Giá dầu thế giới quay đầu giảm khá mạnh trở lại trong phiên giao dịch sáng nay (19/2/2016 - giờ Việt Nam) sau thông tin dự trữ dầu tại Mỹ tăng cao kỷ lục càng làm dấy lên nỗi lo dư thừa cung. Hiện giá dầu WTI giao tháng 3 đã giảm về 30,46 USD/bbl; dầu Brent giao tháng 4 cũng rơi xuống 33,87 USD/bbl.
Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 18-02-2016
- Cập nhật : 18/02/2016
Giá vàng hồi phục sau biên bản họp Fed
Giá vàng phiên 17/2 hồi phục sau khi biên bản họp Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét thay đổi lộ trình nâng lãi suất năm 2016.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng phần nào chững lại khi thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.
Lúc 14h48 giờ New York (2h48 sáng ngày 18/2 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.207,46 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 4/2016 trên sàn Comex tăng 3,2 USD, tương ứng 0,3%, lên 1.211,4 USD/ounce.
Theo Biên bản họp Fed ngày 26-27/1, “nếu việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu tiếp tục diễn ra, đây có thể là yếu tố ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ”.
Một số nhà kinh tế học tin rằng, Fed sẽ không thể nâng lãi suất cho đến cuối năm nay và thậm chí Ngân hàng trung ương Mỹ chỉ có thể nâng lãi suất 2 lần trong năm nay.
Đồn đoán Fed sẽ duy trì lãi suất hiện tại trong thời gian lâu hơn dự kiến đã làm tăng tính hấp dẫn của vàng. Thậm chí những ngày gần đây, thị trường còn đồn đoán rằng Fed có thể sử dụng lãi suất âm để kích thích kinh tế sau khi Chủ tịch Fed Janet Yellen tuần trước cho biết, đây cũng là một lựa chọn.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 15,3 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,5% lên 940,74 USD/ounce và giá palladium tăng 1,2% lên 511 USD/ounce.
Goldman Sachs: Bán vàng đi!
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ giảm xuống còn 1.000 USD/ounce trong 12 tháng tới.
Theo Goldman Sachs Group Inc, đã đến lúc nhà đầu tư nên bán vàng vì mức giá cao nhất 1 năm hiện nay của vàng là không hợp lý.
Các nhà phân tích, trong đó có Jeffrey Currie và Max Layton viết trong báo cáo ngày 15/2/2016 rằng: giá vàng sẽ giảm còn 1.100 USD/ounce trong 3 tháng và xuống mức 1.000 USD/ounce trong 12 tháng tới.
Goldman Sachs trích dẫn câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Franklin D. Roosevelt: "Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ”. Đây là lời phát biểu của ông Roosevelt trong lễ nhậm chức năm 1933, cũng là lúc nền kinh tế Mỹ đang bị tàn phá bởi cuộc Đại khủng hoảng. Ngân hàng này cho rằng: "Đã đến lúc bán đi thước đo của sự sợ hãi" và đề nghị bán vàng.
Tuần trước, giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2015, sau khi thị trường chứng khoán giảm, giá dầu suy yếu và Mỹ tăng lãi suất cho vay. Giá vàng tiếp tục tăng khi ngày càng nhiều nước áp dụng chính sách lãi suất âm và người ta lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng tại châu Âu. Goldman Sachs vẫn dự báo lãi suất sẽ tăng, khả năng Mỹ rơi vào suy thoái là 15-20% nhưng chắc chắn là sẽ không có khủng hoảng.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, "những mối lo mới, cũng giống như nỗi sợ hãi trong quá khứ đều không hợp lý. Rủi ro hệ thống bắt nguồn từ việc giá dầu và hàng hoá giảm là rất nhỏ."
Ngày 11/2/2016, giá vàng đạt 1.263,48 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 2/2015.
Giá dầu lên cao nhất 2 tuần sau bình luận của Iran
Giá dầu phiên 17/2 tăng sau khi Iran gọi thỏa thuận giữa Arab Saudi, Nga, Venezuela và Qatar là “bước đi đầu tiên” trong việc ổn định thị trường dầu mỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,62 USD, tương ứng 5,6%, lên 30,66 USD/thùng, cao nhất kể từ 5/2.
Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 2,32 USD, tương đương 7,2%, lên 34,50 USD/thùng, cao nhất 2 tuần qua.
Giá dầu tăng sau bình luận của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran rằng “đây là bước đi đầu tiên và cần thêm nhiều hành động tiếp theo. Nhưng sự khởi đầu hợp tác giwã OPEC và các nước ngoại Khối trong việc ổn định thị trường là lý do để lạc quan và chúng tôi [Iran] ủng hộ mọi hành động giúp ổn định thị trường và hồi phục giá dầu”.
Tuy nhiên, Iran không cam kết sẽ thực hiện yêu cầu của các nước thành viên OPEC trong việc hạn chế sản lượng để hỗ trợ giá dầu, làm tăng hoài nghi về việc liệu các nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới có thể thực hiện thỏa thuận sơ bộ về việc đóng băng sản lượng hay không.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng kể cả khi tất cả các nước sản xuất dầu mỏ đồng ý đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016, thế giới vẫn thừa 300 triệu thùng/năm. Sản lượng dầu thô của Nga trong tháng 1/2016 đạt 10,88 triệu thùng/ngày trong khi của Arab Saudi là 10,23 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng giá dầu sẽ chưa hồi phục cho đến khi lượng dầu lưu kho ngừng tăng. Và điều này chưa thể xảy ra cho đến nửa cuối năm nay. Thậm chí nếu OPEC và Nga đồng ý cắt giảm sản lượng, đây lại là cơ hội để các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ “vào cuộc”.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Tư cho biết, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 12/2 giảm 3,3 triệu thùng, dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2 triệu thùng trong khi đó nguồn cung xăng tăng 750.000 thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ vào thứ Năm 18/2. Theo dự đoán của các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal, lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua tăng 3,1 triệu thùng.