tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Leo thang chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

  • Cập nhật : 04/05/2018

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy trong hai tuần từ ngày 5 đến 19-4),Trung Quốc đã hủy mua 62.690 tấn đậu nành từ Mỹ.

van chuyen dau nanh nhap khau tai mot cang o nam thong, tinh giang to, trung quoc - anh: reuters

Vận chuyển đậu nành nhập khẩu tại một cảng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Bunge, hãng chế biến hạt có dầu lớn nhất thế giới có trụ sở tại New York - ông Soren Schroder - vừa khẳng định Trung Quốc về cơ bản đã ngừng nhập khẩu hoàn toàn đậu nành từ Mỹ.

"Mọi thứ họ đang nhập vào hiện nay đều không phải từ Mỹ... Họ đang mua đậu nành của Canada, Brazil và dứt khoát không mua chút nào từ Mỹ" - ông Soren Schroder ngày 2-5 xác nhận với Hãng tin Bloomberg.

“Lĩnh vực nông nghiệp Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tại Quốc hội. Trung Quốc muốn chính hệ thống chính trị của Mỹ thay họ giải quyết vấn đề
Ông Wang Yong, giáo sư kinh tế học tại Đại học Peking (Trung Quốc), lý giải vì sao Trung Quốc quyết định tung đòn chủ lực với các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành

"Đánh" nông sản chủ lực của Mỹ

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy trong hai tuần (từ ngày 5 đến 19-4) Trung Quốc đã hủy mua 62.690 tấn đậu nành từ Mỹ. 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Mỹ. Năm 2017 Mỹ bán sang Trung Quốc 33 triệu tấn đậu nành, chiếm gần 1/3 tổng lượng đậu nành nhập khẩu trong năm của Trung Quốc.

Về mặt lịch sử, đậu nành là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang các nước châu Á, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc. 

Đầu tháng trước chính quyền Trung Quốc gây "sốc" với ngành nông nghiệp Mỹ khi công bố kế hoạch áp thuế với 106 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang nước này, trong đó đáng kể nhất là đậu nành.

Ông Schroder cho rằng thực tế cho thấy chính những căng thẳng thương mại đã là nguyên cớ khiến Trung Quốc quyết định dừng luôn việc nhập khẩu đậu nành Mỹ.

Trước đó, từ 18-4, Trung Quốc cũng chính thức áp mức thuế khủng 179% mà họ gọi là "thuế chống bán phá giá" với hạt cao lương (còn gọi là bo bo) nhập từ Mỹ. Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất về hạt bo bo của Mỹ và gần như lệ thuộc hoàn toàn về mặt hàng này. 

Bo bo là loại ngũ cốc được sử dụng rất nhiều trong chăn nuôi cũng như trong ngành công nghiệp chưng cất rượu tại Trung Quốc, trong đó có cả loại rượu "bách tửu" nổi tiếng của nước này.

Vì sao Trung Quốc "tự tin"?

Những động thái dứt khoát và chủ động của Trung Quốc cho thấy họ đang rất tự tin sẽ giành thế thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Vì sao vậy? 

Về mặt thể chế, không như Mỹ, Chính phủ Trung Quốc nắm quyền chi phối quyết định và lớn hơn nhiều, do đó Bắc Kinh có thể bảo vệ người dân của họ trước tình trạng cắt giảm việc làm hay đóng cửa nhà máy bằng cách yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ những ngành nghề dễ tổn thương trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Điều này hoàn toàn khác với thể chế của Mỹ.

Giới chức Bắc Kinh thực sự hiểu rất rõ "gót chân Asin" trong hệ thống chính trị Mỹ và cũng nắm được đâu là chỗ "dễ tổn thương" của ông Trump. 

Đậu nành là nông sản được trồng chủ yếu tại nhiều bang nông nghiệp mà ông Trump từng nhận được ủng hộ mạnh mẽ trong cuộc bầu cử năm 2016 như Iowa, Illinois, Minnesota, Nebraska, Indiana, Missouri, Ohio và Dakota.

Trong bối cảnh trước mắt là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11, giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang là những cuộc chiến khốc liệt giành quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện. 

Đối mặt với những giận dữ và lo lắng của các cử tri nông dân, người ta đã thấy không ít đảng viên Đảng Cộng hòa đang loay hoay đứng giữa hai dòng nước, một bên là lòng trung thành với tổng thống và một bên là đòi hỏi của khu vực bầu cử, nhất là các nông dân, trong việc phản đối chính sách thuế quan với Trung Quốc.

Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày 3-5, phái đoàn đàm phán cấp cao của Mỹ gồm 7 thành viên đã tới Bắc Kinh với mục tiêu tìm ra giải pháp hóa giải cho những căng thẳng.

Tuy nhiên, với việc trong đoàn có cả những quan điểm ủng hộ tự do thương mại như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Larry Kudlow, lẫn những tiếng nói tán thành chủ nghĩa bảo hộ như đại diện thương mại Robert Lighthizer và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, có thể thấy sẽ rất khó khăn để họ có tiếng nói chung đồng thuận trong các vấn đề chính sách thương mại và thuế quan ngay chính trong nội bộ.

Nguy cơ đối với doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc

Báo Wall Street Journal dẫn nguồn tin riêng cho biết chính quyền Mỹ đang cân nhắc về một sắc lệnh hành pháp để hạn chế việc kinh doanh của các hãng điện tử viễn thông lớn Trung Quốc (trong đó có Huawei và ZTE vốn là hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới) tại thị trường Mỹ vì các lý do an ninh quốc gia.

Theo đó, một khả năng đặt ra trong động thái cân nhắc này là sẽ yêu cầu tất cả những công ty có quan hệ hợp tác làm ăn với Chính phủ Mỹ sẽ không được sử dụng các thiết bị mạng viễn thông do Huawei và ZTE sản xuất.

Nếu động thái này thành hiện thực, đó chắc chắn là sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vốn đang ngày càng "nóng".


D.Kim Thoa
Theo Tuoitre.vn

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục