Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), năm 2019, trong khi mặt hàng thủy sản, đồ gỗ tiếp tục có nhiều lợi thế thì thị trường tiêu thụ cà phê, điều, tiêu, chè không mấy khả quan.
Thị trường trái cây tuần qua: Biến động ở cả trong nước và thế giới
- Cập nhật : 12/01/2019
Những ngày đầu năm 2019 những thông tin không vui đến với những người nông dân khi giá cam sành giảm mạnh, mưa bão ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch dưa hấu… Trên thế giới, giá ớt tăng mạnh tại Trung Quốc trong khi nguồn cung xoài ổn định và Malasyia tăng mạnh xuất khẩu sầu riêng …
Những ngày đầu năm 2019, giá cam sành tại Trà Vinh tiếp tục giảm mạnh. Hiện cam sành loại I được các thương lái mua với giá 10.000 đồng/kg, còn nếu mua không phân loại chỉ từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam sành nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, với hơn 2.000 ha. Cam sành được trồng tập trung tại các xã: Tam Ngãi, An Phú Tân, Hòa Tân và một phần của Ninh Thới, Châu Điền và Hòa Ân. Trung bình mỗi năm, sản lượng cam sành ở Cầu Kè đạt khoảng từ 3.000 đến 3.500 tấn quả. Nhiều năm qua, giá cam sành Cầu Kè được các thương lái mua sô ổn định ở mức 12.000 – 15.000/kg. Với mức giá này, bình quân nhà vườn trồng cam sành cho trái từ vụ thứ 2 trở lên đạt thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng/ha.
Giá cam sành năm nay giảm mạnh, theo các nhà vườn ở huyện Cầu Kè là do vào vụ thu hoạch chính, sản lượng cam tập trung rất nhiều. Thêm vào đó, nhiều năm nay nhà vườn đều nắm vững kỹ thuật, trồng giống cam sành có năng suất và chất lượng cao. Sản phẩm cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa, lượng xuất khẩu rất ít.
Từ năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã có quy hoạch vùng trồng cam sành tập trung ở huyện Cầu Kè và khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình liên kết trong việc trồng và xúc tiến quảng bá thương hiệu cho sản phẩm cam sành để có thể xuất khẩu được loại trái cây này.
Tuy nhiên đến nay, việc trồng cam sành ở huyện Cầu Kè vẫn chỉ thực hiện được việc nâng cao năng suất và chất lượng. Các nhà vườn vẫn chưa mạnh dạn cùng nhau liên kết sản xuất thành lập hợp tác xã để tạo ưu thế ký kết đầu ra sản phẩm cam sành ổn định.
Bên cạnh đó tại tỉnh Cà Mau, mặc dù cơn bão số 1 không trực tiếp ảnh hưởng, nhưng mưa lớn kết hợp với triểu cường dâng cao đã khiến cho nhiều diện tích dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán năm 2019 bị chìm trong nước.
Theo thống kê ban đầu từ Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, trong 68ha diện tích trồng dưa trên địa bàn xã (trong đó có 21ha diện tích dưa được trồng theo mô hình VietGAP) hiện có 4ha diện tích bị mất trắng, 64ha diện tích còn lại bị thiệt hại từ 50% trở lên.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, Mạc Ngọc Truyền cho biết, bình quân hàng năm, mỗi ha dưa của bà con nơi đây sẽ cho năng suất từ 30 - 40 tấn, thế nhưng, trước tình trạng hiện nay thì năng suất sẽ chỉ còn từ 20 - 25 tấn.
Cùng với các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tại Hà Nội bưởi Diễn năm nay được mùa bày tràn lan nhưng với nhiều mức giá khác nhau. Tại vườn, bưởi diễn đang được chào bán giá rẻ nhất cũng khoảng 40.000 đồng/quả thì trên mạng xã hội và các khu chợ lại được nhiều người rao bán với giá rất rẻ, từ 20.000 – 30.000 đồng/quả.
Bưởi Diễn được trồng ở rất nhiều nơi như Phú Diễn, Đan Phượng, Quốc Oai, Phúc Thọ (của Hà Nội), Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ,… Mỗi một vùng đất lại cho ra những chất lượng quả khác nhau. Tuy nhiên, bưởi Diễn có nguồn gốc ở hai làng Phú Diễn và Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới cho hương vị đúng độ và đặc biệt nhất.
Theo những người trồng ở đây cho biết, giống bưởi diễn bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 11, 12 âm lịch đúng vào dịp cân tết Nguyên Đán, nên được nhiều người dân Hà Nội tìm đến đặt mua để sử dụng và làm quà biếu. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, nên hầu hết các vườn bưởi đều được mùa sai quả, mỗi gốc có thể đạt từ 60 - 70 quả.
Bưởi Diễn có rất nhiều nơi trồng và rao bán với giá bán rẻ hơn nhưng chất lượng không thể so sánh được với bưởi Diễn. Những người sành ăn, họ tìm đến tận vườn để mua bằng được thứ bưởi Diễn được trồng trên chính đất Diễn. Đặc trưng của bưởi trên đất Diễn không nơi nào có được đó là vị bưởi thơm nức phòng dù chỉ để 2 - 3 quả. Không giống như các loại bưởi khác, cây bưởi Diễn càng già quả lại càng nhỏ và vị ngọt càng trở nên đặc biệt, sắc mà thanh. Những cây có tuổi từ 15 đến 20 năm, trái bưởi chỉ còn to nhỉnh hơn trái cam. Bưởi Diễn chính gốc có vị ngọt thơm pha một chút vị đắng, mọng nước, ăn xong vẫn cảm nhận được vị ngọt nơi đầu lưỡi.
Theo những người nông dân trồng bưởi tại phường Minh Khai, bưởi Diễn vốn là thứ quả có giá trị kinh tế cao lại dễ bán nên rất hay bị các đối tượng trộm cắp dòm ngó. Hơn nữa, hầu hết các vườn bưởi được trồng tại phường Minh Khai lại xa khu dân cư, tạo điều kiện cho các đối tượng trộm cắp hoành hành. Trước thực trạng trên, nhiều nông dân trồng bưởi đã phải ngủ lại vườn cả ngày lẫn đêm, tìm đủ biện pháp giữ bưởi đến ngày thu hoạch.
Thế giới
Tại thị trường Trung Quốc, giá ớt tăng mạnh, vượt mức cao nhất trong những năm gần đây bởi nhu cầu ớt là rất lớn và bùng nổ trong mùa đông năm nay. Nguyên nhân giá tăng cao do sản lượng ớt sụt giảm. Mùa vụ năm 2018, tổng sản lượng kém do nhiệt độ cao trong thời gian cây ra trái. Ngoài ra, vào tháng 7/2018, mưa lớn cục bộ ở Tấn Tường, tỉnh Sơn Đông và các vùng thấp ớt đã bị ngập lụt, dẫn đến sản lượng thấp ở Sơn Đông. Trong trường hợp giá ớt khô trong nước tăng cao, ớt mới của Ấn Độ sẽ được thu hoạch và khối lượng nhập khẩu sẽ tăng sau tháng 2/2019, điều này có thể tác động nhất định đến giá ớt tại Trung Quốc.
Trái ngược với trái ớt, nguồn cung xoài ở Hải Nam ổn định. Mùa xoài ở Hải Nam bắt đầu từ một tháng trước và sẽ kéo dài tới tháng 6/2019. Tổng sản lượng xoài ở Hải Nam năm nay ít hơn so với năm trước do điều kiện thời tiết và sản lượng cao trong năm 2017. Về tổng thể thị trường vẫn ổn định trong mùa này. Cây xoài nở hoa thường xuyên do điều kiện thời tiết ổn định. Hoa nở từ đầu tháng 9/2018 tới cuối năm 2018. Điều đó có nghĩa là nguồn cung xoài sẽ không tập trung như năm ngoái mà trải đều hơn. Cũng do điều kiện thời tiết, năm nay hoa nhỏ hơn năm trước, vì vậy sản lượng cũng thấp hơn một chút.
Đối với trái sầu riêng, Malaysia có kế hoạch tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhu cầu sầu riêng trên thị trường Trung Quốc tăng lên nhanh chóng và trái cây này trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Malaysia sang Trung Quốc. Malaysia cũng khuyến khích trồng sầu riêng với quy mô lớn. Tổng khối lượng sầu riêng xuất khẩu của Malaysia dự kiến tăng 50% vào năm 2030.
Sầu riêng của Malaysia trước đây chỉ được sản xuất ở quy mô nhỏ, nhưng các tập đoàn lớn dần tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này, bao gồm cả nhà xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn nhất Malaysia.
Số liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 350 nghìn tấn sầu riêng vào năm ngoái với tổng trị giá đạt 510 triệu USD, tăng 15% so với năm trước đó. Gần 40% khối lượng này được nhập khẩu từ Thái Lan trong khi Malaysia chỉ chiếm 1%. Tổng khối lượng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng từ 14.600 tấn trong năm nay lên 22.061 tấn vào năm 2030.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Vinanet.vn