tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Gạo, chăn nuôi Việt cạnh tranh ra sao khi hiệp định TPP được ký kết?

  • Cập nhật : 12/11/2015

(Kinh te)

Tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho nước Việt Nam, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản như thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò và hoa quả.

 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 1/10, trước câu hỏi hiện có nhiều ý kiến lo ngại về sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, cho rằng có thể “thua trên sân nhà” khi Hiệp định TPP được ký kết, các nước có nền nông nghiệp mạnh, nhất là trong chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Australia có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường chăn nuôi Việt Nam?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho.biết Thủ tướng đã yêu cầu Đoàn đàm phán của ta đặc biệt quan tâm tới những lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mở thêm thị trường cho xuất khẩu nông sản, thực hiện bảo hộ hợp lý, nhất là những ngành có khả năng cạnh tranh thấp để có thêm thời gian cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả.

Theo tinh thần đó, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu sẽ được thực hiện theo lộ trình hợp lý để các ngành chăn nuôi nước ta có điều kiện vươn lên cạnh tranh. Theo tính toán thì ngành này sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định.

Về câu chuyện gạo Việt thiếu thương hiệu, hiện tập trung bán về số lượng, bán sản phẩm thô mà ít quan tâm đến chất lượng? Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng hiện nay Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Để đạt được kết quả này, chúng ta đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp tăng cả về số lượng và chất lượng sản phẩm gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trong đó có nhiều giải pháp về xây dựng thương hiệu.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh gay gắt, để tiếp tục khẳng định vị trí của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 Trong đó đề ra nhiều giải pháp phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp bảo đảm chất lượng và đưa gạo Việt Nam tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực, trách nhiệm của cả Chính phủ, các cơ quan, địa phương liên quan và của doanh nghiệp, người nông dân.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục