Nhận định về thị trường bán lẻ hàng điện tử điện lạnh, nhiều nhà đầu tư ngoại cho biết, thị trường Việt Nam vẫn là một miếng bánh lớn chưa được khai thác. Từ nay cho đến năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh của Việt Nam sẽ tăng từ 7,3% lên 11,9%.
“Hải quan làm khó, doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm”
- Cập nhật : 10/03/2016
(Tin Kinh Te)
“Có cán bộ hải quan gây khó khăn làm thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm. Công chức làm sai nhưng nhân dân chịu mất mát”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại thương cho biết.
Pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích
Nêu ý kiến tại hội thảo rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan do Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 10/3, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO cho biết, pháp luật Việt Nam gần như đã tương thích, tuy nhiên còn hai yêu cầu rất nhỏ chưa tương thích gồm yêu cầu không phân biệt đối xử với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chế độ doanh nghiệp ưu tiên và yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần.
Cụ thể, theo tiêu chí về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm để được hưởng chế độ ưu tiên, hầu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tiếp cận chế độ này, trừ các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan thông qua đại lý hải quan đáp ứng được các tiêu chí.
Từ đó, Nhóm rà soát đề xuất cân nhắc điều chỉnh lại các quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP về tiêu chí kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm theo hướng, giảm mức kim ngạch xuống cho phù hợp với năng lực xuất nhập khẩu của trung bình các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một vấn đề nữa được bà Trang đề cập nếu cam kết (bằng ngôn ngữ Tiếng Anh theo nguyên bản của Hiệp định) được hiểu là chỉ một giấy tờ hành chính duy nhất cho các thủ tục hải quan thì pháp luật hải quan hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu của cam kết.
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho rằng, dường như cách hiểu này không thích hợp bởi với thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, ít nhất luôn có một tài liệu là Tờ khai hải quan, ngoài ra nhiều hàng hóa còn cần có thêm một hoặc nhiều loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, về logic, quy định này không thể được hiểu theo cách này.
Và với cách suy luận thứ hai, theo bà Trang, nếu cam kết này được hiểu là đối với mỗi loại giấy tờ hành chính chỉ cần một bản được sử dụng cho toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan thì pháp luật Việt Nam cũng chỉ đáp ứng được một phần.
Cụ thể, pháp luật Việt Nam mới chỉ đáp ứng được yêu cầu này trong trường hợp đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và cũng là với những giấy tờ mà các cơ quan liên quan cấp dưới dạng điện tử.
Do đó, Nhóm rà soát cho rằng, trong cả hai trường hợp, pháp luật Việt Nam đều chưa đáp ứng được yêu cầu và vì vậy cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
“Ưu tiên mà áp dụng cho số đông thì ưu tiên không có ý nghĩa nhiều. Vì vậy tôi đồng tình với kiến nghị cần từng bước sửa đổi pháp luật Việt Nam theo hướng giảm mức kim ngạch nhưng không đến mức để số lượng doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí nhiều đến tràn lan, làm mất ý nghĩa thực tế của cơ chế này”, ông Bình nói.
Cần quy trách nhiệm cán bộ hải quan
Cho rằng những rà soát đưa ra là “chuẩn mực” song PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại thương) dẫn ý kiến được đưa ra bởi chuyên gia kinh tế cao cấp, bà Phạm Chi Lan cho biết, Việt Nam trong “top ten” của những nước sớm ban hành văn bản nhưng cũng “top ten” nhóm nước chậm đưa văn bản vào thực thi.
Bà Ánh cho rằng hiện có những cách hiểu sai lầm về môi trường pháp luật, vấn đề quan trọng không có văn bản nào đánh giá công chức thực hiện tốt hay không tốt các văn bản quy định và hậu quả chính người dân, doanh nghiệp phải gánh chịu.
Một thực tế được bà Ánh đưa ra Hải quan khi đặt nghi vấn, chưa có bằng chứng vi phạm của doanh nghiệp nhưng đã cho rằng doanh nghiệp sai, bắt doanh nghiệp phải có bằng chứng trong khi doanh nghiệp không phải chuyên gia văn bản. “Khi chưa có bằng chứng phải cho rằng họ làm đúng, không thể bắt doanh nghiệp làm việc họ không có năng lực đó là rà soát văn bản”, bà Ánh nhấn mạnh.
“Có cán bộ hải quan gây khó khăn làm thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng không ai chịu trách nhiệm. Công chức làm sai nhưng nhân dân chịu mất mát. Do đó bên cạnh việc rà soát Pháp luật cần có khoá đào tạo để công chức hiểu như thế nào là làm việc chuyên nghiệp, cần có văn bản quy trách nhiệm cán bộ, công chức hải quan” bà Ánh nói.
Đồng quan điểm, đại diện đến từ Phòng thương mại châu Âu cho biết, vấn đề không nằm ở bản thân quyết định mà nằm ở người thực thi. “Khi tôi từng làm ở văn phòng luật, nhiều khách hàng gặp vướng mắc không biết tìm đến ai, không có cơ quan đầu mối hiểu hết các quy định pháp luật. Có văn bản gửi đi cũng mất rất nhiều thời gian trả lời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”, vị này cho biết.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, không chỉ dừng lại ở việc rà soát văn bản đảm bảo hay chưa mà quan trọng phải đảm bảo hiệu quả thực thi.
TÂM AN
Theo Bizlive