Nhìn chung, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu từ đa số các thị trường trong 7 tháng đầu năm nay đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhập từ Ấn Độ tăng mạnh nhất.
Phân phối hàng Việt ở siêu thị ngoại, cửa mới cho nông sản Việt?
- Cập nhật : 01/10/2017
Khi áp lực về thị trường Trung Quốc đang là một mối lo thì nguồn tiêu thụ từ các siêu thị nước ngoài đang được nhận định là một cơ hội đối với nông sản Việt.
Mặc dù là một quốc gia nông nghiệp, với 70% dân số sống bằng nghề nông nhưng trong nhiều năm qua, thị trường tiêu thụ luôn là một rào cản lớn đối với nông sản Việt.
Do vậy, từ nhiều năm nay, việc tìm và mở rộng tiêu thụ luôn là giải pháp được các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, công việc này dường như chưa bao giờ dễ dàng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch CLB Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam nói rằng hầu hết các sản phẩm nông nghiệp hiện đang phát triển theo hướng tự phát, chưa có định hướng quy hoạch cũng như tiêu chuẩn cụ thể. Sự ràng buộc giữa nhà phân phối và người nông dân, do đó, khó có thể thuyết phục được đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam đa phần được ghi nhận là khó tính. Số liệu thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam thu về khoảng 1,7 tỷ USD tiền bán rau, củ quả ra nước ngoài. Trong đó Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của mặt hàng này (chiếm đến hơn 80% tổng giá trị xuất khẩu).
Nói riêng về Hàn Quốc, thị trường này tăng trưởng mạnh lên đến 14,9% và đang được nhìn nhận là thị trường mục tiêu, hướng đến mạnh trong tương lai.
Dù vậy, doanh nghiệp cho biết họ khó xâm nhập vào chuỗi cung ứng của thị trường Hàn Quốc, nhất là kênh siêu thị. Về vấn đề này, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương) từng nhận định rằng sẽ dễ dàng hơn nếu các doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống siêu thị Hàn Quốc tại Việt Nam. Từ đó, các siêu thị này sẽ đưa hàng Việt bán sang hệ thống của họ tại các nước khác.
Trên thực tế, Công ty gỗ Đức Thành là một ví dụ khi đã xuất khẩu thành công bằng con đường này. Trả lời báo chí, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc Công ty cho biết đã bán hàng cho hệ thống siêu thị Lotte ở Việt Nam. Nhờ vậy, sản phẩm của công ty đã dễ dàng xâm nhập được vào hệ thống Lotte tại Hàn.
Do vậy, ông Nguyễn Hoàng Anh nhận định giờ cũng là thời điểm để những rau củ Việt Nam tìm đường vào siêu thị ngoại, dù không dễ. Để làm được điều này, ông Hoàng Anh cho biết điều kiện cần đầu tiên là ngành nông nghiệp phải có quy hoạch vùng nông sản rõ ràng. Tiếp theo, ông nhấn mạnh phải loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi ruộng đồng Việt Nam, thay vào đó là ứng dụng công nghệ nuôi trồng bằng phương pháp organic. Song song là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhằm tìm kiếm, xúc tiến thị trường...
Ông Hoàng Anh nói rằng CLB đang thúc đẩy việc hình thành các trang trại chuyên canh diện tích lớn với công nghệ hiện đại, đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư – nuôi trồng – thu hoạch – chế biến – đóng gói – bảo quản và cung ứng... Bởi lẽ chỉ khi làm theo chuỗi như thế mới có thể quản lý, giám sát sản phẩm được chặt chẽ.
Với những động thái trên, ông Hoàng Anh hi vọng nông sản Việt sớm có mặt trên những kệ hàng tại siêu thị nước ngoài, ví dụ như Lotte, CJ... Từ đó, nâng cao giá hàng hóa, tạo đà xuất khẩu, đồng thời ghi dấu ấn thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Theo Trí Thức Trẻ