Nếu vẫn giữ tư duy sản xuất theo số lượng mà không coi trọng chất lượng, nông sản của VN sẽ không thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
FTA mang đến cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam
- Cập nhật : 23/09/2015
(Tin kinh te)
Trong năm 2015, Việt Nam sẽ ký kết 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra nhiều cơ hội về xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu thương mại giữa Việt Nam và các nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội và thách thức gì, Nhà nước hỗ trợ gì giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Nội dung chính của các hiệp định được ký kết lần này là xóa bỏ thuế quan, tự do hóa mậu dịch, nhờ đó mở ra nhiều cơ hội cho các nước tham gia. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, cơ hội lớn nhất là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trước sức ép cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh toàn cầu hóa thì chỉ có các doanh nghiệp mạnh, có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mới có thể trụ được. Đây chính là thời điểm thanh lọc các doanh nghiệp yếu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, hiệp định mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ. Để kịp thời nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức, doanh nghiệp Việt nam cần tăng cường sự nỗ lực của bản thân và hỗ trợ của Nhà nước. Các hình thức sản xuất theo kiểu kêu gọi “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” không còn là điểm mạnh khi thuế quan được tháo dỡ, hàng hóa tự do mậu dịch giữa các nước tràn vào. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước yếu sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp trong nước không nâng cao chất lượng sản xuất thì sẽ không xâm nhập vào thị trường các nước. Các nước EU đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh và chất lượng sản phẩm rất cao, nếu không “chuẩn hóa” thì sản phẩm của chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, dù hiệp định có mở ra cơ hội, chúng ta cũng không nắm bắt được.
Muốn tăng khả năng cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới tư duy theo cơ chế kinh tế thị trường. Phải nhìn nhận thực tế hiện nay là, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế còn rất hạn chế; năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế. Đây chính là bất lợi rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao vị thế của mình trong quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng được các lợi thế do hội nhập kinh tế mang lại, chúng ta cần điều chỉnh chiến lược hội nhập thời gian tới. Đó là, Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ, nhanh và toàn diện về thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách theo nguyên tắc của kinh tế thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống doanh nghiệp, trong đó thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao đọng có tay nghề và nhân lực trình độ cao. Bên cạnh đó, nhà nước cần quy tụ các doanh nghiệp, cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa và nước ngoài được giữ vững bằng các hàng rào kỹ thuật thương mại, đồng thời xây dựng nguồn nguyên liệu chuẩn để đủ sức xâm nhập thị trường các nước.
FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu được xếp vào nhóm những FTA thế hệ mới, cùng với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cho dù có lộ trình cho từng cam kết, nhưng so với FTA truyền thống tập trung vào thương mại hàng hóa, cam kết của FTA thế hệ mới phủ rộng không chỉ ở thương mại hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, mà bao trùm cả các vấn đề mới như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, hải quan, phát triển bền vững… và các vấn đề phi thương mại như bảo vệ môi trường, lao động… Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá 8 năm gia nhập WTO của Việt Nam cũng như việc thực thi các FTA, một trong những điểm yếu nhất lại là việc sử dụng các biện pháp phòng vệ được phép như thuế quan, phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá… Thậm chí, ngay cả công cụ phòng vệ là độ trễ trong thời gian thực hiện cam kết cũng không được tận dụng tối đa.
Có thể thấy những hạn chế trong việc lựa chọn, xây dựng và thực thi chính sách, phân bổ nguồn lực trong phát triển một số ngành công nghiệp như ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến…
Trong khi đó, không gian chính sách để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam cũng sẽ ngày càng bị bó hẹp, tương ứng với những cam kết hội nhập sâu rộng. Các biện pháp phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật theo kiểu cũ sẽ không còn đất thực hiện, thay vào đó là những biện pháp mới tinh vi hơn, đòi hỏi năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, sự kết hợp hài hòa giữa chính sách trong nước và các cam kết quốc tế. Đồng thời, cả trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực tìm không gian phát triển cho chính mình.
Bối cảnh mới đòi hỏi năng lực mới của những chủ thể tham gia hội nhập. Sự chủ động trong tận dụng không gian chính sách còn lại sau các FTA cũng sẽ loại dần cách thức làm ăn theo kiểu xoay sở, bị động bấy lâu nay của doanh nghiệp Việt Nam cũng như của các cơ quan hoạch định chính sách./.
Lộ trình cắt giảm thuế quan đối với một số hiệp định FTA
Hiệp định TPP: Mục tiêu là giảm thuế và những rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ, hướng đến tự do hóa toàn diện, xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu (trong đó trên 90% loại thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực). Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, thuế giảm sẽ là điều kiện tốt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Cam kết về dịch vụ, đầu tư, môi trường chính sách minh bạch, thông thoáng, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với quy định quốc tế sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm tỏi, gừng, mật ong, tôm, tạo cơ hội cho Việt Nam cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Hàn Quốc cam kết tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế.
FTA Việt Nam - EU: EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiệp định này miễn thuế với ít nhất 90% các dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu. Đây cũng là cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam.
FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan: Hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và các thành viên Liên minh Hải quan mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Ước tính, sau khi hiệp định được ký kết, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có thể tăng 63%, sang Belarus tăng 41% và sang Kazakhstan tăng 8%. Hiệp định cam kết có ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam sẽ được miễn thuế.
FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu: Vừa được ký kết sẽ mở tiếp nhiều cam kết mới giữa Việt Nam với 5 nước gồm: Nga, Belarur, Kazahstan, Armenia và Kyrgyzstan. Hàng loạt cơ hội mới sẽ mở ra cho các ngành sản xuất, dịch vụ trong nước, thị trường xuất khẩu sẽ rộng hơn, cơ hội đầu tư kinh doanh lớn hơn, song điều này cũng có nghĩa không gian chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế, các doanh nghiệp của Việt Nam càng thu hẹp lại. FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu được xếp vào nhóm những FTA thế hệ mới, cùng với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - EU cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Thông tin Tài chính