Dự kiến đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực. Bên cạnh những lo ngại nhất định, nhiều ngành hàng lớn, chủ lực đang có sự tính toán, chuẩn bị nhằm tận dụng nhanh chóng, hiệu quả những cơ hội mà CPTPP đem lại.
Triển vọng thị trường 'vàng đen' thế giới sau nước cờ mới của Mỹ
- Cập nhật : 15/05/2018
Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 8/5 đã quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, động thái được cho là có thể sẽ lại thổi bùng nguy cơ xung đột tại Trung Đông, đẩy kinh tế Iran vào cảnh khó khăn hơn.
Không những thế điều đó còn tước đi cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp phương Tây và đe dọa nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Thị trường nổi sóng
Vài tuần trước khi Mỹ đưa ra quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức), có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thị trường dầu mỏ đã có tín hiệu dậy sóng. Càng gần tới thời điểm 8/5, giá dầu càng được đẩy lên cao, leo lên các mức chưa từng có kể từ cuối năm 2014.
Và khi Tổng thống Mỹ một lần nữa hiện thực hóa các cam kết mà ông đưa ra trong cuộc tranh cử hồi năm 2016 là chính thức rút khỏi JCPOA thì thị trường lại càng "nóng" hơn bởi quyết định đó không chỉ dẫn đến sự bất ổn về nguồn cung dầu trong một thị trường vốn đã căng thẳng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới.
Giá dầu trên thị trường thế giới ngày 8/5 đã tăng hơn 3%, với giá dầu Brent biển Bắc tại London được giao dịch ở mức trên 77 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ New York vượt 70 USD/thùng. Đà tăng trên thị trường dầu mỏ dường như chưa có dấu hiệu chững lại bởi lời đe dọa Mỹ sẽ bắt đầu áp đặt mức cao nhất các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
"Ăn theo" giá dầu là cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Mỹ "góp mặt" trong chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones, như ExxonMobil (+2,36% lên 93 USD/cổ phiếu), Chevron ( +1,7% lên 128,72 USD/cổ phiếu).
Trái lại các doanh nghiệp dầu mỏ có quan hệ làm ăn với Iran lại hứng chịu hậu quả. Chẳng hạn cổ phiếu của Serica Energy (Anh) niêm yết trên sàn chứng khoán London ngay trong phiên giao dịch sáng ngày 9/5 đã giảm tới 16% bởi công ty dầu mỏ này là đối tác với Công ty Dầu mỏ quốc doanh Iran tại mỏ khí đốt Rhum ở Biển Bắc. Giá dầu tăng cao cũng đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ chạm ngưỡng 3% do lo ngại lạm phát sẽ bị đẩy lên cao hơn theo giá năng lượng.
Chuyên gia kinh tế Gregory Daco, thuộc công ty phân tích thị trường Oxford Economics, cảnh báo động thái mới nhất của Washington có thể làm giảm sản lượng dầu của Iran - nước sản xuất dầu thô lớn thứ 5 trên thế giới - và kéo theo đó là nguy cơ giá dầu leo thang trong thời gian tới. Theo ông, nếu giá dầu ngọt nhẹ trung bình trong năm 2018 ở trên mức 70 USD/thùng, đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ có thể thụt lùi 0,35%. Giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng tại Mỹ, khiến họ thắt chặt hầu bao khi thấy giá hàng hóa bị đẩy lên cao theo giá dầu.
Cùng chung quan điểm, nhà phân tích Ellen Zentner thuộc Morgan Stanley cho rằng nếu giá dầu không xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng, những thành quả mà kinh tế Mỹ có được nhờ chính sách giảm thuế nhiều ưu đãi của chính quyền Tổng thống Trump thời gian qua sẽ bị mất đi đáng kể.
Nguồn cung "vàng đen" có thiếu hụt?
Iran đã trở lại với tư cách là một nước xuất khẩu dầu chủ chốt hồi năm 2016 sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên nước này được dỡ bỏ, đổi lấy việc Iran hạn chế chương trình hạt nhân. Trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ ( OPEC), Iran là nước xuất khẩu lớn thứ ba, sau Saudi Arabia (A-rập Xê-út) và Iraq (I-rắc). Sản lượng khai thác dầu của Iran đang ở mức khoảng 3,8 triệu thùng/ngày, trong đó 2,5 triệu thùng/ngày dành cho xuất khẩu và trữ lượng dầu mỏ của Iran vào khoảng 157 tỷ thùng. Từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran có nghĩa là Mỹ có phần chắc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau 180 ngày, trừ khi các bên đạt được một thỏa thuận khác trước hạn chót đó.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng động thái mới của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu thô của Tehran giảm tối đa 800.000 thùng/ngày. Còn các nhà phân tích khác ước tính do các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, nguồn cung dầu thô của Iran có thể giảm trong khoảng 200.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày, và tác động chủ yếu sẽ thấy được từ năm 2019 vì phải mất một khoảng thời gian để áp đặt lệnh trừng phạt. Sukrit Vijayakar, Giám đốc tư công ty vấn năng lượng Trifecta, nhận định xuất khẩu dầu của Iran sang châu Á và châu Âu gần như chắc chắn sẽ giảm vào cuối năm nay và năm 2019, khi một số quốc gia tìm kiếm giải pháp thay thế để tránh "rắc rối" với Washington.
Xuất khẩu dầu của nước cộng hoà Hồi giáo này được cho là sẽ không giảm ngay lập tức, do các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu từ Tehran sẽ cần 180 ngày mới có hiệu lực. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu dầu châu Âu và châu Á có thể sẽ sớm phải đối mặt với sự lựa chọn đầy khó khăn là làm ăn với Mỹ hay Iran.
Các chuyên gia đưa ra những dự báo khác nhau về tác động đối với nguồn cung dầu mỏ Iran. Nhưng theo các nhà phân tích ở Trung tâm tài chính London, mức độ ảnh hưởng sẽ không tương tự như sự sụt giảm về nguồn cung (đứng ở mức 1 triệu thùng/ngày) so với các lần trừng phạt nhằm vào Iran trước đây, trong bối cảnh Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ có thể cân nhắc phản đối các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Theo dự báo của tập đoàn tài chính MUFG, các nước này sẽ duy trì việc mua dầu thô từ Iran, qua đó có thể giúp làm giảm bớt tình trạng căng thẳng đối với nền kinh tế này.
Trước tình hình trên, Saudi Arabia đã lên tiếng trấn an rằng sẽ nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định tại các thị trường dầu mỏ, đảm bảo quyền lợi chọ cả nước sản xuất và tiêu thụ. Trong số những bước đi mà có thể cho phép quốc gia vùng Vịnh này giải quyết sự thiếu hụt dầu mỏ là tăng cường hợp tác với các nhà sản xuất dầu mỏ trong và ngoài OPEC.
Sự lựa chọn khó khăn
Động thái của Nhà Trắng đảo ngược những thành quả nhiều năm đàm phán khó khăn vốn được xem là giúp ngăn chặn thành công tham vọng hạt nhân của Iran, có thể ví như “cú đấm trực diện vào các ông lớn” châu Âu và ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cùng với các nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu tại châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, hàng loạt nước châu Âu khác như Pháp, Italy (I-ta-li-a), Tây Ban Nha, Hy Lạp…, đang nhập khẩu lượng dầu mỏ khá lớn từ Iran.
Là những đối tác phải chịu tác động trực tiếp nhiều nhất do quyết định của Mỹ, hàng loạt nước châu Âu và châu Á đều đã lập thức lên tiếng chỉ trích Mỹ. Lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định đây là thỏa thuận vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm ổn định khu vực và thế giới, đồng thời nêu rõ sẽ tiếp tục duy trì JCPOA. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có thể thông qua những điều luật giúp các công ty châu Âu kinh doanh với Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mọi biện pháp cấm vận sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên chứ không chỉ một mình Iran. Trước mắt có thể thấy cả Boeing và Airbus đều bị thiệt hại khi thỏa thuận cung cấp máy bay dân dụng cho Iran trị giá 40 tỷ USD mà họ đang kỳ vọng phải tạm ngừng sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin thông báo sẽ thu hồi các giấy phép xuất khẩu sang Iran cấp cho cả hai hãng.
Không chỉ các hãng sản xuất máy bay, ngành công nghiệp châu Âu cũng bị "vạ lây". EU không bị bắt buộc phải áp đặt các biện pháp trừng phạt giống như Mỹ đối với Iran, nhưng lại bị mắc kẹt bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp (nhắm vào các ngân hàng quốc tế và các công ty kinh doanh với Iran). Thực tế, các biện pháp trừng phạt này sẽ buộc ngành công nghiệp châu Âu phải lựa chọn giữa việc giữ mối làm ăn với Iran hay chuyển sang thị trường Mỹ và đây thực sự là bài toán không dễ tìm lời giải trong tình hình quốc tế có nhiều xáo trộn như hiện nay.
Theo H. Hà (TTXVN)