Tổ chức đường Thế giới (ISO) dự báo việc sử dụng đường toàn cầu tăng 1,7%, cao hơn mức tăng 1,41% trong niên vụ 2016-2017 và thấp hơn mức tăng 1,9% trong niên vụ 2015-2016.
OPEC và nhiệm vụ bất khả thi
- Cập nhật : 26/07/2017
OPEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tìm cách duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 8 tháng nữa.
OPEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tìm cách duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 8 tháng nữa, các nhà phân tích đã cho biết như vậy khi các bộ trưởng dầu mỏ gặp nhau tại St Petersburg để thảo luận về việc này.
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù các nhà sản xuất đã tuân thủ khá tốt thỏa thuận so với trước đây, nhưng trong thời gian tới, thỏa thuận sẽ gặp nhiều trở ngại.
Victor Shum, người đứng đầu thị trường dầu và thực hành năng lượng hạ nguồn ở châu Á của IHS Markit nói rằng: "Các nhà sản xuất dầu sẽ cố gắng tuân thủ thỏa thuận trên, nhưng tôi nghĩ rằng mức độ tuân thủ sẽ giảm so với những gì đã diễn ra trong nửa đầu năm nay."
"Có vẻ như OPEC thực sự đối mặt với một sứ mệnh không thể thực hiện được trong thời điểm này, đó là cố gắng thắt chặt thị trường dầu mỏ và duy trì giá dầu", ông nói với CNBC Châu Á hôm thứ Hai.
OPEC nhìn chung đã lạc quan về thoả thuận này nhưng thừa nhận trong một tuyên bố rằng một số thành viên đã không hoàn thành phần cam kết cắt giảm của mình. OPEC cho biết họ đã "thảo luận nghiêm túc" với các nước trên.
Các nước xuất khẩu dầu trong và ngoài OPEC bao gồm cả Nga đang cố gắng giảm lượng dầu thô tồn trên toàn cầu bằng cách duy trì việc cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường cho đến tháng 3 năm sau. Hôm thứ Hai, các bộ trưởng đã không thảo luận về việc cắt giảm sản lượng sâu hơn, điều mà một số nhà phân tích nói là cần thiết, nhưng các nước thành viên của OPEC đã đề ra các biện pháp khác để cải thiện thị trường dầu.
Giá dầu tăng vào hôm thứ Hai sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu ở mức 6,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8, giảm khoảng 1 triệu thùng so với xuất khẩu vào năm ngoái. Nigeria, một trong hai thành viên của OPEC đã được miễn tham gia thỏa thuận, đồng ý không tăng sản lượng sau khi sản lượng ổn định ở mức 1,8 triệu thùng/ngày, OPEC cho biết.
Mặc dù thoả thuận này ban đầu đã đẩy giá dầu trên 50 USD/thùng, nhưng sau đó giá dầu đã giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng trên. Sự gia tăng sản lượng khai thác từ các mỏ dầu đá phiến của Mỹ, sự phục hồi nhanh chóng của hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Libya và Nigeria làm cho OPEC khó giảm tồn kho dầu toàn cầu.
Tuần trước, thành viên Ecuador của OPEC đã nói rằng họ sẽ bắt đầu tăng sản lượng để giảm thâm hụt ngân sách.
Tăng (màu xanh)/ giảm (màu đỏ) sản lượng (nghìn thùng/ngày) của các thành viên OPEC trong tháng 6. Ảnh:CNBC
Ông Greg Priddy, giám đốc năng lượng và tài nguyên toàn cầu của tập đoàn Eurasia, chắc chắn rằng sản lượng của Ecuador là "không đáng kể". Ông cũng cho rằng nhiều thành viên khác cũng sẽ bắt đầu gian lận, và nói rằng điều này là không có gì ngạc nhiên khi thỏa thuận được kéo dài.
Ông nói OPEC nhiều khả năng sẽ không đồng ý cắt giảm sản lượng sâu hơn vì một mặt điều này có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao, nhưng giá dầu cao hơn cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng sản lượng dầu của Mỹ.
Mặt khác, ông Helima Croft, người đứng đầu toàn cầu về chiến lược hàng hóa của RBC Capital Markets, cho rằng OPEC sẽ khó mà khiến Libya và Nigeria tuân thủ thỏa thuận, do bất ổn chính trị "hai nước này luôn muốn khai thác tới giọt dầu cuối cùng".
Vì vậy, mọi chuyện sẽ phải trông chờ vào những nỗ lực của Arab Saudi, khi nước này cũng đẩy giá dầu lên để tạo điều kiện thuận lợi cho đợt IPO công ty dầu Saudi Aramco vào năm tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu WTI giao tháng 9 tăng 57 xu, tương đương 1,3%, chốt ở mức 46,34 USD/thùng trên sàn New York Mercantile Exchange. Giá dầu Brent giao tháng 9 trên sàn ICE Futures của London tăng 54 xu, tương đương 1,1%, lên mức 48,60 USD/thùng.
Mạnh Đức
Theo Nhpcaudautu.vn