Nhu cầu thị trường thép phục hồi, cộng với các biện pháp tự vệ tạm thời giúp doanh nghiệp giữ được nhịp độ sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm.
Thế đối trọng trên thị trường điện máy
- Cập nhật : 09/07/2016
Khách hàng của các siêu thị điện máy ngày càng quan tâm tới chất lượng dịch vụ và những tiện ích đi kèm
Xu hướng co nhỏ diện tích
Năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh số 100 tỷ USD, trong đó ngành hàng điện tử, điện máy khoảng 10 tỷ USD. Thực tế, trên thị trường điện máy đang diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt với hai xu hướng trái ngược. Trong khi, một số DN đi theo hướng đại siêu thị, có DN lại chỉ mở những siêu thị mini.
Đầu tư theo hướng co nhỏ diện tích, các siêu thị điện máy được xây dựng với quy mô nhỏ, không đầu tư nhiều cho hạ tầng lẫn dịch vụ đi kèm, chi phí đầu tư cũng rất khiêm tốn. Đại diện cho xu thế này, phải kể đến hệ thống Điện Máy Xanh.
Theo đó, những năm gần đây thương hiệu này có tốc độ phát triển nhanh chóng mặt, vượt qua nhiều tên tuổi như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Thiên Hòa… Nguyên nhân đầu tiên giúp Điện Máy Xanh có thể nhanh chóng bứt phá, nhờ việc phát triển hệ thống siêu thị quy mô nhỏ, từ đó dễ dàng mở rộng mạng lưới, đồng thời tiết giảm tối ưu chi phí.
Theo đó, trung bình siêu thị của Điện Máy Xanh có diện tích từ 800 - 1.000m2, trong khi diện tích chuẩn của một siêu thị điện máy 4.000 - 5.000m2… Bù lại, phát triển theo xu hướng này giúp cho Điện Máy Xanh dễ dàng có mặt tại nhiều điểm trên địa bàn cả nước. Hiện, DN này đang sở hữu hơn 100 siêu thị, và hết năm 2016 sẽ có khoảng 150 siêu thị. Địa bàn của hệ thống siêu thị mini này chủ yếu tập trung ở khu vực “đô thị cấp 2”, trải rộng ở nhiều địa phương trong cả nước.
Từ những thành công bước đầu của Điện Máy Xanh, xu hướng co nhỏ diện tích đã bắt đầu lan sang một số thương hiệu khác. Trong đó, có thể kể đến các cửa hàng của Media Mart cũng chỉ có diện tích từ 700 - 1.500 m2.
Tại khu vực phía Nam còn có thương hiệu Điện máy Thiên Hòa cũng đang chạy thử nghiệm mô hình cửa hàng nhỏ. Dự kiến, trong năm 2017 Thiên Hòa sẽ nhân rộng ra khoảng 40 cửa hàng…
Tuy phát triển nhanh số lượng, song xu hướng này đã bộc lộ nhiều điểm bất lợi. Bất lợi đầu tiên, do diện tích nhỏ nên các siêu thị không thể đáp ứng được những tiện ích đi kèm như khu vui chơi dành cho trẻ em, khu trải nghiệm sản phẩm, bãi đậu xe…
Đặc biệt, do diện tích nhỏ hẹp nên các siêu thị nằm trong xu thế này thường chỉ tập trung vào những nhóm sản phẩm chủ lực, hàng hóa ít đi sự phong phú, đa dạng.
Mô hình đại siêu thị
Trong khi, một số chủ đầu tư siêu thị điện máy tìm cách co nhỏ diện tích, thì ở chiều ngược lại có những DN đang quyết tâm xây dựng theo hướng mô hình đại siêu thị. Tiêu biểu cho mô hình này đang là hệ thống siêu thị Trần Anh. Thời gian qua, thông tin Trần Anh công bố sẽ liên tiếp mở thêm nhiều đại siêu thị điện máy tại thị trường các tỉnh miền Bắc và miền Trung gây nhiều bất ngờ cho thị trường.
Sắp tới đây, Trần Anh sẽ tiếp tục lấn vào thị trường miền Trung, khi đây là thương hiệu điện máy miền Bắc đầu tiên có mặt tại TP. Đà Nẵng. Dự kiến, đến hết năm 2016 Trần Anh sẽ sở hữu 40 đại siêu thị điện máy trên địa bàn cả nước. Đi theo mô hình đại siêu thị, các trung tâm mua sắm của Trần Anh có diện tích từ 2000m2 đến hơn 5000m2, với nhiều tiện ích đi kèm.
Ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing Hệ thống Điện máy - Máy tính - Điện thoại Trần Anh cho rằng, DN nào muốn tồn tại cũng đều phải đặc biệt quan tâm tới bài toán kiểm soát chi phí, tối ưu hiệu quả trên từng điểm bán.
Tuy nhiên, Trần Anh giải bài toán này không phải bằng cách co nhỏ diện tích mặt bằng đến mức khiến khách hàng cảm thấy bí bách, không thuận tiện khi mua sắm. Thay vào đó, họ sẽ tối ưu chi phí bằng mô hình tổ chức, bằng tối ưu hiệu quả tồn kho, bằng sự hài lòng của khách hàng và chính sách thúc đẩy nhân viên…
Vậy, nguyên nhân nào khiến Trần Anh hay một số chủ đầu tư khác đi ngược lại với xu thế co nhỏ của các siêu thị để dễ dàng bứt phá, đặc biệt, trong bối cảnh việc huy động tài chính để mở các siêu thị lớn không phải là chuyện dễ. Theo nhiều chuyên gia thì hướng đi của Trần Anh không khó giải thích. Bởi, chiến lược cạnh tranh của mỗi DN thường dựa trên thế mạnh của mình.
Theo đó, ưu thế của Trần Anh, so với một số “đối thủ” khác là dựa trên sức mạnh về vốn, bề dày kinh nghiệm quản trị khi kết hợp với thương hiệu điện máy Nojima của Nhật Bản. Đây là một trong những “ông lớn” trong hệ thống siêu thị điện máy ở đất nước mặt trời mọc, khi Nojima có 60 năm trong nghề cùng hơn 600 siêu thị điện máy tại Nhật Bản.
Trong thực tế, kể từ khi hợp tác với Nojima, Trần Anh đã có những nước đi bài bản, nhanh chóng có mặt tại những đô thị lớn tại miền Bắc và sắp tới đây là tại miền Trung. Phát triển các đại siêu thị ở những đô thị lớn, có thể là bước đi khôn ngoan, bởi thực tế những vị trí đắc địa xây dựng siêu thị tại những thành phố lớn không phải nhiều. Sau khi, có được những “ví trí vàng”, thì việc phát triển hệ thống siêu thị “chân rết” sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Trái ngược với xu thế co nhỏ, siêu thị mini… với mô hình đại siêu thị có diện tích lớn sẽ cung cấp nhiều dịch vụ cũng như tiện ích đi kèm khu vui chơi dành cho trẻ em, khu vực trải nghiệm sản phẩm, bãi đậu xe rộng rãi.
Trong thực tế, hiện khách hàng ngày càng quan tâm tới chất lượng dịch vụ và các tiện ích đi kèm. Đặc biệt, ở mô hình đại siêu thị có nhiều không gian để giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng hoá hơn...
Việc thành công của xu hướng co nhỏ diện tích, hay sự “lên ngôi” mô hình đại siêu thị, thời gian sẽ chứng minh. Song, trước mắt sự cạnh tranh của hai xu thế đối lập này đã và đang tạo nên bức tranh sôi động hơn cho thị trường điện máy trong nước.
Bài và ảnh Nghi Lộc - Duy Mến
(Thời báo Ngân hàng)