Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nay đồng NDT lại giảm giá thêm, nguy cơ hàng Trung Quốc tiếp tục tràn ngập là hiện hữu. Tuy nhiên, trong quan hệ với Trung Quốc, tỷ giá chỉ đóng góp một phần.
Nghĩ gì khi hàng nhập từ Trung Quốc tăng kỷ lục?
- Cập nhật : 06/01/2016
(Tin kinh te)
Đa số người tiêu dùng Việt đều nói rằng họ không thích xài hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Vậy tại sao hàng hóa Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường VN?
Mặt hàng đồ chơi trẻ em của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trong ảnh: đồ chơi trẻ em bằng vật liệu nhựa xuất xứ Trung Quốc bày bán tại một cửa hàng đồ chơi trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Trong năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2015 nhập siêu từ Trung Quốc là 32,3 tỉ USD, tăng 12,5%. Con số này là cao nhất từ trước đến nay, trong đó các nhóm hàng tăng mạnh nhất là sắt thép, kim loại, ôtô, phụ tùng và vật liệu dệt may, da giày...
Năng lực sản xuất hàng Việt chưa đáp ứng nhu cầu
“Gần như tất cả các loại nông sản, thực phẩm của Trung Quốc đều có mặt trên thị trường Việt Nam, từ trái cây cho đến các loại gia vị, loại nào nhìn cũng bắt mắt, dễ thu hút người tiêu dùng, giá thành lại rẻ” - bạn đọc tên Anh Tư nói.
Một bạn đọc lý giải rằng sở dĩ người tiêu dùng mặc dù không muốn mua hàng Trung Quốc nhưng mặt hàng đó ở VN không có hoặc có nhưng không cạnh tranh nổi thì người tiêu dùng chỉ còn cách mua hàng Trung Quốc.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ (PGS.TS) Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, việc nhập siêu Trung Quốc tăng thứ nhất thể hiện năng lực trình độ sản xuất còn yếu kém của VN. Việc phải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường khác như vậy chứng tỏ hàng hóa của VN lép vế so với Trung Quốc.
“Trong cạnh tranh có ba yếu tố quan trọng chính là giá cả, chất lượng và dịch vụ tiếp thị. Về giá cả thì chắc chắn mình đã thua Trung Quốc, đặc biệt trong thị trường mà người tiêu dùng có thu nhập thấp, chẳng hạn như ở nông thôn. Về chất lượng thì hàng hóa của mình lại không đa dạng về mẫu mã bằng. Thế nên hàng Trung Quốc bây giờ len lỏi vào từng ngóc ngách của nền kinh tế, bủa vây người tiêu dùng.
Chừng nào hàng Trung Quốc còn rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn, đa dạng hơn thì chừng đó nhập siêu hàng Trung Quốc còn tăng. Căn bản cốt lõi của việc nhập siêu lớn từ Trung Quốc là do năng lực sản xuất hàng tiêu dùng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, một nguyên nhân khác khiến hàng Trung Quốc tràn lan thị trường VN là vì địa lý hai nước gần nhau, quan hệ thương mại của hai nước đang được cải thiện, thêm vào đó Trung Quốc lại khá thành công trong chính sách biên mậu, tạo hạ tầng ở khu vực cửa khẩu. Những yếu tố này khiến việc nhập khẩu từ Trung Quốc sang VN qua đường tiểu ngạch rất thuận lợi.
Quản lý thị trường còn yếu kém?
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng nhiều giải pháp được các cơ quan nhà nước đưa ra như tái cơ cấu thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng cạnh tranh… chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Hơn nữa các giải pháp này vẫn chưa được thực thi đồng bộ và hiệu quả.
“Hiện tượng nhập siêu tăng không chỉ thể hiện năng lực cạnh tranh mà chính năng lực quản lý của ta cũng còn yếu kém. Lấy ví dụ như việc nhiều mặt hàng Trung Quốc trà trộn vào thị trường VN nhưng lại mang danh là hàng VN để đánh lừa người tiêu dùng” - ông Ngô Trí Long nói.
Trong tương lai, khả năng thị trường nước ta hạn chế được tình trạng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tồn tại. Đó là do việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cơ hội để thị trường nước ta tiếp cận với các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
“Nhưng đây cũng là một vấn đề có nhiều rủi ro. Chúng ta có thể hạn chế được việc phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng rồi sẽ có thể lại phụ thuộc vào các nước khác. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một nước không những làm mất đi sự chủ động mà còn có thể dẫn đến phụ thuộc về mặt chính trị và những vấn đề khác” - PGS.TS Ngô Trí Long khuyến cáo.
Vấn đề về tỉ giá
Tiến sĩ (TS) Huỳnh Thế Du - giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho rằng việc nước ta trong một thời gian rất dài nhập những mặt hàng từ Trung Quốc trong khi đó thậm chí không phải là những mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao hay là những mặt hàng mà VN làm không được, không chỉ vì năng lực cạnh tranh của ta còn yếu kém mà còn vì vấn đề giá thành, tỉ giá trong đồng tiền VN.
“Đó là sai lầm trong chính sách điều chỉnh giá của VN trong thời gian qua. Các cơ quan chính phủ cứ cho rằng đồng tiền mạnh thì sẽ có lợi cho nền kinh tế, nhưng thực chất không phải. Đồng tiền tăng giá không những vừa bất lợi cho xuất khẩu mà còn bất lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và có lợi cho nhập khẩu. Đây đang là một vấn đề nghiêm trọng trong việc nhập siêu của VN. Vô hình trung chính sách tỉ giá của mình đã làm cho hàng Trung Quốc đã rẻ nay còn rẻ hơn” - TS Huỳnh Thế Du nói.
Theo TS Huỳnh Thế Du, rất khó để hạn chế được tình trạng hàng Trung Quốc tràn lan thị trường nội địa VN vì đó là cơ chế thị trường, vẫn có nhu cầu mua, giá thành lại rẻ thì đương nhiên nó vẫn chiếm ưu thế.
Hơn nữa còn tùy thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ của nước ta. Nếu lạm phát được giữ ổn định ở mức thấp, đồng tiền của ta được điều chỉnh linh hoạt hơn thì có thể lợi thế của hàng hóa VN sẽ tăng. Còn nếu lạm phát cao mà tỉ giá lại cứng nhắc thì tình trạng nhập siêu nhiều vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Nhập siêu với Hàn Quốc cũng tăng
Sau khi bắt đầu xuất hiện hiện tượng nhập siêu vào năm 2001, kim ngạch nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng tăng mạnh. Có thể thấy năm 2015 thương mại của Việt Nam đã chứng kiến hiện tượng nhập siêu tổng thể. Cán cân thương mại 2015 thâm hụt ước tính 3,2 tỉ USD (sau 3 năm liên tiếp xuất siêu).
Không chỉ nhập siêu với Trung Quốc gia tăng, nhập siêu của Việt Nam với Hàn Quốc cũng tăng nhanh chóng. Điều này một mặt cho thấy mức độ gia tăng đầu tư của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam, mặt khác là tín hiệu đáng mừng đối với chúng ta trong chuỗi sản xuất khu vực.
TS Phạm Sỹ Thành - giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội