Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu cho tới cuối năm nay, nhưng mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với nhu cầu dầu thế giới đang lờ mờ hiện ra trong năm 2019.
Cơn hỗn loạn của thị trường hàng hóa thế giới
- Cập nhật : 22/08/2018
Tuần trước, thị trường hàng hóa liên tiếp hứng đòn, giá đường và cà phê chạm đáy 10 năm. Một số thương lái dự báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy đến với đường khiến giới đầu tư đua nhau rời bỏ thị trường này để tìm đến những tài sản an toàn hơn.
Chốt phiên cuối tuần trước, giá đường giao tháng 10 xuống thấp nhất kể từ tháng 6/2008 ở 10.18 UScent/pound. Giá cà phê giao tháng 9 cũng rơi về 1.012 USD/pound, mức thấp nhất kể từ năm 2006. Giá một số hàng hóa nông sản khác, như bông, cũng giảm trong tuần trước.
Kết quả, chỉ số theo dõi hàng hóa nông sản của Bloomberg xuống thấp kỷ lục vào cuối tuần trước.
Nông sản rớt giá vì nguồn cung tại các nước sản xuất lớn đang dư thừa kỷ lục, trong đó, đường có thể là mặt hàng “khổ nhất", giới thương lái cho biết. Giá mặt hàng này đã giảm hơn 30% và là mặt hàng có sự thể hiện tệ nhất tính đến hiện tại.
“Nhu cầu suy yếu, nguồn cung dư thừa, hoa màu bội thu trên khắp thế giới. Chẳng có yếu tố tích cực nào vào thời điểm hiện tại, ngoại trừ sự thật là đường ngày càng rẻ”, Chủ tịch Mike Seery của Công ty tư vấn Seery Futures cho biết.
Giới đầu tư cũng bán tháo từ dầu thô cho tới đồng, vàng, giữa cơn khủng hoảng tiền tệ của thị trường mới nổi và những lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kết quả, nhiều nhà đầu tư chuyển tiền vào những tài sản ít rủi ro hơn như chứng khoán Mỹ, trái phiếu chính phủ và USD, giới phân tích cho hay. Chỉ số WSJ Dollar Index, theo dõi biến động của đồng bạc xanh và rổ tiền tệ chủ chốt, tăng 2% trong một tháng qua.
USD tăng giá sẽ khiến các mặt hàng được định giá bằng USD kém hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư nhưng lại kích thích các quốc gia sản xuất hàng hóa đẩy mạnh xuất khẩu để hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.
Trong vài ngày gần đây, một loạt đồng tiền, dẫn đầu là đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đều suy yếu so với USD. “Đà lao dốc của lira tạo ra một cơn bão hoàn hảo đối với thị trường tiền tệ của nhóm quốc gia mới nổi”, chuyên gia tư vấn quản lý rủi ro Julio Sera tại Công ty INTL FCStone cho biết.
Đáng lưu ý nhất với giới giao dịch hàng hóa nông sản là đồng real của Brazil, nước sản xuất cà phê và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, đã giảm hơn 1% so với USD trong tuần trước và giảm hơn 15% kể từ đầu năm. Một số đồng tiền của khối thị trường mới nổi khác, như Ấn Độ (một trong những nước sản xuất đường lớn), cũng đang trên xu hướng giảm. Ngoài ra, khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ có thể kéo giảm nhu cầu tiêu thụ tại các nước nhập khẩu bông lớn.
Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ cho biết, các quỹ đầu tư tuần trước tăng đặt cược vào khả năng giá đường và cà phê sẽ giảm trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn cung hai mặt hàng này đều tăng. Hiện tại, nông dân Brazil đang thu hoạch cà phê với dự báo sản lượng thu về đạt kỷ lục. Các nhà sản xuất tại Ấn Độ cũng dự kiến trồng và xuất khẩu nhiều đường hơn.
Đường sẽ 'đắng'?
Giá đường có thể giảm 8 UScent/pound nếu tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu, theo dự đoán của chuyên gia Nick Gentile tại NickJen Capital Management. “Điều đáng sợ là khối lượng giao dịch tại Brazil vẫn đang ở mức khá ổn dù giá thấp, đồng nghĩa là vẫn có những người sẵn sàng bán hàng ra”, ông Gentile nói.
Trong khi đó, khối lượng đường xuất khẩu của Brazil dự báo xuống thấp nhất 10 năm do các bạn hàng tiềm năng tạm thời ngừng mua để đợi giá xuống thấp hơn. Số liệu từ Bộ Thương mại nước này cho biết xuất khẩu đường 7 tháng đầu năm nay giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Đường quốc tế dự báo thặng dư đường năm 2018 sẽ đạt kỷ lục. Theo giới phân tích, nhu cầu tiêu thụ đường giảm một phần vì lo ngại những tác động về mặt sức khỏe, và điều này khiến việc giải phóng lượng đường dư thừa gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: Phan Vũ/ Người đồng hành, Bloomberg, Wall Street Journal