tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

“Năm nào cục quản lý thị trường cũng phải xử lý khoảng 12.000 vụ hàng giả, hàng nhái”

  • Cập nhật : 14/07/2016
Hàng giả, hàng nhái lâu nay được coi là vấn nạn đối với nền kinh tế. Sau nhiều năm quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái của cục quản lý thị trường thì con số vụ việc hàng giả, hàng nhái bị xử lý dường như không có dấu hiệu thuyển giảm.
ong do thanh lam – pho cuc truong cuc quan ly thi truong

ông Đỗ Thanh Lam – Phó cục trưởng cục Quản lý thị trường

 

Năm 2009, con số 12.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý đã được đưa ra. Sau hơn 6 năm con số 12.000 vụ vi phạm bị xử lý lại được nêu ra trong hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống hàng giả, thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, diễn ra mới đây. Con số làm dấy lên lo ngại về vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành và làm sao để giảm thiểu nó.
Trong buổi hội thảo, ông Đỗ Thanh Lam – Phó cục trưởng cục Quản lý thị trường cho biết: Năm nào cục quản lý thị trường cũng phải xử lý khoảng 12.000 vụ hàng giả, hàng nhái. Đây vẫn đang là vấn nạn gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thị trường Việt Nam.
Ông Lam cho biết: Mặc dù đã có nhiều hành động quyết liệt, đạt được những kết quả nhất định nhưng thực trạng cho thấy rằng việc buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Theo như khảo sát và thực tiễn quản lý, ông Lam cho biết: Việc buôn bán hàng giả, hàng nhái có thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và luôn tục thay đổi. Các mặt hàng bị làm giả, làm nhái thì ngày đa dạng, phong phú hơn, cùng với đó các vi phạm có gia tăng cả về số lượng và quy mô.
“Quy mô làm giả tăng lên đến con số hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng một vụ việc. Không những thế vi phạm không chỉ dừng lại ở các đối tượng nội địa mà còn có tính chất móc nối giữa giữa trong và ngoài nước”, ông Lam lo ngại.
 
Tiểu thương cũng muốn bán hàng thật!
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 
Theo điều tra của công ty Panasonic trong suốt 3 năm thì đa số các cửa hàng nhỏ lẻ ở các địa phương đều có xuất hiện hàng giả nhái nhãn hiệu của hãng này, từ những cục pin tới các mặt hàng đồ gia dụng như máy xay sinh tố, máy sấy tóc, nồi cơm điện,…
Bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện công ty Panasonic cho biết: Nhiều hộ kinh doanh phản ánh, cũng muốn mua hàng thật, chính hãng để bán, nhưng lại không tiếp cận được với nguồn hàng thật, phụ thuộc vào hàng buôn lậu, trốn thuế.
Bà Quyên lấy ví dụ thực tế, có tình trạng hộ kinh doanh gọi tới công ty phản ánh khách hàng mua hàng ở đây, sau đó khi mang hàng về kiểm tra thấy hàng bị lỗi đem đi sửa, tới hãng mới biết không phải hàng thật của Panasonic. Bản thân hộ kinh doanh này nhập sản phẩm từ 2 nhà cung cấp được mà họ cho là phân phối sản phẩm của Panasonic. Tuy nhiên, khi công ty Panasonic xuống để tìm hiểu thì cả 2 nhà cung cấp trên đều không phải là đại lý mà Panasonic phân phối. 
Cùng chung lo ngại trên với bà Quyên, ông Mai Ngọc Thạch, Phó TGĐ Công ty Anh Khuê Sài Gòn, đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối đồng hồ Casio chính hãng cho biết, hàng giả tràn lan trên thị trường dưới rất nhiều kênh khác nhau và đều tồn tại rất ngang nhiên. “Như sản phẩm đồng hồ Casio được bán trên hầu hết các website đều là hàng giả, chỉ có số rất ít bán hàng thật”, ông Thạch nhận định. 
Đơn vị này cũng thừa nhận từ phía người tiêu dùng rất khó tránh tiêu thụ hàng giả. Bởi mức độ tinh vi của sản phẩm giả ngày càng tăng lên và không khác gì sản phẩm thật. “2 đồng hồ chưa dán tem đặt cạnh nhau thì rất khó phân biệt, chỉ những người kinh doanh hoặc từng mua bán đồng hồ mới phân biệt được còn người tiêu dùng không thể phân biệt nổi”, ông Thạch dẫn chứng. Ông cũng cho biết nguồn gốc hàng giả phần lớn tràn từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu phía bắc vào miền bắc và trải đi khắp cả nước. Số điểm kinh doanh hàng giả nhiều nhất là ở thị trường Hà Nội. 
Để phân biệt, đơn vị này khuyến cáo đồng hồ Casio thật có tem chống giả còn đồng hồ giả thì không có tem, đến giờ cái tem chưa phát hiện bị làm giả, vì vậy đồng hồ nào không có tem là làm giả. Tuy nhiên vấn đề là dù doanh nghiệp luôn truyền thông cho người tiêu dùng biết nhưng không phải ai cũng quan tâm tìm hiểu các thông tin này trước khi mua hàng. 
Chia sẻ về những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu, ông Thạch cho biết, hiện không có thống kê cụ thể về thiệt hại của chính doanh nghiệp nhưng hàng năm đơn vị này phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng vài nghìn chiếc đồng hồ giả, nhưng cũng không thể ngăn chặn hết được hàng giả trên thị trường. 
“Hiện chưa có cơ quan chức năng nào ở Việt Nam thống kê được hàng giả ảnh hưởng như thế nào với nền kinh tế, gây thất thu thuế bao nhiêu tiền thuế của nhà nước nhưng sự lan tỏa của hàng giả ngày càng gia tăng trên mọi miền là điều đáng buồn và gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và uy tín thương hiệu”, ông Thạch lo ngại.


NGUYỄN THOAN
Theo Bizlive

Trở về

Bài cùng chuyên mục