Hiện tượng thời tiết bất thường El Nino gây hỗn loạn đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, nhiều người tin giá nông sản thế giới sẽ tăng mạnh nay mai.
Tổng hợp thị trường lúa gạo quý III và dự báo
- Cập nhật : 29/10/2015
(Tin kinh te)
Quý III là giai đoạn khó khăn của thị trường lúa gạo thế giới, khi nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu nhập khẩu yếu, gây áp lực giảm giá. Triển vọng thị trường sẽ khởi sắc vào quý IV, khi một số nước nhập khẩu quay trở lại mua trong bối cảnh El Nino gây khô hạn và nguy cơ sụt giảm sản lượng.
I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
Thị trường xuất khẩu gạo châu Á cạnh tranh khắc nghiệt trong năm nay. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm kể từ đầu năm 2015 do nguồn cung tăng mạnh mà nhu cầu suy yếu, trong bối cảnh phải cạnh tranh khó khăn với các nước láng giềng Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia và Myanmar.
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm khoảng 2% trong tháng 9, với Chỉ số giá gạo trắng (WRI) theo tính toán của Oryza – mức trung bình giá gạo trắng xuất khẩu trên toàn cầu giảm xuống 387 USD/tấn trong phiên 23/9, thấp hơn khoảng 1,5% (-6 USD/tấn) so với một tháng trước đó, thấp hơn khoảng 4% (-17%) so với 3 tháng trước đó và thấp hơn 83 USD/tấn so với một năm trước đó.
Thị trường gạo cũng đang trong tinh trạng bất ổn chung như hầu hết các thị trường hàng hóa khác, song có một nguyên nhân riêng là khách hàng yêu cầu hạ giá bán khi đồng nội tệ trượt giá.
Baht đã mất khoảng 10% giá trị so với USD kể từ tháng 4 tới nay. Từ mức cao điểm của năm nay là 32,33 THB/USD hồi tháng 4 xuống 36,25 THB/USD hôm 24/9. Baht mất giá khiến cho giá gạo tính theo đồng baht cũng giảm theo, giảm khoảng 6% từ đầu năm tới nay nếu tính theo đồng baht, nhưng nếu tính theo USD thì giảm tới gần 14%. Tình huống của các nước xuất khẩu gạo khác trong khu vực, như Việt Nam, cũng tương tự như của Thái Lan. Tiền đồng của Việt Nam (VND) giảm 6,7% so với USD từ mức cao nhất năm nay – đầu tháng 2 – xuống 22.534 VND/USD hôm 27/8. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 12,9% từ đầu năm tới nay tính theo USD, xuống 335 USD/tấn, nhưng nếu tính theo nội tệ thì chỉ giảm 8,2%.
Với triển vọng USD sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là so với tiền tệ của những nền kinh tế mới nổi, khách hàng sẽ còn cơ hội để gia tăng sức ép hơn nữa lên các nhà xuất khẩu gạo để đòi giá giảm thêm.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức khoảng 345 USD/tấn giảm khoảng 20 USD/tấn so với một tháng trước, giảm khoảng 52 USD/tấn so với 3 tháng trước và giảm khoảng 90 USD/tấn so với một năm trước. Vào khoảng giữa tháng 7, giá gạo Thái Lan tăng khá mạnh bởi lo ngại thời tiết khô hạn sẽ làm giảm mạnh sản lượng. Nỗi lo này vẫn đang hiện hữu, song nhu cầu quá yếu khiến giá sau đó liên tục giảm mạnh.
Giá gạo cùng loại của Việt Nam hiện ở mức 335 USD/tấn, ổn định so với một tháng trước nhưng giảm khoảng 12 USD/tấn so với 3 tháng trước và giảm khoảng 95 USD/tấn so với một năm trước. Trong tháng 9 có lúc giá xuống mức thấp nhất kể từ 14/7/2007 là 327 USD/tấn.
Gạo cùng loại của Ấn Độ giá hiện khoảng 360 USD/tấn, giảm khoảng 10 USD/tấn so với một tháng trước, giảm khoảng 30 USD/tấn so với một tháng trước và giảm khoảng 80 USD/tấn so với một năm trước. Gạo các xuất xứ khác như Pakistan, Campuchia… cũng theo xu hướng giảm chung ở các thị trường xuất khẩu.
Trái với các thị trường xuất khẩu, giá gạo tại các thị trường nhập khẩu có chiều hướng nóng lên. Tại Indonesia, giá gạo liên tục tăng từ tháng 4 năm nay do lo ngại sản lượng giảm vì điều kiện thời tiết khô hạn, ảnh hưởng của El Nino. Hiện giá gạo tại Indonesia cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Tháng 8, giá gạo bình quân đạt 10,14 triệu rupiah/tấn (740 USD), tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines mở thầu mua 750.000 tấn gạo đang là một trong những dấu hiệu cho thấy giai đoạn khó khăn nhất trong năm nay của thị trường lúa gạo có thể đã qua, và nhu cầu có thể sẽ hồi phục dần từ nay tới cuối năm, kéo giá tăng lên. Thị trường lúa gạo đang đón thêm những tin vui khác: Trung Quốc quay trở lại mua gạo Việt Nam sau khi giảm mạnh lượng mua vào trong tháng 8; Indonesia có thể cũng sắp phải mua vào, với khối lượng trước mắt ước khoảng 500.000 tấn, và có thể tăng lên tổng cộng 1,5 triệu tấn; Nigeria khả năng cũng sẽ bắt đầu mua gạo từ tháng 11 tới….
Hình 1: Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của một số quốc gia châu Á
Nguồn: Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC tổng hợp từ Reuters
Việc Trung Quốc phá giá nội tệ không trực tiếp ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bằng chứng là xuất khẩu sang thị trường này đã tăng lên trong tháng 9, và giá xuất khẩu gạo Việt cũng đang tăng. Tuy nhiên, biến động trên thị trường tiền tệ thế giới đang tác động tới giá cả và sức cạnh tranh của mặt hàng này. Tiền tệ châu Á giảm giá so với USD ở những mức độ khác nhau khiến cho gạo Việt Nam mất dần sức cạnh tranh về giá so với các đối thủ khác.
Trên thị trường trong nước, sau khi tăng nhẹ vào tháng 8 khi xuất khẩu qua biên giới sang Campuchia suôn sẻ đẩy giá tăng lên, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL giảm nhẹ trở lại trong tháng 9, và không có nhiều biến động kể cả sau thông tin thắng thầu cung cấp gạo cho Philippines. Tính chung trong quý III, giá gạo nội địa gần như không thay đổi.
Loại lúa, gạo | 23/7/2015 | 22/8/2015 | 23/9/2015 |
Lúa khô tại kho loại thường | 4.900– 5.000 | 5.150 - 5.250 | 4.900– 5.000 |
Lúa dài | 5.150 – 5.250 | 5.150 - 5.250 | 5.200 – 5.300 |
Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm | 6.350 – 6.450 | 6.500 - 6.600 | 6.250 – 6.350 |
Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm | 6.050 – 6.150 | 6.200 – 6.300 | 6.100 – 6.200 |
Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn | 7.200 – 7.300 | 7.200 - 7.300 | 7.100 – 7.200 |
Gạo 15% tấm | 7.000 – 7.100 | 6.950 – 7.050 | 6.800 – 6.900 |
Gạo 25% tấm | 6.800 – 6.900 | 6.800 – 6.900 | 6.700 – 6.800 |
Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)
II. CUNG – CẦU
Nguồn cung lúa gạo tại châu Á – vựa lúa thế giới – dồi dào khi tồn trữ của chính phủ Thái Lan và Ấn Độ dù giảm song vẫn còn ở mức rất cao và các nước xuất khẩu lớn khác cũng dư dả nguồn cung. Trong khi đó, nhu cầu yếu trong suốt quý bởi không có hợp đồng nào lớn, và một số khách hàng có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm nữa rồi mới mua vào. Các nước nhập khẩu truyền thống tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu sản xuất đủ gạo bằng các sách hỗ trợ tích cực và thiết thực, bảo vệ diện tích trồng lúa, giảm hậu quả của hạn hán.
Tuy nhiên, thời tiết bất thường đã xảy ra ở nhiều nơi. Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và cả Philippines đều bị hạn hán nặng nề do El Nino. Triển vọng một số nước sẽ phải quay lại nhập khẩu vào cuối năm nay.
1. Các nước xuất khẩu chủ chốt
1.1. Thái Lan
Theo Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan (OAE), sản lượng lúa niên vụ 2015/16 của nước này có thể giảm 30% so với niên vụ trước xuống 22,98 triệu tấn, mức thấp nhất 19 năm qua, chủ yếu do hạn hán. Chính phủ có thể cấm nông dân gieo cấy lúa từ 1/11/2015 đến 30/4/2016 do thiếu nước.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse dự báo giá gạo Thái có thể tăng 8-10% vào cuối năm nay và đầu năm tới (tháng 12- tháng 1) bởi đó là mùa lễ hội cuối năm – mùa tiêu thụ mạnh, trong khi nguồn cung của nước này lại sụt giảm. Nigeria – khách hàng truyền thống của Thái Lan – sẽ trở lại mua gạo đồ từ tháng 11 tới.
Tính tới 22/9, Thái Lan đã xuất khẩu 6,9 triệu tấn gạo, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
1.2. Việt Nam
Tính đến ngày 17/9/2015, theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè Thu năm 2015 được khoảng 1,668 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch vụ Hè Thu khoảng 1,350 triệu ha với năng suất khoảng 5,6 – 5,7 tấn/ha, sản lượng khoảng 7,62 triệu tấn.
Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu Đông 2015 được khoảng 640.000 ha/886.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 20.000 ha với năng suất khoảng 4,8-4,9 tấn/ha.
Mưa lớn gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều diện tích lúa và hoa màu. Theo Bộ NN&PTNT, năng suất lúa tại khu vực ĐBSCL có thể sẽ giảm khoảng 10% - 20% do mưa lớn kéo dài. Lúa bị đổ ngã và ngập úng gây khó khăn cho nông dân trong việc thu hoạch cũng như phơi sấy, bảo quản lúa.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới với các nguồn cung cấp chính như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia và Myanmar. Xuất khẩu gạo giảm 19% trong giai đoạn từ 1/1 đến 17/9/2015, chỉ đạt 4,8 triệu tấn, với mức giá bình quân 418 USD/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường trọng điểm của Việt Nam những năm gần đây liên tục sụt giảm do mất thị phần về tay Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan... Từ 66% lượng nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm 2012-2013, thị phần gạo Việt Nam giảm chỉ còn 53% năm 2014 và hiện chỉ còn xấp xỉ 50%. Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này:
Thứ nhất: Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới, tăng cường nhập khẩu chính ngạch;
Thứ hai: Cạnh tranh gia tăng từ các quốc gia khác trong khu vực, cả về số lượng đối thủ cũng như giá cả. Thái Lan trước đây chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, gần như không quan tâm thị trường gạo thấp cấp nhưng 2 năm trở lại đây đã bắt đầu gia tăng, chiếm lĩnh thị trường gạo thấp cấp, cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt. Giá gạo Việt giờ cũng không chênh lệnh nhiều so với một số xuất xứ khác như Ấn Độ, Pakistan…
Thứ ba: Trung Quốc phá giá đồng NDT khoảng 5% trong tháng 8 vừa qua làm giảm năng lực cạnh tranh của gạo Việt khi mà tiền đồng của Việt Nam giảm giá ít hơn so với tiền baht của Thái Lan, tiền rupee của Ấn Độ…Trong khi tiền đồng giảm giá khoảng 4% thì baht giảm giá khoảng 8%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, xuất khẩu gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm, vẫn tiến triển tốt, tăng 47,53% trong 7 tháng đầu năm, nhờ thị trường châu Phi.
Xem xét kết quả xuất khẩu gạo từ đầu năm tới nay, VFA hạ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 xuống 5,91 triệu tấn, giảm 6,5% so với 6,32 triệu tấn năm 2014, thấp hơn mức 7 triệu tấn dự báo của Chính phủ. VFA dự báo xuất khẩu gạo trong quý IV/2015 đạt 1,4 triệu tấn, giảm 22% so với 1,8 triệu tấn quý III.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2015 đạt 6,3 triệu tấn, gần như không đổi so với năm 2014. Trong khi đó, USDA dự đoán xuất khẩu gạo năm 2015 đạt 6 triệu tấn.
FAO dự báo sản lượng lúa 2015 của Việt Nam đạt 44,68 triệu tấn (28,8 triệu tấn gạo), giảm 1% so với 44,98 triệu tấn (29 triệu tấn gạo) năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu vì khô hạn do hiện tượng El Nino. USDA dự báo sản lượng gạo của Việt Nam năm 2014-2015 đạt 28,07 triệu tấn.
1.3. Ấn Độ
Lượng gạo lưu kho quốc gia của Ấn Độ trong tháng 8 đạt 16,313 triệu tấn, giảm 12% so với tháng trước đó và giảm 25% so với 21,65 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, mặc dù vẫn cao hơn 61% so với mục tiêu của Chính phủ.
Giá gạo toàn cầu giảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu xuất khẩu gạo của nước này trong vài tháng qua dù khối lượng xuất khẩu vẫn tăng đều đặn. Xuất khẩu gạo basmati chỉ đạt 1 tỷ USD trong giai đoạn tháng 3-6/2015, giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù trị giá xuất khẩu loại gạo này tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 triệu tấn, nguyên nhân bởi giá giảm xuống 1.050 USD/tấn.
Tính từ tháng 4 - tháng 6/2015, tổng doanh thu xuất khẩu gạo của Ấn Độ giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,7 tỷ USD trong khi khối lượng xuất khẩu tăng 8% lên 2,7 triệu tấn.
1.4. Myanmar
Vào đầu tháng 8/2015, Chính phủ Myanmar đã áp lệnh cấm xuất khẩu gạo nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng cao sau đợt lũ lụt lịch sử, song đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm này khoảng 1 tháng sau khi áp dụng. Chính phủ sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu gạo qua đường biển nhưng tiếp tục cấm xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới trên bộ. Hiện Myanmar cũng đang xem xét ban hành chính sách thương mại mới để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo sau đợt lũ tàn phá hơn 520.000 ha lúa.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Lúa gạo Myanmar (MRF), chính phủ có thể sẽ ban hành giấy phép mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên dù là chính sách mới, chính phủ vẫn cần phải xem xét tình hình tiêu thụ trong nước, giá cả, thiếu hụt cơ sở vật chất, khối lượng xuất khẩu và những tác động trên người dân, thương nhân, người tiêu dùng.
Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF) đã hạ dự báo xuất khẩu gạo của nước này năm 2015/16 xuống 1,6 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với 1,8 triệu tấn xuất năm 2014/15 và càng thấp hơn so với 2 triệu tấn dự tính trước đây.
1.5. Campuchia
Campuchia đã xuất khẩu 342.136 tấn gạo trong 8 tháng đầu năm 2015, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường xuất khẩu lớn của Campuchia trong giai đoạn này là Trung Quốc (74.949 tấn), Pháp (45.493 tấn) và Ba Lan (38.370 tấn).
Chính phủ Campuchia đặt ra mục tiêu tăng xuất khẩu gạo lên 1 triệu tấn trong năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể sẽ không đạt được do thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng và nguồn vốn.
Thời tiết khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuống giống trên diện tích 185.451 ha đất lúa tại Campuchia, có thể gây mất mát 450.000 tấn lúa.
2. Các nước nhập khẩu chủ chốt
2.1. Philippine
Cục Thống kê Philippines (PSA) ước tính sản lượng lúa năm 2015 của nước này đạt 18,86 triệu tấn, giảm 6% so với mục tiêu 20,08 triệu tấn và giảm nhẹ so với 18,97 triệu tấn năm 2014.
Trước tình hình El Nino tác động xấu đến các tỉnh miền trung, miền nam và miền bắc, PSA dự báo sản lượng lúa nửa cuối năm 2015 giảm 0,5% xuống 10,54 triệu tấn.
Năm nay Chính phủ Philippines đã cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu 805.200 tấn gạo với mức thuế 35%. Quốc gia này có thể sẽ mua thêm gạo nữa trước khi kết thúc năm.
2.2. Trung Quốc
Nhập khẩu gạo của Trung Quốc 8 tháng đầu năm tăng mạnh, đạt 1,96 triệu tấn, tăng 18% so với 1,65 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Riêng tháng 8, nhập khẩu gạo đạt 215.000 tấn, giảm 34% so với 325.200 tấn trong tháng 7 nhưng tăng 43% so với 150.000 tấn tháng 8/2014.
Về xuất khẩu, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Trung Quốc đạt 142.200 tấn, tăng 5% so với 135.573 tấn cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 8, xuất khẩu gạo đạt 19.000 tấn, giảm 2,8 lần so với 6.700 tấn trong tháng 7/2015 và giảm 26% so với 25.997 tấn trong tháng 8/2014.
Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu 2,563 triệu tấn gạo và xuất khẩu 419.069 tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo của Trung Quốc niên vụ 2015-2016 đạt 146 triệu tấn, nhập khẩu 4,4 triệu tấn và xuất khẩu 400.000 tấn.
Thời gian gần đây, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu gạo qua biên giới, đồng thời tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Myanmar...
USDA dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc niên vụ 2015-2016 (tháng 7 - tháng 6) đạt 146 triệu tấn; Nhập khẩu gạo năm 2105 đạt 4,7 triệu tấn và xuất khẩu đạt 400.000 tấn.
2.3. Indonesia
Sản lượng lúa của Indonesia năm 2015 có thể sẽ giảm 800.000 tấn so với ước tính ban đầu 75,5 triệu tấn do hạn hán kéo dài. Theo một quan chức Bộ Nông nghiệp Indonesia, khoảng 350.000 ha đất lúa đang chịu ảnh hưởng của hạn hán, trong đó, 40.000 ha là vùng đã được gieo cấy.
USDA ước tính, sản lượng gạo của Indonesia đạt 36,3 triệu tấn (57,17 triệu tấn lúa) niên vụ 2014-2015 (tháng 10/2014 - tháng 9/2015), nhập khẩu gạo đạt 1,25 triệu tấn. Thậm chí một số chuyên gia dự báo, nhập khẩu gạo của Indonesia có thể lên đến 1,6 triệu tấn.
III. CẢNH BÁO, DỰ BÁO
Thị trường lúa gạo sẽ còn tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố, nổi bật lên là sự cạnh tranh mạnh từ các nước xuất khẩu, thị trường tiền tệ biến động mạnh (tiền tệ của các nước châu Á mất giá so với USD nhưng mức độ giảm giá rất khác nhau) và El Nino gây giảm sản lượng và làm giảm dần lượng tồn trữ hiện đang ở mức rất cao.
El Nino đã xuất hiện từ nhiều tháng nay, song ảnh hưởng từ yếu tố này không lấn át được thực trạng cung cao cầu thấp. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, tình hình có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Những cơ sở dự báo giá gạo sẽ hồi phục
1) Philippine bắt đầu tích cực mua gạo. Mới đây, nước này đã mở thầu mua 750.000 tấn. Mùa vụ của Philippines đã bị thiệt hại lớn do lượng mưa giảm, thời tiết khô hạn, sản lượng gạo năm 2015 giảm; ảnh hưởng của EL Nino được dư báo là khắc nghiệt nhất kể từ năm 1950.
2) Tháng 9 này Trung Quốc đã tăng cường mua gạo Việt Nam sau khi giảm mua xuống mức thấp nhất 5 tháng vào tháng 8. Trung Quốc là nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới, là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất toàn cầu, đồng thời là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù sụt giảm mạnh so với 4 tháng trước đó song xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 8 vẫn cao hơn 40% so với một năm trước đó, đưa tổng khối lượng xuất sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm nay chiếm gần 30% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc nhâp khẩu khoảng 1,18 triệu tấn gạo Việt Nam, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo năm nay Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với năm 2014.
3) Indonesia cũng đang rục rịch mua gạo. Mặc dù cho tới gần đây cơ quan lương thực quốc gia nước này (Bulog) vẫn tuyên bố chưa chắc sẽ cần nhập khẩu gạo trong năm nay, bởi hạn hán đang cản trở việc trồng lúa ở quốc gia này. Oryza mới đây dẫn lời phó Tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla cho biết, hơn 200.000 ha lúa của nước này đang thiếu nước, và có hơn 30.000 ha có nguy cơ mất trắng do hạn hán.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, Chookiat Ophaswongse cho rằng Indonesia sẽ cần mua khoảng 500.000 tấn vào cuối năm nay, khi không thể sản xuất đủ gạo để tiêu thụ trong nước, ít nhất vào thời điểm hiện tại. Nhiều khả năng nước này sẽ cần nhập khẩu tổng cộng 1-1,5 triệu tấn bởi dự trữ gạo của Bulog hiện chỉ đạt 1,5 triệu tấn, trong khi mức cần thiết là 2,5-3 triệu tấn.
4) Các chuyên gia khí tượng đã nâng dự báo về cường độ của El Nino, dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2016 và chắc chắn sẽ làm giảm sản lượng gạo của nhiều quốc gia trong khu vực, giảm sản lượng lúa mì Australia, đậu tương Ấn Độ và ngô Trung Quốc. Với lúa gạo, sản lượng giảm sẽ được bù đắp ngay bởi lượng tồn trữ, nhưng sản lượng sẽ làm giảm dần lượng gạo tồn trữ.
5) Lượng tồn trữ gạo của chính phủ Thái tích từ những chương trình thu mua tạm trữ trước hiện vào khoảng 13 triệu tấn, nhưng chỉ có khoảng 9 triệu tấn còn đủ chất lượng làm lương thực cho con người, bởi thời gian bảo quản lâu nên hư hỏng nhiều.
FAO cho biết thêm rằng tồn trữ gạo của 5 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới đang giảm dần đều, sau khi xuất khẩu mạnh trong năm 2014, và tỷ lệ tồn trữ-sử dụng (tồn trữ so với tiêu thụ và xuất khẩu) sẽ giảm xuống 19% trong niên vụ 2015/16, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2007/08. Điều này chứng tỏ nguồn cung đang giảm sút, mặc dù còn khá nhiều để sử dụng trong giai đoạn El Nino.
Tuy nhiên, khả năng giá hồi phục nhiều sẽ khó xảy ra, bởi thị trường này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng tỷ giá tiền tệ, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu đang tận dụng cơ hội nội tệ giảm giá so với USD để gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm cũng ảnh hưởng tới khả năng tăng giá lương thực bởi nhu cầu nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học sụt giảm.
Dự báo về cung – cầu
Trong báo cáo triển vọng lúa gạo 2015 công bố tháng 9, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2015/16 (quy xay) sẽ đạt khoảng 475,8 triệu tấn, giảm khoảng 1% so với năm trước do năng suất dự báo sẽ sụt giảm. Đông Nam Á, Bắc Phi và Bắc Mỹ dự báo sẽ là toàn bộ nguyên nhân sụt giảm sản lượng toàn cầu. USDA cũng hạ dự báo triển vọng sản lượng gạo năm 2015-2016 của Myanmar, Philippines, Trung Quốc, Ai Cập, Guyana và Mỹ, nhưng nâng dự báo sản lượng của Australia, Chile và EU.
USDA dự báo diện tích trồng lúa toàn cầu 2015-2016 đạt kỷ lục 160,9 triệu ha, tăng so với 160,5 triệu hạ năm 2014-2015. Trong khi diện tích gieo cấy tại Bangladesh và Ấn Độ tăng, diện tích tại Myanmar, Campuchia, Nigeria, Thái Lan và Mỹ lại giảm. Năng suất bình quân ước đạt 4,42 tấn/ha, giảm nhẹ so với 4,46 tấn/ha năm 2014-2015.
Tiêu thụ gạo toàn cầu 2015-2015 ước đạt 487,4 triệu tấn, tăng 1% so với năm trước, nhưng giảm nhẹ so với 487,8 triệu tấn dự báo tháng trước.
Tồn kho cuối vụ năm 2015-2016 dự đoán giảm 11,5% xuống 90,2 triệu tấn, giảm so với 90,5 triệu tấn dự báo hồi tháng 8. Tỷ lệ dự trữ-tiêu thụ 2014-2015 đạt 18,5%, giảm so với 21% năm trước.
USDA dự báo mậu dịch gạo thế giới năm 2015 sẽ đạt khoảng 42,5 triệu tấn, giảm khoảng 2% so với 43,4 triệu tấn năm 2014.USDA ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2015 giảm 18%, tương ứng 2 triệu tấn, nhưng nâng dự báo xuất khẩu của Ấn Độ, Pakistan và Mỹ. Về phía xuất khẩu, USDA nâng dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ nhờ nguồn cùng dồi dào, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam và Mỹ có thể giảm. Về phía nhập khẩu, USDA hạ triển vọng đối với Brazil.
Cho tới thời điểm này vẫn khó có thể dự báo Ấn Độ hay Thái Lan sẽ là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong năm nay. Chủ tịch danh dự của Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái, ông Chookiat dự báo Thái Lan có thể xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo trong năm nay, vượt khối lượng của Ấn Độ, nhưng chưa rõ Ấn Độ sẽ xuất khẩu bao nhiêu trong những tháng sắp tới.
Theo ước tính của USDA, thương mại gạo toàn cầu năm 2016 đạt 42,2 triệu tấn, giảm nhẹ so với 42,3 triệu tấn dự báo tháng trước và giảm nhẹ so với 42,5 triệu tấn năm 2015. USDA hạ triển vọng xuất khẩu gạo của Myanmar và Mỹ trong năm 2016 trong khi nâng dự báo xuất khẩu của Ấn Độ và Australia. Cơ quan này cũng nâng dự báo nhập khẩu gạo của Indonesia.
Theo NhanhieuViet.gov.vn