Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016, với lượng xuất 7.632 tấn, trị giá 15.188.574 USD, chiếm 30% tổng trị giá xuất khẩu.
Cơ hội xuất khẩu sang Myanmar
- Cập nhật : 04/03/2016
(Tin kinh te)
Năm 2015, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar đạt trên 378,5 triệu USD. Mặc dù thương mại song phương Việt Nam – Myanmar thấp hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng Myanmar vẫn được xác định là thị trường “vàng” cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), Myanmar là một trong những thị trường ở khu vực ASEAN đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Khảo sát mới nhất của ITPC về nhu cầu, thị hiếu mua sắm của người dân Myanmar cho thấy, người Myanmar ưu tiên mua sắm những mặt hàng sử dụng trong gia đình.
Họ chú ý đến giá cả trước, mà ít chủ động tiếp cận sản phẩm nếu không được giới thiệu, mời chào. Khi ưng ý sản phẩm nào, thì mức độ lan truyền thông tin sản phẩm rất nhanh. Bán hàng có khuyến mãi hoặc rút thăm trúng thưởng sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Những DN Việt đang có hàng trong hệ thống phân phối, bán lẻ tại Myanmar (Nhựa Đại Đồng Tiến, Rạng Đông, Sài Gòn, nhôm Kim Hằng…) nhận thấy, đồ dùng nhà bếp được người Myanmar ưu tiên mua sắm. Họ thích các sản phẩm mới lạ, nhiều công dụng.
Tại các siêu thị ở Yangon và Mandalay, đồ dùng nhà bếp do DN Việt Nam xuất khẩu (nhãn hiệu Kangaroo, Happy Cook) được chú ý. Tập đoàn Kangoroo đã lập văn phòng đại diện tại Yangon để đảm bảo tiếp cận nhanh chóng thị trường này. Các bà nội trợ Myanmar thích đồ nhựa dùng trong nhà bếp và dụng cụ vệ sinh nhà cửa.
Sản phẩm nhựa Việt Nam của Đại Đồng Tiến (đồ nhựa gia dụng), Nhựa Phước Thành (thùng đá, bàn ghế nhựa, ống đũa, hộp giấy…). Nhựa Sài Gòn (thùng, rổ nhựa, pallet nhựa… dùng chứa hàng nông, thủy sản), Nhựa Rạng Đông (tôn nhựa phục vụ xây dựng nhà xưởng) có doanh số bán tốt.
Các nhóm hàng thiết bị điện, điện tử, văn phòng phẩm cũng được tiêu thụ mạnh tại Myanmar. Là nước đang phát triển, nên nhu cầu sử dụng điện cao, lưới điện quốc gia đang hoàn thiện, người dân Myanmar rất cần ổn áp để đảm bảo nguồn điện sinh hoạt gia đình ổn định.
Những sản phẩm điện (ổ cắm, công tắc các loại, bóng đèn tiết kiệm điện, đèn led) được chú ý nhiều. Hàng điện của Việt Nam như Điện Quang, Cadivi, Cáp Thịnh Phát, Lioa (nhãn hiệu Standa)… đã quen thuộc với người dân Myanmar.
Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang thâm nhập thị trường Myanmar từ năm 1999, là một trong những DN đầu tiên đưa hàng hóa sang Myanmar, tăng trưởng ở thị trường Myanmar của DN này khoảng 10% - 15%/năm. Nhà phân phối của Điện Quang có hệ thống bán lẻ trên toàn Myanmar.
Vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất, sản phẩm phục vụ nông nghiệp cũng là những ngành hàng có sức tiêu thụ tốt tại Myanmar. Người dân Myanmar hầu như ở nhà chung cư.
Hiện nay, nhiều chung cư mới được xây dựng cao cấp, trang bị hiện đại, kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng và sản phẩm trang trí nội thất tăng nhanh. DN Việt Nam như Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA cung cấp hàng trang trí nội thất cao cấp do trúng thầu một số công trình lớn ở Myanmar. Tập đoàn Hòa Phát vào thị trường hàng nội thất Myanmar từ năm 2009, bán hàng cho công trình, dự án. Công ty TNHH Thương mại Thủy khí điện RT đang tiếp cận những người kinh doanh bán lẻ tôn, sắt thép, các nhà xây dựng thương mại nội địa.
Myanmar có đất nông nghiệp rộng lớn, canh tác truyền thống. Vì vậy, DN Việt Nam như Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty cổ phần Điện Bàn (thuốc bảo vệ thực vật), Công ty TNHH Vi Dan (phân bón vi sinh), Công ty TNHH SX - TM Thiên Phước (lưới nông nghiệp)… xem thị trường Myanmar là thị trường tiêu thụ phù hợp nhất với sản phẩm của mình.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2016, trong chương trình tiếp cận thị trường Myanmar, sẽ phối hợp Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đưa các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, giới thiệu các sản phẩm mới, kỹ thuật mới để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao đến với nông dân và DN Myanmar. Ngoài ra, các loại thực phẩm, bánh kẹo, cà phê, sữa… Việt Nam cũng tiêu thụ tốt tại Myanmar.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh nhận định, người Myanmar cảm tình với hàng Việt Nam. Thị trường Myanmar còn dư địa để hàng Việt thâm nhập, với nhiều phân khúc khác nhau. Khi DN nắm rõ chính sách thuế, hải quan, văn hóa tiêu dùng tại Myanmar sẽ tiếp cận đối tác phù hợp, nhanh chóng.
Cụ thể, người dân Myanmar hầu hết ăn sáng tại nhà, mang cơm trưa đến nơi làm việc. Ở TP. Yangon, xe máy bị cấm lưu thông, mọi người đi bộ, xe ôtô riêng hoặc phương tiện vận chuyển công cộng (taxi, xe buýt) đến nơi làm việc...
Thanh Trà
(Thời báo Ngân hàng)