Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 181,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015.
Thị trường cà phê biến động khó lường
- Cập nhật : 08/09/2015
(Thi truong)
Cà phê được đánh giá là một trong những nét vẽ chủ lực trong bức tranh xuất khẩu nông sản, đã mang lại lượng kim ngạch xuất khẩu khá lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 8 ước đạt 87 ngàn tấn, tương đương 1,45 triệu bao, giảm 18,8% so với tháng trước và giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2015 ước đạt 874 nghìn tấn, giảm mạnh tới 32,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Con số xuất khẩu tháng này tuy thấp hơn dự kiến trước đó của giới thương nhân quốc tế tại Việt Nam, xuất khẩu tháng 8/2015 sẽ trong khoảng 1,67 – 2 triệu bao. Hiện tại, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 500 – 600 đồng/kg, lên ở mức 35.600 – 36.200 đồng/kg. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Đức và Hoa Kỳ…
Tuy nhiên, mặc dù sản lượng cà phê Việt luôn đứng đầu thế giới, song chưa làm chủ được thị trường, cà phê Việt Nam luôn bị tác động bất thường từ thị trường cà phê quốc tế. Chính điều này dẫn đến giá cà phê trong nước luôn chịu áp lực về giá, người nông dân và kể cả các DN không nắm được quyền chủ động nên có thể đối mặt với nhiều rủi ro về giá bán.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của địa phương, vì vậy sự phát triển bền vững của ngành cà phê gắn liền với sự phát triển ổn định về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, gần đây, sản xuất cà phê đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, biến động giá trên thị trường cà phê luôn là mối quan ngại đối với cả người trồng, DN và chính quyền địa phương. Trong khi địa phương có thể chủ động được năng lực sản xuất, còn thị trường và để giải quyết vấn đề giá cần có chiến lược mang tầm quốc gia.
Thực tế cho thấy, giá cà phê trên thị trường vừa phục hồi chỉ trong một thời gian ngắn đã quay đầu giảm giá, khiến cho người nông dân và DN thấp thỏm lo âu. Chính vì vậy, việc kinh doanh, giao dịch cà phê của các DN cũng diễn ra khá trầm lắng. Năm nay, do giá cà phê từ đầu niên vụ dao động ở mức thấp, từ 35.000 - 38.000 đồng/kg, nên nhiều hộ dân “găm” cà phê ở nhà chờ giá lên.
Bà Nguyễn Thị Hoa, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) cho biết, niên vụ vừa qua năng suất cà phê giảm khoảng 20% do hạn hán và sâu bệnh. Nếu như niên vụ trước, với 3ha cà phê, thu được 12 tấn thì niên vụ này chỉ thu khoảng 8 tấn.
Thời gian qua, do cần vốn đầu tư chăm sóc vườn cây nên bán hơn 4 tấn. Số cà phê còn lại vẫn tích trữ ở nhà chưa muốn bán vì giá còn quá thấp. Theo bà Hoa, năng suất cà phê đã không đạt, thêm phần giá lại giảm sâu thì nông dân không có lãi.
Còn ông Lê Văn Đài, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột lo lắng, vào thời điểm tháng 5/2014, giá cà phê lên cao khoảng 45.000 đồng/kg thì gia đình đã bán hết. Nhưng năm nay, chờ mãi đến nay giá cà phê vẫn thấp, có thời điểm xuống còn 31.000 đồng/kg nên vẫn chưa bán mà vay vốn ngân hàng đầu tư cho vườn cà phê.
Theo ông Đài, phần lớn các hộ trồng cà phê trên địa bàn không có sẵn nguồn vốn. Để đầu tư, hầu hết đều phải vay vốn ngân hàng hoặc mua chịu phân bón từ đại lý. Điều này sẽ khiến người nông dân gặp không ít rủi ro, bởi bà con vừa bị chịu lãi ngân hàng, vừa lo giá cà phê không tăng lên phải chịu “lỗ kép”.
Không những người nông dân, vấn đề biến động giá cà phê luôn ám ảnh các DN sản xuất. Bởi giá lên hay xuống sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của DN và người lao động. Ông Phan Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức cho hay, DN có quy mô trồng và chăm sóc 1.100 ha cà phê, với lực lượng lao động hàng trăm hộ nhận khoán sản xuất, chưa kể lao động gián tiếp.
Do đó, giá cà phê tác động trực tiếp tới đời sống của người lao động. Từ đầu 2015, giá cà phê liên tục sụt giảm khiến cho người lao động và DN gặp không ít khó khăn. Gần đây, giá cà phê có dấu hiệu phục hồi… Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 500 – 600 đồng/kg, lên ở mức 35.600 – 36.200 đồng/kg.
Tuy nhiên theo ông Thắng, hiện tại giá cà phê trên thị trường thế giới và kể cả thị trường trong nước diễn biến rất khó lường. Dự báo của các tổ chức, giá cà phê có dấu hiệu quay đầu giảm trở lại trong ngắn hạn…
Một vấn đề mà ông Thắng cũng như nhiều DN trồng cà phê tại Tây Nguyên lo lắng là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dẫn đến mưa nắng thất thường làm cây cà phê sinh trưởng không ổn định, giảm năng suất. Ông Thắng dự báo, có thể niên vụ 2015 -2016 sẽ mất mùa, hiện cà phê trên địa bàn đã đậu quả nhưng lượng quả không đồng đều, không đạt như những năm trước đây.
Trước thực trạng biến động khó lường của thị trường cà phê, một lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk chia sẻ, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương, có những thời điểm xuất khẩu cà phê chiếm tỷ trọng trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Song sự biến động giá cà phê trong những tháng đầu năm 2015 đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu của địa phương. Đặc biệt là đời sống của người trồng cà phê.
Ông Y D’hăm Ênuôl, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk khẳng định, mặt hàng cà phê đối với Đăk Lăk như là một đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ đầu tư phát triển. Chính vì thế, để hỗ trợ người nông dân và DN ổn định hoạt động sản xuất cà phê, các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế nông nghiệp cho các DN sản xuất cà phê; hỗ trợ giống, lãi suất vay cho nông dân.
Đồng thời, hỗ trợ 100% giống cho nông dân thực hiện chương trình tái canh cây cà phê. Cạnh đó, hình thành quỹ sản xuất cà phê từ các nguồn chuyển kinh phí hoàn thuế VAT đối với các DN xuất khẩu cà phê, kinh phí nghiên cứu, khuyến nông và các nguồn huy động khác và tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở như xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi trong vùng để thực hiện tốt việc sản xuất cà phê bền vững.