tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơ hội cho tôm Việt Nam lấn sân thị trường EU

  • Cập nhật : 07/09/2015

(Tin kinh te)

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết kèm theo thuế xuất khẩu các mặt hàng thủy sản Việt Nam dần trở về 0. Đây là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU, đặc biệt là mặt hàng tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

co hoi cho tom viet nam lan san thi truong eu

Cơ hội cho tôm Việt Nam lấn sân thị trường EU


Cơ hội lớn cho xuất khẩu tôm sú

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang EU trong 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 238 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân xuất khẩu tôm giảm do nền kinh tế châu Âu vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa giảm nói chung và tôm nước lợ nói riêng. Ngoài ra, đồng EUR giảm so với USD trong 5 tháng đầu năm khiến nhiều khách hàng châu Âu chậm mua hàng, thậm chí ngưng nhập khẩu dẫn tới xuất khẩu tôm sang khu vực này chậm lại.

Tuy nhiên, dự báo của các chuyên gia trong nước và thế giới cho hay, trước biến động của các thị trường lớn xuất khẩu tôm sang EU lại là cơ hội lớn cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này.

Đánh giá của ông Jiro Takeuchi, Giám đốc công ty Uhrenholt Seafoods tại Hội thảo “Shrimp Outlook”, Vietfish 2015 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay, các nhà cung cấp tôm chính cho thị trường EU gồm: Ecuador, Argentina, Ấn Độ, Greenland, Đan Mạch, Canada, Bangladesh, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia đang gặp nhiều biến động.

Tình trạng mà các thị trường này đang gặp phải như thiếu lực lượng lao động, thiếu công nhân lành nghề trong các khâu chế biến, quản lý chất lượng và kiểm nghiệm, nguồn cung tôm nước lạnh ít đã đẩy giá loại tôm này tăng cao, hệ thống truy xuất nguồn gốc yếu...

Đối với thị trường Thái Lan, ông Jiro Takeuchi cho rằng, tốc độ đàm phán FTA của Thái Lan diễn ra rất chậm lại chịu sức ép từ phía EU về giải quyết các vấn đề về lạm dụng lao động và các vấn đề khai thác bất hợp pháp và không theo quy định (IUU). 

Đặc biệt, dù là nhà sản xuất lớn nhất thế giới nhưng Indonesia chỉ xuất khẩu một khối lượng khiêm tốn sang EU. Các nhà máy chế biến của Indonesia không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các thị trường thuộc EU như Việt Nam. 

Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở rộng hơn nữa các sản phẩm giá trị gia tăng như các suất ăn sẵn, các sản phẩm chế biến sẵn ...

Đặc biệt, khi FTA Việt Nam - EU, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản từ Việt Nam sẽ sớm trở về 0. Đây là điều kiện cho Việt Nam duy trì giá bán cạnh trên trên thị trường quốc tế với sản phẩm có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn.

Ông Phạm Hữu An – đại diện công ty Marubeni cũng cho rằng, nhu cầu tiêu thụ tôm ở châu Âu không cải thiện nhiều trong năm 2014. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm từ các nước ngoại khối vào EU tăng dần theo các năm do giá tôm chân trắng giảm từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam.

 

Cần kiểm soát tốt kháng sinh cấm

Tuy nhiên, ông Jiro Takeuchi  cũng chỉ ra rằng, tôm xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều thách thức khi tình trạng bơm Agar khó kiểm soát bởi nhiều người thu mua nhỏ lẻ thực hiện. Chủ yếu là tôm sú bị bơm agar nhưng ảnh hưởng tới tình hình tôm xuất khẩu nói chung.

Ngoài ra, theo ông Jiro Takeuchi, Việt Nam cũng cần hạn chế sử dụng kháng sinh cấm để tránh khả năng EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu.

"Việt Nam cần đưa ra kế hoạch quản lý  nguồn nguyên liệu phù hợp với với luật. Nếu lô hàng nào dương tính với kháng sinh trong quá trình kiểm tra để thông quan nhập khẩu vào EU, cơ quan chức năng sẽ trả lại lô hàng đó. Các cơ quan đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên từ các siêu thị để kiểm tra, bảo vệ người tiêu dùng", ông Jiro Takeuchi  nhấn mạnh. 

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục