm và đây cũng là mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Với những diễn biến giảm mạnh giá dầu thế giới vào cuối năm 2014, giá xăng trong những cũng đã liên tiếp có những đợt điều chỉnh giảm. Qua 13 đợt giảm liên tiếp (từ ngày 28/7 đến 22/12), ngoại trừ đợt giảm giá kỷ lục vào ngày 22/12 lên tới 2.050 đồng/lít, còn lại, hầu hết các đợt giảm đều khá thấp, thậm chí có đợt chỉ giảm 30 đồng/lít (ngày 9/9). Tổng cộng, giá xăng đã giảm 7.750 đồng/lít, tương ứng giảm 30,27% từ mức 25.640 đồng/lít xuống còn 17.880 đồng/lít.
Như vậy, tính theo lý thuyết, nếu giá xăng trong nước giảm tương đương giá dầu thô, thì mức giá xăng hiện tại khoảng 14.500 đồng/lít, thấp hơn 4.030 đồng/lít so với thực tế.
Nhân tố tác động tới sự biến động giá xăng
Nghị định số 83/2014 của Chính Phủ về kinh doanh xăng dầu quy định “khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, tối đa là 15 ngày, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm giá.
Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ở nhiệt độ thực tế bao gồm các yếu tố và được xác định = (giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt ) x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá + lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo cách tính này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bên cạnh các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật; mức biến động giá xăng cũng phụ thuộc lớn vào các yếu tố thị trường như giá CIF hay tỷ giá ngoại tệ.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, nhưng cũng giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ 35% xuống mức 20%.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, yếu tố có biến động lớn tác động tới việc điều chỉnh giá xăng dầu chính là giá CIF (CIF được tính = giá Platt Singapore + các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam) bởi dầu thô đang có chuỗi ngày giảm giá dài nhất trong gần 3 thập kỷ qua, trong khi giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 6 năm.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, giá thành phẩm xăng trên thế giới chỉ còn 65,69 USD/thùng. Cách tính giá CIF (giá FOB cộng chi phí bảo hiểm và vận chuyển từ cảng nước ngoài về Việt Nam) như sau: 65,69 + 2,50 USD = 68,19 USD/thùng. Mỗi thùng có 159 lít, nếu quy đổi thành tiền đồng phải lấy giá FOB nhân với tỉ giá USD Vietcombank là 22.500 VNĐ/USD: 68,19 x 22.500 : 159 = 9.650 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá CIF để tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt lại tính theo tỷ giá liên ngân hàng (21.800 đồng/USD) = 65,69 x 21.800 : 159 = 9.007 đồng/lít. Từ đó tính thuế nhập khẩu xăng (20% giá CIF) = 9.007 x 20% = 1.801 đồng/lít và thuế tiêu thị đặc biệt = 10% (9.007 + 1.859) = 1.087 đồng/lít. Thuế giá trị gia tăng được tính = 10% x (9.650 + 1.801 + 1.080 + 1.050 + 300 + 300 + 3.000) = 1.718 đồng/lít.
Theo cách tính trên, giá xăng cơ sở được xác định = 9.650 + 1.801 + 1.087 + 1.718 = 14.256 đồng/lít, thấp hơn 4.270 đồng/lít so với giá xăng bán lẻ thực tế.
Theo TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, xu hướng điều hành giá xăng dầu trong nước không sát thế giới. Cụ thể, trong mấy tháng gần đây, giá dầu trên thế giới đã giảm trên 50%, nhưng trong nước giảm chỉ giảm khoảng 30%. Sự điều chỉnh không tương xứng này khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt trong khi đó doanh nghiệp lãi lớn, Nhà nước vẫn thu được nhiều thuế, do đó, không đảm bảo cân bằng lợi ích của 3 chủ thể chính là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Lý giải tại sao giá xăng trong nước lại cao vượt trội so với giá xăng thế giới, ông Long cho biết, một nguyên nhân cơ bản là việc giá xăng phải gánh quá nhiều khoản thuế phí.
“Trong thời buổi cạnh tranh kinh tế thị trường hiện nay, khi thu nhập của người dân Việt Nam chỉ bằng một phần mấy chục thu nhập của người Mỹ, nhưng giá tiêu dùng xăng dầu của Việt Nam lại cao hơn hẳn giá thế giới. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng, làm mất đi cơ hội cạnh tranh của các doanh nghiệp do phải chịu chi phí đầu vào quá cao trong khi năng lực cạnh tranh vốn đã yếu”.
Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những nhân tố giúp giảm bớt những rủi ro về giá. Tuy nhiên, bất cập hiện nay chính là nguồn hình thành quỹ này do hoàn toàn chỉ là trực tiếp người tiêu dùng nộp vào.
“Trên thực tế, nguồn hình thành quỹ không thể do Nhà nước bỏ ra được, bởi như thế sẽ vi phạm luật thương mại quốc tế, là bao cấp, tuy nhiên, việc tạo quỹ có thể do người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng xăng dầu cùng chia sẻ với tỷ lệ tương xứng có thể là 9:1", ông Long nói và cho biết, cách sử dụng trích lập quỹ hiện nay cũng phản ánh sự bất hợp lý. Đúng ra, nếu khi nào giá thế giới giảm thì nên trích để nộp vào quỹ còn ngược lại, khi giá tăng thì không nên trích bởi như thế sẽ cộng vào giá tính cơ sở và đội giá lên cao.