TPP sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất rượu, bia nước ngoài ở thị trường Việt Nam nhờ các dòng thuế sẽ được bãi bỏ theo lộ trình. Liệu khi đó rượu, bia ngoại sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam?
Điện tử, điện lạnh - Miếng bánh lớn của ai?
- Cập nhật : 02/04/2016
(Tin kinh te)
Nhận định về thị trường bán lẻ hàng điện tử điện lạnh, nhiều nhà đầu tư ngoại cho biết, thị trường Việt Nam vẫn là một miếng bánh lớn chưa được khai thác. Từ nay cho đến năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh của Việt Nam sẽ tăng từ 7,3% lên 11,9%.
Hàng ngoại đổ bộ mạnh vào Việt Nam
Kết quả nghiên cứu thị trường do Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GFK Việt Nam thực hiện cho thấy, sự cải thiện trong thu nhập bình quân đầu người đang tác động đáng kể đến tổng mức chi tiêu trên hộ gia đình, đặc biệt là với các thiết bị điện, điện tử gia dụng phục vụ gia đình.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tính tại thời điểm hiện tại đã được nâng lên mức hơn 2.109USD/người/năm. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 2,31%, tốc độ tăng lạm phát - chỉ số giá tiêu dùng còn ở mức 0,63% và tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,68% trong năm 2016. Theo đó, mức tổng chi tiêu của hộ gia đình (23.654.100 hộ gia đình) sẽ tăng lên khoảng 3.737USD/hộ gia đình/năm.
Riêng về mức chi tiêu dành cho sản phẩm điện tử, điện lạnh ước tính khoảng 157.000 tỷ đồng. Trong đó, xu hướng nhóm sản phẩm điện tử chiếm khoảng 60.000 tỷ đồng, dẫn đầu sẽ là điện thoại di động, kế đến là máy tính xách tay và cuối cùng là máy tính bảng; xu hướng cho các nhóm thiết bị điện lạnh gia đình chiếm 97.000 tỷ đồng. Sản phẩm ti vi màn hình phẳng sẽ chiếm ưu thế trong nhóm xu hướng này. Còn lại phân bổ vào thiết bị máy điều hòa không khí, tủ lạnh và máy giặt.
Điều đáng nói là mức tiêu thụ các loại sản phẩm trên cũng sẽ tăng 7,3% năm 2016 lên mức 11,9% năm 2020. Lý giải vấn đề này, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ViettinbankSc, cho biết Việt Nam đã chính thức là thành viên của các Hiệp định Thương mại Việt Nam - châu Âu, Việt Nam - Hàn Quốc, TPP và gần đây nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được thiết lập.
Bộ Tài chính đã ban hành biểu thuế suất giảm dần về 0% cho các mặt hàng nhập khẩu từ những nước cùng là thành viên hiệp định thương mại của Việt Nam. Trước hết là những mặt hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Sản phẩm điện tử, điện lạnh ngoại nhập có chất lượng cao và giá thành cạnh tranh đang đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam sẽ tạo cú hích đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ nội địa trong thời gian tới.
Chiến lược thâu tóm
Nhu cầu tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm điện tử, điện lạnh tăng nhanh nhưng hệ thống phân phối bán lẻ chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn và ở các thành phố lớn. Khảo sát thị trường do Trung tâm nghiên cứu ViettinbankSc cho thấy, với thị trường điện thoại di động chính hãng, 30% thị phần phân phối và tiêu thụ thuộc về chuỗi cửa hàng thế giới di động; 10% của FPT; 20% thuộc cửa hàng nhỏ lẻ ở từng tỉnh và nhóm các siêu thị điện máy, 40% còn lại tập tung các chuỗi cửa hàng nhỏ lẻ…
Với thị trường điện máy, số lượng nhà phân phối ít hơn nhưng quy mô lớn và tập trung chủ yếu ở 6 chuỗi cửa hàng là Home centre HC, Nguyễn Kim, Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, Pico và Trần Anh.
Tính tổng quan thị trường, hiện thị phần chuỗi bán lẻ hiện đại Việt Nam chỉ mới đạt mức 25% trong khi so với các nước trong khu vực từ 33% - 60%. Điều này chứng tỏ dư địa đầu tư thị phần chuỗi bán lẻ tại Việt Nam còn rất lớn, ước đạt khoảng 45% vào năm 2020. Đây chính là miếng bánh lớn sẽ hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Huỳnh Phước Cường, Giám đốc khối bán lẻ, Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường công nghệ và Bán lẻ GFK, cho rằng thông qua hệ thống phân phối là cách duy nhất để nhà đầu tư ngoại đưa sản phẩm của mình vào thị trường nhanh nhất. Thế nhưng, thay vì chọn cách đầu tư hệ thống phân phối có mức độ rủi ro cao, các nhà đầu tư ngoại chọn cách thâu tóm những hệ thống phân phối, chuỗi cửa hàng đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Hiện những yếu tố về pháp lý cũng rất thuận lợi để nhà đầu tư ngoại thực hiện mục tiêu này.
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp đã cho phép nới lỏng quy định về tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp (DN) chưa niêm yết. Nghị định 60/CP của Chính phủ cũng nới lỏng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Có thể thấy, dẫn đầu giá trị thị trường mua bán các chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm điện tử, điện lạnh tại Việt Nam là những ông chủ người Thái. Hiện Tập đoàn Power Buy (thuộc Tập đoàn Central Group) đã mua lại 49% cổ phần hệ thống siêu thị Nguyễn Kim - một trong hệ thống chuỗi cửa hàng điện máy lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, Central Group cũng đã mua thêm 49% cổ phần hệ thống cửa hàng Pico.
Các tập đoàn Nhật Bản đã sở hữu lần lượt 49%, 91%, 30% chuỗi hệ thống các siêu thị Citimart, Trần Anh và Fivimart. Số ít các trung tâm thương mại đang bị mua lại bởi các ông chủ Hàn Quốc và Hồng Công.
Thị trường đang thay đổi nhanh chóng, DN Việt Nam có trụ lại được trên thị trường trước các đối thủ nước ngoài mạnh cả về vốn lẫn kinh nghiệm? Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam gia nhập hàng loạt hiệp định thương mại là đặt DN Việt trong bối cảnh cạnh tranh và vận động phát triển.
Mỗi phân khúc thị trường sẽ có những đòi hỏi và thị hiếu nhất định. Các DN lớn không thể nào ăn hết một miếng bánh lớn và ở quy mô nhỏ hơn, vẫn có chỗ đứng dành cho DN nhỏ. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp nội thay vì ngồi than thì hãy vận động để thích ứng.
Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư