tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Hàng Việt cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc trên sân nhà

  • Cập nhật : 02/09/2015

(Tin kinh te)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa Trung Quốc có mặt khắp nơi, từ trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống đến cửa hàng tạp hóa nhỏ.

Trước đây, hàng hóa Trung Quốc được người tiêu dùng quan tâm vì giá rẻ. Thời điểm này, sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân nhân tệ, giá cả hàng hóa Trung Quốc đương nhiên càng rẻ hơn.

hang viet canh tranh khoc liet voi hang trung quoc tren san nha

Hàng Việt cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc trên sân nhà

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tại các chợ truyền thống lớn như: Tân Bình, An Đông, Bà Chiểu, Bình Tây... khách hàng dễ dàng mua được hàng Trung Quốc.

Nhìn chung các loại hàng của Trung Quốc đều có mẫu mã phong phú, đa dạng, giá thấp hơn hàng Việt cùng loại từ 10% đến 30%. Tại chợ Bình Tây, Quận 6, hàng hóa bán buôn tràn đầy cả lối đi, trong đó có khá nhiều hàng Trung Quốc. Với người mua buôn, hàng Trung Quốc có giá mềm, chiết khấu cao, được "gối đầu" nên mua về bán lại dễ hơn hàng Việt.

Chị Nguyễn Thị Vân đang mua buôn ở chợ Bình Tây về bán ở Quận 12 cho biết: “Tôi hay qua chợ này lấy hàng về bán. Hàng Trung Quốc ở đây giá rẻ dễ bán, khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người lao động, công nhân. Giá các mặt hàng chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn nên người mua cũng không yêu cầu cao về chất lượng”.

Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh sớm xác định, không đổi mới, cải tiến sản xuất thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

Công ty TNHH Minh Long Hưng, chuyên sản xuất quần áo trẻ em là một trong những doanh nghiệp như vậy. Chỉ trong vòng hai năm nay, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để đổi mới trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.

Đồng thời, công ty cũng liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, cập nhật những hoa văn, màu sắc, hình ảnh mà trẻ em yêu thích. Sản phẩm Minh Long Hưng vẫn được người tiêu dùng chọn dù giá thành cao hơn từ 30- 40% sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc công ty cho biết: “Đã từ lâu chúng tôi có chiến lược dài hơi là đi theo hướng chất lượng và nhắm đến người tiêu dùng thu nhập thấp. Sản phẩm bán ra giá khá rẻ, chất lượng ổn định, chất liệu an toàn cho trẻ em sử dụng.

Chúng tôi cũng đầu tư lớn vào mẫu mã, tạo tín nhiệm của người tiêu dùng, chúng tôi đã có thị phần. Chúng tôi không sợ hàng Trung Quốc, hàng của chúng tôi lên các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn bán tốt”.

Tuy nhiên, ở Thành phố Hồ Chí Minh, không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa nào như Minh Long Hưng có điều kiện đổi mới, cải tiến sản xuất. Nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu chiến lược, thiếu cả sự năng động sáng tạo.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vài năm nay đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong tác động vào ý thức người tiêu dùng. Nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động nhiều hơn nữa trong nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và nhất là hạ giá thành.

Ông Nguyễn Văn Hai, một người tiêu dùng ở Quận 5 nói: “Là người Việt chúng ta phải ủng hộ hàng Việt. Nếu hàng Việt Nam chất lượng cao thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn thay vì hàng Trung Quốc giá rẻ chất lượng kém”.

Bên cạnh nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, các doanh nghiệp Việt cũng cần chú ý đến dịch vụ hậu mãi, nhất là các sản phẩm tiêu dùng thuộc lĩnh vực điện tử gia dụng.

Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing Trung tâm điện máy và nội thất Thiên Hòa cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa tới dịch vụ sau bán hàng, không chỉ chất lượng sản phẩm mà cần chất lượng về dịch vụ sau bán hàng, hậu mãi để người tiêu dùng càng tin tưởng hơn. Đó là yếu tố tiên quyết đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước”.

Hội nhập để phát triển thì cạnh tranh là điều tất yếu. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được, trước hết phải chiếm được ưu thế ngay trên sân nhà. Cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc và sắp tới là hàng hóa từ các nước trong khu vực khi Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực vào cuối năm nay, là điều mà các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu.

(Theo Diễn đàn đầu tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục