tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Ông Bùi Trinh: Nông sản Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được với Trung Quốc

  • Cập nhật : 17/08/2015

(Tin kinh te)

Bên cạnh TPP thì những hiệp định thương mại tự do cũng đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, khi Việt Nam ký FTA với EU, nông sản Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với nông sản Trung Quốc.

chuyen gia kinh te bui trinh: nong san viet nam hoan toan canh tranh duoc voi trung quoc

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Nông sản Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được với Trung Quốc

 

Việt Nam vừa hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU. Xin ông cho biết, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định này là gì?

Khi Việt Nam tham gia Hiệp định tự do với EU, cơ hôi là một điều rất rõ ràng. Các đối tượng hưởng lợi bao gồm người sản xuất, đặc biệt nông dân, nông sản của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường này với thuế suất 0%. Nông sản của ta hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh với những sản phẩm của nước khác đặc biệt là với nông sản của Trung Quốc.

Nhà sản xuất còn có cơ hội thay thế dần sản phẩm là nguyên vật liệu đầu vào từ khu vực này thay cho sản phẩm Trung Quốc. Khi xuất khẩu sang khu vực EU đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao cũng là một cơ hội, thay vì chúng ta nhập khẩu nguyên vật liệu giá rẻ từ Trung Quốc.
Nhà sản xuất Việt Nam muốn xuất sang thị trường EU cần có nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng. Đây còn là dịp để thúc đẩy nhà sản xuất và người dân Việt Nam phải sáng tạo nhiều hơn, quy trình công nghệ cũng phải thay đổi theo xu hướng chất lượng hơn.

Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn trong quá trình tiêu dùng. Hiện nay tỷ trọng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU chiếm khoảng 17-18% tổng kim ngạch xuất khẩu, khi tham gia hội nhập với EU tỷ trọng này có thể tăng lên từ 22 – 25%.

Thưa ông, tác động của một vài FTA mà EU ký với một số đối tác khác như Chi-lê, Mê-hi-cô, Nam Phi… đã đem lại hiệu quả thương mại rất tích cực cho các nước này. Liệu Việt Nam có cơ hội thu được những lợi ích tương tự không? Chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm gì từ những quốc gia có Hiệp định tương tự với EU trước đó?

Nếu các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển sáng tạo và đặc biệt những chính sách đối với các doanh nghiệp nội là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, giống... thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Việc đầu ra của Việt Nam sau Hiệp định này sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông? Theo ông, lĩnh vực nào hứa hẹn sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất?

Việc đầu ra đương nhiên sẽ có nhiều thay đổi bởi khi gia nhập FTA, thị trường được mở rộng và thuế quan có sự thay đổi nhất định. Theo cam kết, một số lĩnh vực của Việt Nam sẽ có được sự lớn mạnh nhanh chóng nhờ vào thị trường tiềm năng này.

Hơn thế nữa, các thương hiệu của Việt Nam sẽ được bảo vệ tốt hơn, được thừa nhận một cách chính thức ở các nước EU. Bởi như chúng ta đã biết, những thương hiệu của chúng ta ở nước ngoài đang phải cạnh tranh gay gắt và không ít lần bị cướp trắng.

Theo tôi nên tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, vì nông nghiệp thực chất vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Khi gia nhập thị trường thương mại quốc tế, trong nhiều lĩnh vực không phải thế mạnh, nguy cơ Việt Nam bị “bóp nghẹt” là rất cao bởi môi trường cạnh tranh cực kì gay gắt. Khi Việt Nam tập trung vào thế mạnh của mình mới có thể tạo được sức cạnh tranh.

Thực tế, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU thường xuyên bị cản trở bởi sự áp đặt các biện pháp rào cản phi thuế quan của EU. Việt Nam cần giải quyết điều này như thế nào, thưa ông?

Theo nhận định của Trung tâm WTO trước đó, EU ít khả năng sẽ nhượng bộ các vấn đề thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với Việt Nam và FTA có thể không có tác động quan trọng nào trong việc ngừng sử dụng các biện pháp chống bán phá giá và đối kháng của EU.

Ngược lại, FTA có thể đặt ra những yêu cầu chăt chẽ hơn đối với Việt Nam trong vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại – trừ khi trong khuôn khổ đàm phán FTA, EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trước thời hạn của WTO.

Tương tự, việc công nhận ngay lập tức quy chế nền kinh tế thị trường phải được coi là ưu tiên đàm phán của Việt Nam trong FTA với EU. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không đạt được sự công nhận này, Việt Nam nên đàm phán với EU về khung thời gian thích hợp cho việc công nhận nền kinh tế thị trường và phải đảm bảo thời hạn này tương ứng với thời hạn mà Trung Quốc sẽ được xem là nền kinh tế thị trường theo WTO.

Khi xuất khẩu của Việt Nam sang EU thường xuyên bị cản trở bởi sự áp đặt các biện pháp rào cản phi thuế của EU, Việt Nam cũng có thể xem xét việc đưa vào FTA với EU cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt đối với rào cản phi thuế, ví dụ như “Cơ chế hòa giải liên quan đến các biện pháp phi thuế quan” trong chương 14 của FTA giữa EU và Hàn Quốc.
Xin cảm ơn ông!

(Theo Diễn đàn đầu tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục