Thời đại kỷ nguyên kỹ thuật số lên ngôi, đi kèm với sự phát triển ấy là hàng trăm những thiết bị hiện đại, tân tiến được tạo ra. Hầu như thiết bị thông minh nào cũng đều cần kết nối Internet. Điển hình là chiếc smartphone mà gần như bạn nào cũng đều có ít nhất một cái. Những chiếc di động thông minh ngày nay đều có thể kết nối mạng bằng 2 cách: kết nối từ 3G, 4G hoặc từ Wifi.
Hàng giả, thực phẩm bẩn tấn công thị trường Tết
- Cập nhật : 22/01/2019
Cận Tết nhu cầu thực phẩm tăng cao, các loại thực phẩm bánh kẹo, mứt tết... giả, nhái, không rõ nguồn gốc trà trộn ngày càng nhiều.
Thực phẩm "bẩn" lộng hành tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc cho người tiêu dùng. Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao vào thời điểm giáp tết, không ít đối tượng kinh doanh, sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, rượu đã bất chấp các quy định của pháp luật để đưa ra thị trường những mặt hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện một lượng lớn hàng hóa nhập lậu hàng ngày ồ ạt tuôn vào Việt Nam. Số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin về chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm.
Gần đây nhất, ngày 16/1, theo báo Lao Động đưa tin, Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC05), Công an tỉnh Hải Dương cho biết đang điều tra làm rõ hành vi trộn lưu huỳnh (diêm sinh) vào củ riềng xay nhỏ để bán ra thị trường của cơ sở sản xuất riềng xay của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Linh (SN 1970) và chồng là Nguyễn Văn Khánh (SN 1966), có địa chỉ tại xóm Đồng Neo, thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, Hải Dương.
Vào thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, tại cơ sở này có 500 kg củ riềng; 400 kg củ riềng đã rửa sạch và đang ủ lưu huỳnh; 400 kg riềng thành phẩm đã xay nhỏ và được trộn bột màu vàng.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã năng niêm phong và gửi mẫu đến Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật - Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phân tích để có căn cứ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 14/1/2019, Cục Quản lý thị trường cho biết, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Kim Liên (Đà Nẵng) tiến hành dừng và kiểm tra đột xuất xe tải biển kiểm soát 75C-04473, do ông Phan Văn Sa (SN 1972, trú tại Thừa Thiên Huế) điều khiển lưu thông theo hướng Bắc - Nam.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện ngoài hàng hóa là phế liệu, trên xe còn chứa hơn 600 chai rượu ngoại các loại gồm Chivas Regal 25 (700ml/chai), Rượu Johnnie Walker Red Label (700ml/chai), Captain Morgan Black (750ml/chai), Royal Salute Gift boxes 21 (700ml/chai). Toàn bộ số rượu trên đều không có dán tem nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và tính hợp pháp khi lưu thông.
Ngày 9/1/2019, Đội Quản lý thị trường cơ động số 4 thuộc Cục quản lý thị trường Hải Phòng phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC04- Công an TP Hải Phòng) kiểm tra kho hàng số 226, phố Lê Lai (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) do ông Vũ Văn Đạo thuê của Công ty Cổ phần Vật tư thủy sản Việt Nam.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.000 thùng bia chai, nước ngọt không rõ nguồn gốc mang nhãn hiệu Heiniken, Cocacola và Corona… đều không in ngày sản xuất. Chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số hàng nêu trên. Lực lượng chức năng tiến hành thu giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thị trường bánh kẹo tiếp tục ghi nhận sự xuất hiện loạt sản phẩm tên na ná với thương hiệu nổi tiếng như Custard (nhái Custas), Silaté (giống với Solite), Oseo (nhái Oreo), Damisa (nhái Danisa), Tippo (nhái Tipo)... hoặc các loại vỏ hộp mang mác ngoại nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc.
Ngoài nhái tên sản phẩm, bao bì cũng giống hệt sản phẩm uy tín. Bên trong những hộp bánh này, màu sắc từng chiếc bánh “nhái” cũng y nguyên bánh chính hiệu. Khi ăn thử chiếc bánh, người mua mới phân biệt được bởi không có mùi thơm, không bùi và cứng như các sản phẩm thật.
Theo thông tin được công bố trên website Sở Y tế Hà Nội, năm 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế TP Hà Nội cũng phát hiện và xử phạt 6.859 cơ sở vi phạm về ATTP, với số tiền phạt trên 25 tỷ đồng. Đáng lo ngại, qua lấy mẫu xét nghiệm, có trên 100 mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh, lý hóa; trong đó có 4 mẫu thịt heo, 6 mẫu thịt gà nhiễm khuẩn Salmonella; 6 mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 41 mẫu thủy sản có dư lượng kháng sinh chloramphenicol, ciprofloxacin, thủy ngân, enrofloxacin và 2 mẫu hoa quả vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Theo chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt những sản phẩm sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc,...nếu dùng lâu dài có nguy cơ gây ung thư.
Trước thực trạng thực phẩm "bẩn" liên tục được phát hiện, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán, người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc hàng đầu là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, không có mùi khó chịu. Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào người dùng nên đọc thật kỹ tên món hàng mình định mua và kiểm tra kỹ vỏ hộp tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Đặc biệt, khi phát hiện thực phẩm "bẩn", hàng giả, hàng nhái cần báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, tố giác những địa chỉ sản xuất, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng lậu,... để góp phần làm "sạch" thị trường thực phẩm, bảo vệ an toàn cho chính gia đình mình và người thân.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nặng các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm "bẩn" để tăng sức răn đe. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại đến sức khỏe của thực phẩm bẩn; vận động người dân đứng ra tố cáo, tố giác khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.
Theo Vinanet.vn