tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thép Trung Quốc thách thức Âu, Mỹ

  • Cập nhật : 13/12/2015

(Thi truong)

Trong năm nay, tỷ trọng xuất khẩu thép của Trung Quốc đã đạt 100 triệu tấn. Việc xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng vọt đang đẩy ngành thép ở châu Âu và Mỹ đối mặt với khủng hoảng, trong bối cảnh các nhà sản xuất thép ở hai bờ Đại Tây Dương vẫn đang chật vật phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trung Quốc bán phá giá?

Charles de Lusignan, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer) cho rằng, thép của Trung Quốc tại châu Âu có giá thấp đáng ngạc nhiên và trên thực tế, giá này không đủ để bù đắp chi phí nguyên liệu thô và quá trình chuyển đổi nguyên liệu. Aditya Mittal, Giám đốc điều hành tập đoàn khai khoáng và sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal tuyên bố, mức giá thấp của mặt hàng thép xuất khẩu của Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các đối thủ trên thị trường quốc tế. Các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu và hạ giá thành sản phẩm thép là hệ quả của tình trạng dư thừa sản xuất trong nước.

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% sản lượng thép toàn cầu. Hoạt động sản xuất của các nhà máy thép ở nước này hiện đang vượt quá so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước. Do tiêu thụ nội địa giảm sút, nên nhiều doanh nghiệp thép Trung Quốc đã chuyển hướng sang đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Số liệu của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, trong tháng 9 vừa qua, xuất khẩu các sản phẩm thép của Trung Quốc đạt 83,11 triệu tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lượng thép nhập khẩu là 9,73 triệu tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện, Trung Quốc dư thừa 340 triệu tấn thép, cao gấp 2 lần so với số thép mà các nước Liên minh châu Âu (EU) sản xuất trong một năm. Theo Eurofer, thép Trung Quốc xuất khẩu sang EU năm ngoái lên con số 4,5 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm trước đó và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng với tốc độ này trong năm nay. Thomas J. Gibson, người đứng đầu Viện Thép và sắt Mỹ, hiệp hội của các nhà sản xuất Mỹ cho hay, ngành thép của nền kinh tế số một thế giới đang trong tình trạng tuyệt vọng khi nhập khẩu tăng mạnh và các cơ sở sản xuất trong nước trì trệ.

Loay hoay tìm cách đối phó

Các nhà sản xuất thép ở EU và Mỹ đã yêu cầu Chính phủ có biện pháp cụ thể để chấm dứt tình trạng này, giảm thiểu những tác động tiêu cực, cũng như tìm kiếm sự trợ giúp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Mặc dù chia sẻ nhận thức chung không chấp nhận việc Trung Quốc phá giá thép, nhưng lãnh đạo các nước lại bất đồng về các biện pháp ngăn chặn. Trong cuộc họp đầu tháng 11 vừa qua, các Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp của EU đã không đạt được sự nhất trí tại cuộc họp ngày 9.11 về các biện pháp khẩn cấp mà các nhà sản xuất thép đề nghị nhằm ngăn chặn tình trạng “lụt” thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, khiến cho khoảng 5.000 việc làm ở châu Âu bị mất trong ba tháng qua.

Những người đứng đầu trong ngành thép châu Âu kêu gọi Ủy ban châu Âu giảm bớt thời gian cần thiết trước khi áp thuế, khôi phục hệ thống quản lý giá và khối lượng thép nhập khẩu. Theo Robrecht Himpe, Chủ tịch Eurofer và cũng là Giám đốc phụ trách công nghệ của ArcelorMittal, EU mất hơn một năm trước khi áp các mức thuế, vì vậy tự đặt mình vào thế tụt hậu trong một thị trường luôn có những thay đổi nhanh chóng.

Các quan chức ngành thép châu Âu và Mỹ cũng đang tiến hành vận động hành lang tại WTO để ngăn cản việc trao cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường, công cụ cho phép các công ty nước này quyền tự vệ trong các vụ kiện chống bán phá giá.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục